Giá ảo giá thật

Nếu làm một cuộc thăm dò về giá trị chuyển nhượng của các cầu thủ nội hiện giờ thì dám chắc tuyệt đại đa số các ông bầu của V-League sẽ cùng thốt lên một từ: “Giá ảo”, mà theo bầu Thắng thì: “Tôi không hiểu vì sao một cầu thủ hiện nay mới 2 tỷ đồng nhưng tháng sau đã tăng vọt lên 10 tỷ đồng. Tôi không biết giá trị cầu thủ lấy đâu mà lên lẹ thế”.

Chuyện này thực ra không có gì lạ, vì số cầu thủ được xem là có trình độ hay nhất VN hiện tại cũng chỉ vào khoảng trên dưới 50 người (nếu lấy quân số 2 ĐTVN và ĐT U23 VN cộng vào), trong khi V-League và giải hạng Nhất có tất cả 28 CLB, mà mỗi CLB nhiều nhất cũng chỉ đăng ký được 4 ngoại binh (với V-League) hoặc 3 ngoại binh (với giải hạng Nhất), tức là mỗi CLB cần phải có ít nhất 20 nội binh mới đủ danh sách đăng ký thi đấu.

Có thể HN.T&T sẽ không để Công Vinh ra đi nếu như họ không có liền 2 danh hiệu trong 2 năm vừa qua. Ảnh: V.V
Có thể HN.T&T sẽ không để Công Vinh ra đi nếu như họ không có liền 2 danh hiệu trong 2 năm vừa qua. Ảnh: V.V

Đem nhân con số 20 cầu thủ nội này với 28 CLB V-League và giải hạng Nhất thì rất dễ thấy sự thiếu cân bằng nghiêm trọng giữa cán cân cung và cầu ở bóng đá VN hiện tại, và đấy là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng “giá ảo” trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ VN.

Câu chuyện của bóng đá VN hiện tại cũng tương tự những gì đã và đang diễn ra ở các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như giá bất động sản, giá ôtô hay giá vàng. Thật phi lý khi VN vẫn chưa phải là quốc gia phát triển hay thậm chí còn chưa được xếp vào nhóm những nền kinh tế mới nổi, nhưng giá nhà cửa đất đai, xe cộ và giá vàng ở VN vẫn thuộc hàng top so với mặt bằng khu vực và thế giới.

Không những thế, dù đắt đỏ như vậy nhưng số lượng xe sang và siêu sang ở VN vẫn đang xuất hiện với cấp số nhân, còn các dự án bất động sản gắn mác “cao cấp” thì xuất hiện như nấm sau mưa mà vẫn không thiếu người mua… Rõ ràng, một khi đã là nhu cầu thiết yếu của con người (bao gồm cả người giàu lẫn người nghèo) thì dù có cao giá cách mấy nhưng một khi nếu có cơ hội sở hữu thì không ai có thể bỏ qua, cho dù là vì mục đích sử dụng hay còn vì lý do nào khác.

Bản thân các ông bầu trước khi nhảy vào làm bóng đá thì đều là những doanh nhân thành đạt, và nếu làm giàu một cách chân chính thì không bao giờ họ để uổng phí đồng tiền của mình. Vì thế, nếu để ý sẽ thấy, tác nhân tạo nên cơn bão giá trên thị trường chuyển nhượng hầu hết đều là những ông bầu mới nổi hoặc muốn giành lại vị trí cũ, còn các ông bầu đã gặt hái đầy đủ lợi nhuận từ bóng đá sẽ không bao giờ tung tiền miệt mài như thủa ban đầu nữa.

Cách đây 3 năm, bầu Hiển đã thiết lập một kỷ lục mới trong làng bóng đá VN để đưa Công Vinh về chơi bóng cho HN.T&T khi ấy vừa giành vé thăng hạng V-League, nhưng sau 2 chức vô địch và á quân trong 2 mùa giải liên tiếp cùng vị thế tương đối trong làng bóng đá VN, lập tức chính sách làm bóng đá của bầu Hiển đã thay đổi và Công Vinh buộc phải ra đi vì đội bóng Thủ đô không còn sẵn lòng trả tiền tấn để đánh bóng thương hiệu nhờ sự hiện diện của Công Vinh nữa.

Nói thế để thấy, giá ảo hay giá thật thực ra cũng chỉ từ góc nhìn của ông bầu mà thôi.

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast