Hát ví Xứ Nghệ

(Baohatinh.vn) - Nói tới hát ví là nói tới một loại dân ca mà làn điệu dân ca này chỉ thấy xuất hiện ở Nghệ Tĩnh, lưu truyền ở Nghệ Tĩnh. Trong các sách viết về dân ca đã xuất bản từ trước tới nay, chúng ta cũng không thấy sách nào nói, địa phương nào có loại dân ca này. Vì thế, chúng tôi cũng cho rằng, hát ví là một trong những thổ sản đặc trưng của Xứ Nghệ.

PGS Ninh Viết Giao đã cho rằng, “ví” là “với”, hát ví là hát với, và “ví” là “vói”. Bên nam đứng ngoài ngõ, ngoài đường “hát vói” vào sân, vào nhà với bên nữ; hoặc đám con gái đang cấy lúa ở ruộng này “hát vói” sang khu ruộng bên cạnh với đám con trai đang nhổ mạ. Đó là một ý kiến cần nghiên cứu.

Hát Ví bên dòng Lam. Ảnh: Huy Tuấn

Hát Ví bên dòng Lam. Ảnh: Huy Tuấn

Hát ví Nghệ Tĩnh, trước khi là dân ca trữ tình, hát đối đáp giao duyên giữa trai và gái thì nó là dân ca lao động, dân ca nghề nghiệp. Tại Xứ Nghệ, nói hát ví là nói chung. Ở đây, có hát ví phường vải; phường đan; phường nón; phường vàng; phường róc cau, lau mía; phường cấy, phường củi; phường chắp gai, đan lưới... Như vậy, ngay cái tên của nó cũng gắn với nghề nghiệp đến lao động rồi. Và xét về nhiều phương diện, nó có quan hệ xa gần với các bài ca nghề nghiệp, đặc biệt là với hò lao động.

Qua thời gian, hát ví được nâng lên bằng một loại dân ca sinh hoạt – trữ tình.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về hát ví Nghệ Tĩnh, trước khi đi sâu vào mặt âm nhạc, xin nêu tóm tắt các đặc điểm của hát ví ở Nghệ Tĩnh như sau:

1. Không như hát quan họ ở Bắc Ninh, hát ghẹo ở Phú Thọ, hát cửa đình ở một số nơi khác, nhân dân Nghệ Tĩnh hát ví không hề tính đến thời gian. Quanh năm, trên đất Nghệ lúc nào cũng có thể nghe tiếng hát ví, không ví phường vải thì ví phường củi...

2. Hát ví, nhất là ví phường vải, ví phường vàng, ví phường đan... có nho sĩ tham gia. Phần lớn các nho sĩ này là tầng lớp trí thức bình dân, xuất thân từ quần chúng lao động, cũng như có người là con nhà dòng dõi, con nhà khoa bảng. Tham gia hát ví, họ thường là “thầy bày”, “thầy gà” cho bên nam và bên nữ. Một số người cũng trực tiếp cất giọng. Chính vì có nho sĩ tham gia mà hát ví Nghệ Tĩnh đã để lại những lời ca óng ả, cô đọng, màu mè và nhiều giai thoại mà đến bây giờ, nhân dân Xứ Nghệ còn truyền tụng.

3. Hát ví có thủ tục hẳn hoi. Thông thường, một cuộc hát ví có ba chặng. Chặng một, các bước hát dạo, hát chào, hát mừng, hát hỏi. Chặng hai là hát đố, hát đối. Chặng ba, chặng quan trọng nhất, có nhiều câu hát hay hơn cả, gồm: hát mời, hát xe kết và hát tiễn. Với hát ví phường vải thì thủ tục trên khá chặt chẽ. Thủ tục làm cho cuộc hát thêm lịch sự và trở thành một hình thức phô diễn mang tính văn hóa hẳn hoi.

4. Câu văn hát ví hầu hết được sáng tác theo thể lục bát và lục bát biến thể. Vì hát ví đã trải qua một thời gian dài lại có nho sĩ tham gia nên câu hát khá chải chuốt, điêu luyện, thể hiện tình cảm phong phú, phức tạp. Nhiều câu hát ví hàm súc, mang chất trí tuệ ở logic diễn đạt, ở tri thức sách vở và tri thức thực tiễn. Bên cạnh đó, cũng không ít câu mang tính chất chơi chữ và chất “trạng”.

5. Về cách hát, trước khi hát một câu, bên nam hoặc bên nữ phải xướng lên một câu. Ví dụ như hát ví phường vải, bên nam gọi bên nữ: Ơ này, chị em phường vải ơi! bên nữ thưa: Ơ, thưa chi! rồi bên nam mới hát. Hát hay, bên nữ khen Hay, ơ rằng hay hoặc Hay, rằng thưa xinh, Hay, hỡi rằng cân. Còn hát không hay, câu văn lủng củng, các cô nói Hay, rằng chưa cân.

Âm nhạc hát ví thuộc hệ thống dân ca cổ, giai điệu chủ yếu nằm trong 3 nốt và 4 nốt (ngũ cung khuyết), một số bài trục chính là quãng 4 đúng và 3 thứ. Tầm cữ âm nằm trong phạm vi quãng 6, quãng 7.

Ví là thể hát đơn, hát trên lời thơ lục bát, song thất lục bát hoặc biến thể. Nhưng đến khi có hội, có phường thì có thể cả tốp cùng hát theo, hoặc 2-3 người cùng hát để hỗ trợ giọng cho nhau như ví phường vải hát trong lúc kéo xa quay con cúi. Hát ví trong những người lao động, nhiều người khác trong tứ dân (sĩ, nông, công, thương), trẻ già, trai gái đều tham gia.

Các nhà nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian như PGS Ninh Viết Giao, GS Nguyễn Đổng Chi, nhà thơ Trần Hữu Thung... đã tập hợp nhiều tư liệu, in thành sách và lưu hành rộng rãi. Nhiều nhà nghiên cứu văn học cho rằng, ví chỉ có một loại, một làn điệu cơ bản nhưng qua nghiên cứu âm nhạc dân gian Nghệ Tĩnh thì ví phong phú về làn điệu, lý do là ở Nghệ Tĩnh mỗi nghề, mỗi việc đều có thể ví về nghề đó như ví: phường vải, phường chè, phường cấy... nhưng khi hát lên chỉ khác nhau về âm sắc.

Vì thế, bản chất âm nhạc chuyển đổi tuyền luật theo cách hát của từng nghề, từng làn điệu của những người khi hành nghề đó, đồng thời, ngôn ngữ của từng vùng cũng ảnh hưởng tới cách hát, cho nên, về cấu trúc âm nhạc cũng khác nhau ở nhịp vào bài và nhịp kết thúc.

Những bài hát ví ở Nghệ Tĩnh tôi đã sưu tầm có: ví phường vải: Nam Đàn, Đô Lương, Can Lộc, Đức Thọ...; ví đò đưa sông La: Đức Thọ, Hương Sơn...; ví đò đưa sông Lam: dọc sông Lam; ví đò đưa sông Phố: Hương Sơn; ví phường chắp gai, đan lưới: Cẩm Nhượng, Cửa Hội, Cửa Vạn; ví phường đan (đan rổ, rá): Kỳ Anh, Ba Giang, Nam Đàn...; phường nón: Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà...; phường buôn: Đô Lương, Hương Khê, chợ Nhe, chợ Thượng...; phường nôốc: tổng Bích Hào – Thanh Chương...; trèo non: Xuân An, Hai Vai, Kỳ Nam, Nho Lâm, Nam Cai (Anh Sơn)...; phường cấy – phường gặt: nơi nào cũng có, chủ yếu vùng đồng bằng; ví phường củi: các vùng có đồi núi, chủ yếu trung du; ví róc cau, lau mía: vùng bán sơn địa; ví nhổ mạ: các vùng đồng bằng; ví huê tình: nơi nào cũng có; ví đò đưa chuyển phường vải: Can Lộc; ví đò đưa nước ngược: Nghi Xuân.

Sau một thời gian hát ví lan truyền ở các địa phương, hát ví gắn với nghề nghiệp đã trở thành cuộc hát có thủ tục, có quy cách riêng như hát phường vải.

Đặc điểm hát ví Nghệ Tĩnh cũng như hát giặm, chủ yếu là theo phương ngữ, thổ âm của địa phương và thông qua ca khúc của ngành nghề nơi đó để hát – tính chất rõ nhất là ngẫu hứng, tự do, phong phú, có cảm xúc.

Về âm nhạc, nếu bài nào cũng ghi theo các nghệ nhân hát thì vô cùng phong phú, nhưng xét về cấu trúc giai điệu dù khác nhau về lời ca cũng nằm trong điệu thức 4 nốt (mì la đố rế) - (la đố rế mí).

Ví đò đưa sông La: Câu ví hình thành trong khoảng không gian bao la đó, chữ “Người ơi” vút cao, trong sáng nghe man mác, biểu lộ rõ nhất ở chỗ bắt đầu khi vào bài với chữ “Người ơi” cấu tạo giai điệu là quãng 2 trưởng.

Ví phường vải: Những điệu ví phường vải được vang lên bên lũy tre xanh, từ trong mái nhà tranh ấm cúng, hay dưới đêm trăng bên thềm nhà, các chị em tay quay xa, tay cầm con cúi rút sợi. Tay quay xa khi quay, khi dừng; lên lên, xuống xuống; khi đưa ra, khi đưa vào, nhịp nhàng mềm mại; tiếng xa sè sè, hòa vào tiếng quay vo vo êm ả, tiếng hát cũng trong hoàn cảnh đó, được cất lên êm dịu, thiết tha, nồng hậu, biểu hiện ở chỗ bắt đầu ở chữ “Người ơi” nhẹ nhàng, thiết tha, cấu tạo âm bằng một quãng ba thứ, sau đó, chuyển sang quãng 3 trưởng.

Ví đò đưa sông Lam: Tính chất ví đò đưa là cùng loại với hát ví nói chung, nhưng ví đò đưa sông Lam khác sông La ở chỗ bắt đầu vào bài: “Người ơi” cấu tạo giai điệu ở quãng 3 thứ (la – đô hoặc sol – sib). Đặc điểm của ví này là chỉ hát trên sông lúc đò đang xuôi hoặc ngược dòng, còn khi neo đậu không ai hát nữa. Khi thuyền trôi trên sông, người chống đò cầm sào đi lên phía mũi thuyền, bỏ sào chống xuống nước, tay cầm đầu sào, tỳ vào phía trước bả vai, rồi lấy sức chống cao sào, đi ngược với con thuyền, lúc nhổ sào người chống sào đi thong thả về vị trí cũ là hết một cội sào, lúc đó, họ nghỉ ngơi và cất lên tiếng hát - có lúc người ngồi bên mạn thuyền hát như một câu ví tâm tình:

Người ơi! Ai là biết nước sông Lam răng là trong là đục

Thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh

Âm điệu của ví đò đưa sông Lam man mác, bao la mà sâu lắng...

Nhạc sỹ, Hội viên Hội VNGD, hội viên Hội nhạc sỹ VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast