Góc khuất của Quả bóng Vàng

Hãy tạm quên những tranh cãi về việc liệu Cristiano Ronaldo giành Quả bóng Vàng có xứng đáng hơn Lionel Messi hay không, hay Franck Ribery đã chịu bất công đến thế nào trong cuộc bầu chọn năm nay...

... Mà hãy dành một chút thời gian cho Manuel Neuer hay Philipp Lahm, những người thường bị bỏ quên trong mỗi lần bầu chọn Quả bóng Vàng.

Một cuộc bầu chọn nhàm chán

Ronaldo và Messi đã thống trị đề cử Quả bóng Vàng trong suốt 6 năm qua, với hai lần chiến thắng cho tiền đạo người Bồ và 4 lần cho tiền đạo người Argentina. Có 3 lần Messi chiến thắng thì Ronaldo lại về nhì và lần này, khi Ronaldo bước lên nhận Quả bóng Vàng thì Messi cũng giành Quả bóng Bạc. Franck Ribery, dù giành cú ăn ba lịch sử cùng Bayern mùa trước, vẫn không thể phá vỡ được sự thống trị của hai siêu sao nói trên.

Trong 3 lần bầu chọn liên tiếp từ 2010-2012, dù thăng hay trầm cùng Barca và đội tuyển Argentina, Messi được mặc nhiên coi như là chủ nhân Quả bóng Vàng. Năm 2012, bất chấp việc đội tuyển Tây Ban Nha vô địch EURO, Quả bóng Vàng vẫn không dành cho một người Tây Ban Nha. Năm 2013, cuộc chơi có thêm Ribery, nhưng chiến thắng ở Champions League của anh không tạo tiếng vàng đủ bằng thắng lợi ở loạt play-off World Cup của Ronaldo. Công chúng cũng nhanh chóng quên rằng anh gần như mất tăm trong thảm bại 1-4 của Real Madrid tại bán kết lượt đi Champions League trước Dortmund.

Nhưng đó chưa hẳn là sự bất công ghê gớm nhất. Ribery vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều so với Manuel Neuer hay Philipp Lahm, những người có rất ít cơ hội ở mỗi kỳ bầu chọn Quả bóng Vàng, dù ở vị trí của mình, họ cũng lọt vào tốp những người giỏi nhất thế giới.

Trong danh sách đề cử bóng Vàng năm nay, Thiago Silva là hậu vệ duy nhất có mặt. Năm ngoái, chỉ có 2 hậu vệ lọt vào danh sách 23 người, và năm 2011 là 3 người.

Góc khuất của bóng Vàng

Nhưng câu hỏi ở đây là: Liệu những bàn thắng của Ronaldo hay Messi cho một đội bóng có quan trọng hơn sự đóng góp, cống hiến của những thủ môn, trung vệ, hậu vệ cánh, tiền vệ? Bóng đá là môn thể thao đồng đội, với 11 cầu thủ mỗi bên. Người ta có thể so sánh Ronaldo và Messi với nhau. Nhưng so sánh trực tiếp họ với những cái tên khác như Philipp Lahm, Manuel Neuer, Sergio Busquets thì có lẽ hơi có vấn đề.

Hãy nhìn lại lịch sử của danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất FIFA” kể từ khi nó ra đời vào năm 1991. Những cái tên được bầu chọn hầu như là những cầu thủ chơi tấn công. Chỉ có 3 ngoại lệ là: Hậu vệ Paolo Maldini (năm 1995), hậu vệ Fabio Cannavaro (năm 2006 sau khi đưa đội tuyển Italy lên ngôi vô địch World Cup) và thủ môn đội tuyển Đức Oliver Kahn (năm 2002 sau khi giúp Đức giành ngôi á quân World Cup). Thỉnh thoảng cũng có những cái tên được nhắc tới trong danh sách đề cử như Roberto Carlos (năm 1997) nhưng người ta lại đề cập đến khả năng tấn công của anh nhiều hơn là vị trí sở trường.

Hẳn nhiên là vị trí phòng ngự chẳng hề quyến rũ. Nhà tâm lý học Eliot Heart lý giải rằng chúng ta thường "đề cao sự có mặt và lờ đi sự vắng mặt". Mà không ghi bàn trong bóng đá bị coi như bạn không hiện diện. Điều đó lý giải vì sao Ronaldo và Messi lại gây ra ấn tượng mạnh đến thế trong vài năm qua: Họ ghi bàn với mật độ dày khủng khiếp và thậm chí biến nó thành một công việc quá dễ dàng, như hít thở.

Nhưng một nghiên cứu về chiến thắng trong bóng đá lại chỉ ra rằng giữ sạch lưới giúp một câu lạc bộ kiếm nhiều điểm trong một mùa bóng hơn là ghi bàn. Chính Chủ tịch UEFA Michel Platini từng phát biểu khi còn đang chơi bóng rằng: “Trong bóng đá, phòng ngự luôn là điểm tựa vững vàng cho tấn công”.

Hồi năm 2010, khi Quả bóng Vàng được sáp nhập với danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới của FIFA, Chủ tịch Sepp Blatter đã khẳng định: “Dù vị trí nào được tôn vinh thì cuối cùng, người chiến thắng vẫn là bóng đá, bởi tháng Giêng hàng năm, chúng ta sẽ có một chiếc cúp cho cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, và đó cũng sẽ là Quả bóng Vàng”. Phải, người xuất sắc nhất, hơn tất cả những người khác về tất cả mọi thứ. Nhưng chúng ta cũng từng nghe những cầu thủ như thế, như Messi hay Ronaldo bộc bạch mỗi khi giành cú hat-trick hay poker rằng: “Tôi đã làm tốt phần việc của mình bởi tôi có những người đồng đội. Điều làm tôi hạnh phúc là 3 điểm quý giá cho đội bóng”.

Dù có xuất sắc thế nào, một cầu thủ cũng không thể đá bóng một mình. Nhưng cách mà những người tham gia bình chọn bóng vàng những năm trở lại đây cho thấy họ đang chọn cá nhân đứng vào trung tâm sân khấu nhất trong một đội bóng, mà không cần quan tâm đến đóng góp thực sự của những vị trí thầm lặng hơn, giống như lời nhận định của tiền vệ đang khoác áo Bayern Thiago: “Leo (Messi) xuất sắc nhất thế giới nhưng Franck (Ribery) đã giành được mọi danh hiệu mùa này cùng đội bóng. Và bóng đá thì là môn thể thao tập thể”.

CÁC DANH HIỆU CỦA NĂM 2013

Quả bóng Vàng FIFA: Cristiano Ronaldo 27,99%

Lionel Messi 24,72%

Franck Ribery 23,36%

Cầu thủ nữ hay nhất năm: Nadine Angerer

HLV bóng đá nam hay nhất năm: Jupp Heynckes

HLV bóng đá nữ hay nhất năm: Silvia Neid

Bàn thắng đẹp nhất năm: Zlatan Ibrahimovic

Đội hình tiêu biểu của FIFpro:

Thủ môn: Manuel Neuer (quốc tịch Đức, đang khoác áo Bayern)

Hậu vệ: Philip Lahm (Đức - Bayern), Sergio Ramos (Tây Ban Nha - Real Madrid), Thiago Silva (Brazil - PSG), Dani Alves (Brazil - Barca)

Tiền vệ: Andres Iniesta (Tây Ban Nha - Barca), Xavi (Tây Ban Nha - Barca), Franck Ribery (Pháp - Bayern)

Tiền đạo: Zlatan Ibrahimovic (Thụy Điển - PSG), Crítiano Ronaldo (Bồ Đào Nha - Real Madrid), Lionel Messi (Argentina - Barca)

Yến Nhi

Nguồn: thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast