Giếng làng

"Như đứa con đi biệt xóm làng

Nửa đời bỗng nhớ bóng quê hương.."

Ảnh: binhdinhftc.com
Ảnh: binhdinhftc.com

Cứ mỗi lần ngẫm lại câu thơ ấy nhiều đêm trăng thanh ông một mình ngồi trầm ngâm bên cửa sổ nhìn ra màn đêm hun hút sương khuya. Sống ở chốn xô bồ náo nhiệt thị thành, ông thèm khát phút tĩnh tâm nhất ở quê nhà. Phút ấy thăm thẳm trong ông là hình ảnh giếng làng. Ông biết giếng làng từ thưở lên năm tuổi cùng với bao nhiêu kỷ niệm líu ríu trong đầu.

Giếng làng ông gọi tên: Giếng Động. Giếng hình lục giác to gấp hai mươi lần cái nong phơi thóc, được người đời xưa xây bằng vôi trộn mật với những phiến đá ly lỳ xếp chằn chặn xung quanh bờ. Xóm Tàu - Sơn Thủy (Hương Sơn) quê ông thuở ấy các gia đình chung nhau nguồn nước giếng Động. Hồi nhỏ ông thường được cha dắt ra giếng tắm. Ông nhảy tung chân sáo vì quá sung sướng, bởi những lần như thế lại được gặp những thằng bạn cùng đồng loại "da đen tóc he" và người trần như nhộng đứng xếp vòng tròn trên giếng. Chiếc gầu mo cau hình đít ếch thả xuống giếng và tiếng dội nước ào ào lẫn trong tiếng trẻ thách đố nhau ai xối được nhiều gầu lên đầu… Rồi những hơi thở hổn hển, tiếng tu nước ừng ực. Tiếng người cha quát tháo vì trong tư thế tắm có đứa co rúm người để "kháng cự" với những bàn tay thô ráp của cha kỳ cọ mạnh lớp đất bụi đang dính vào nách vào cổ chúng. Không ít, thằng bị cha cầm tai bẹo, khóc thúc tha thút thít… Tắm giếng Động đâu chỉ có trẻ thơ, cánh đàn ông từ bậc trung niên đến cao niên cũng chiều chiều xách quần áo đến tắm. Những người đàn bà vẫn thản nhiên gánh nước, thản niên thăm hỏi người xung quanh chuyện cày bừa, cấy hái, chuyện lợn đẻ, mua trâu bán bò... Giếng Động càng no nước càng dồi dào thông tin, giếng trở thành nơi kết nối tình cảm thiêng liêng của làng ông. Mọi người quý và gìn giữ giếng Động như gìn giữ ngôi nhà của mình. Càng giữ, giếng càng sạch càng trong càng mát. Bây giờ ông vẫn nhớ lệ làng hàng năm cứ đến ngày 27 tháng chạp là ngày "khảo giếng" hay nói theo từ điển phổ thông: làm công tác vệ sinh môi trường cho giếng làng. Giếng khảo xong buổi sáng, buổi chiều các mẹ các chị đã quần tụ bên giếng làng để rửa lá dong xanh, vo nếp mới, làm nhân đỗ xanh chuẩn bị đến mừng Tết đến.

Ông đã sống những năm hoa niên đẹp đẽ như thế bên giếng làng. Thế rồi đất nước có chiến tranh, ông cùng bạn bè khoác ba lô lên đường. Đêm chia tay với gia đình và bà con thân hữu đẫm nước mắt ấy cũng là đêm ông ra giếng làng tắm. Ông lấy quả bầu khô múc nước giếng đựng đầy để mang theo nguồn sữa mát quê nhà… Bao thằng bạn thuở ấy cũng lớn lên và mỗi người mỗi phương tìm kế mưu sinh.

Xóm Tàu từ khi ông đi cuộc sống thay đổi nhanh đến chóng mặt. Làng không còn vất vả và lam lũ như xưa, gia đình nào cũng có nhà ngói, sân gạch và giếng nước. Bỗng dưng giếng Động của làng cô đơn quạnh quẽ, nước giếng vẫn trong nhưng rêu phong phủ đầy, ếch nhái được dịp thi nhau vùng vẫy. Lớp hậu sinh đã biến giếng làng để ngâm tre, ngâm gỗ và giếng làng trở thành vũng bùn lầy nước đọng. Chao ôi, sự phũ phàng đến mức mạch nước trong đất phải ngừng chảy, biến giếng Động thành bãi cỏ hoang.

Ba lần về thăm quê đi qua giếng Động ông thấy vẫn bãi cỏ bời bời và buồn không tả xiết. Nỗi buồn này đến nhẹ nhàng hàng đêm. Bỗng một đêm mùa hè, bất giác nhạc chuông điện thoại reo, ông hơi ngạc nhiên giật giọng hỏi: "Ai gọi tôi giữa đêm thế này". Phía đầu dây nói đáp: "Cháu là Mai con ông Cẩn đây. Cả xóm đang định xây lại giếng Động ạ. Năm nay hạn rất nặng bà con tá hỏa đi tìm nước, không xây lại giếng thì gay go. Nhờ bác gặp hội đồng hương ở xa giúp chúng cháu một tay". Ông cảm thấy nhẹ tênh trên đầu và niềm vui xóa tan giấc ngủ ông. Ông nói: "Phá giếng làng đi là có tội với lịch sử đấy cháu ạ. Bởi giếng không chỉ là nguồn nước sinh hoạt tốt cho dân làng, giếng còn là văn hóa cội nguồn quê hương. Bác cùng cộng đồng sẽ có trách nhiệm làm cho giếng làng mình trong sạch và đẹp như xưa". Sáng hôm sau ông đã họp gia đình để bàn bạc hoãn chuyến đi nghỉ mát Đà Lạt chuẩn bị hành trang về lại cố hương xây lại giếng làng .

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast