Hoa đào trong tâm thức người Việt

(Baohatinh.vn) - Không biết tự bao giờ, đất trời đã dành một sự biệt đãi cho một số loài hoa để chúng trở thành hồn cốt của 4 mùa và chỉ cần nhắc tới hoa thôi là cái phong vị đặc trưng của mùa đã hiện rõ mồn một. Theo nghĩa đó, hoa mai và hoa đào là biểu tượng của mùa xuân phương Nam và phương Bắc, không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt. Và dù ngày nay, có sự giao thoa văn hóa ở 2 vùng miền, người miền Bắc dẫu có mua mai về chơi tết thì trong nhà, ngoài vườn cũng không thể thiếu được cành đào đỏ thắm như một tập quán văn hóa, tâm linh...

Một cánh đào rơi nhớ cố nhân

Một cánh đào rơi nhớ cố nhân

Cây đào được xem là tinh hoa của ngũ hành. Theo phong thủy, cây này có thể trị bách quỷ nên khi đón năm mới, ta thường thấy các gia đình trồng đào trước cửa nhà. Theo quan niệm cổ xưa thì hoa đào không chỉ có tác dụng xua đuổi tà ma mà còn có thể mang đến nguồn sinh khí mới, giúp mọi người trong nhà luôn khỏe mạnh và bình an trong năm mới…

Tích xưa kể lại, ở phía đông núi Sóc Sơn (Hà Nội) có một cây hoa đào cổ thụ, cành lá sum suê khác thường, bóng râm che phủ cả một vùng rộng. Trên cây hoa đào khổng lồ ấy có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ, luôn luôn che chở cho dân chúng tránh mọi tai ương. Quỷ ma nào uy hiếp dân làng đều bị 2 vị thần xử lý. Ma quỷ khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần và dần dần sợ luôn cả cây đào, chỉ cần trông thấy cành hoa đào thôi cũng đủ khiến chúng cao chạy xa bay. Dịp cuối năm, cũng như các thần khác, hai vị thần phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong mấy ngày tết, hai thần vắng mặt ở trần gian nên để tránh ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái, dân chúng đã đi hái những cành hoa đào về cắm trong nhà, ai không hái được thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị thần linh dán ở trước nhà. Việc làm đó truyền từ đời này sang đời khác thành một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Ngày nay, quan niệm đó không chỉ có ở người miền Bắc mà người miền Trung và một bộ phận người miền Nam cũng có thói quen mua đào ngày tết như để cầu mong một năm mới bình an.

Nếu như hoa mai ở phương Nam biểu trưng cho sức sống mùa xuân rực rỡ, nồng nhiệt thì cây đào phương Bắc lại biểu thị một nét đẹp nền nã, kín đáo, ấm áp và bền lâu giống như tính cách sôi nổi và thâm trầm của cư dân 2 miền vậy. Cây đào từ lâu đã là một loài hoa báo xuân. Một cây đào bích hoặc đào phai từ khi khai nụ cho đến hết mùa hoa có khi kéo dài trong cả mùa xuân, khơi gợi trong lòng người bao nhiêu xúc cảm cũ xưa và tươi mới.

Ngày nay, dù nhiều nơi đã bắt đầu học theo người miền Bắc trồng đào để bán vào dịp tết, nhưng mỗi dịp tết đến, xuân về, những chuyến xe lại nối nhau chở đào từ các làng đào miền Bắc rong ruổi khắp các nẻo đường để phục vụ người dân trong dịp tết. Những đào thế, đào phai với đủ sắc màu, kiểu dáng và giá cả lại đến với mọi nhà bằng những nẻo đường riêng trong quan niệm tâm linh, trong nỗi niềm tâm sự riêng tư… Có khi đó là một sự hoài cổ như Vũ Đình Liên từng viết: Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua, hay là nỗi niềm nhung nhớ cố nhân như Nguyễn Bính: Một cánh đào rơi nhớ cố nhân

Chẳng những thế mà hàng năm, trong những chuyến tàu ra đảo xa thăm cán bộ, chiến sỹ, thể nào người ta cũng sắm ít cành hoa đào. Thậm chí, ở những nơi không thể mua đào thì lính đảo lại cùng nhau cắt giấy làm hoa. Với những đứa con lưu lạc nơi xứ người, mỗi dịp tết cổ truyền, niềm mong nhớ hoa đào lại càng trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Việt kiều thường không có đào thật để chơi nhưng họ bằng cách này hay cách khác cũng làm cho căn phòng của gia đình mình đượm màu xuân với cành đào tự “chế”. Những năm gần đây, thay vì cắt giấy làm hoa, nhiều người đã được người thân ở Việt Nam gửi sang những gói hoa đào bằng lụa, có cả lá, cả nụ và với họ như thế cũng đủ để xua tan cái lạnh giá của mùa đông Âu châu…

Hoa đào từ lâu đã có một vị trí thiêng liêng trong tâm thức người Việt. Đó không chỉ là một quan niệm tâm linh mà còn là một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc trong dịp tết cổ truyền. Và tôi lại mường tượng những sớm mai xuân nắng vừa lên ấm áp, người người dắt tay nhau dạo bước trong những vườn đào để thưởng hoa, chụp ảnh lưu niệm và chọn cho mình cây đào ưng ý nhất. Hoặc giả, một trưa mờ sương nào đó, trên những chuyến xe vội vã của người dân miền núi xuống phố trong những ngày áp tết, cành đào phai rung rinh sắc hồng lại gọi mời người ta bước ra khỏi giấc trưa ngắm nghía cái vẻ đẹp vừa hoang sơ, mộc mạc mà không kém phần kiêu sa của những “nàng sơn nữ”…

Hoa đào làm cho xuân thêm thắm tươi, làm không gian thêm ấm cúng và lòng người như được trút bỏ những phiền muộn của đời sống mà ung dung, tĩnh tại giữa ngày xuân…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast