Hoàng Hiêp - Nhạc sỹ tài hoa

Thế là Hoàng Hiệp một nhạc sĩ tài hoa của chúng ta lại ra đi. Tôi không khỏi bàng hoàng sửng sốt và thương tiếc. Từ lâu, trong giới nhạc sỹ đã suy tôn ông là bậc thầy âm nhạc Việt Nam, bởi nhiều tác phẩm của ông đã tạo nên ánh hào quang cho nền âm nhạc nước nhà. Nhiều ca khúc của Hoàng Hiệp gây dấu ấn tình cảm thương yêu con người mãnh liệt, hơi thở hào hùng của dân tộc trong những năm chiến tranh chống Mỹ.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp

Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp (bút danh Lưu Nguyễn) sinh ngày 1/10/1931, ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Lúc lên 14 tuổi, Hoàng Hiệp đã sớm giác ngộ lòng yêu nước và tham gia cách mạng. Hoàng Hiệp gia nhập vào đoàn tuyên truyền lưu động Long Xuyên. Sau một thời gian ngắn, Hoàng Hiệp được trên điều động về công tác tại đoàn văn công phân hội văn nghệ Long Châu Hà. Đây chính là chiếc nôi nuôi dưỡng đầu tiên cho tài năng của ông phát triển.

Nhắc tới nhạc sĩ Hoàng Hiệp người ta nhớ ngay đến bài hát “Câu hò bên bến Hiền Lương”. Một ông bạn nhà văn của tôi hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh khá quen biết với Hoàng Hiệp đã có lần được ông tâm sự rằng: “Ông là cán bộ miền Nam tập kết ra miền Bắc, bài Câu hò bên bến Hiền Lương ra đời năm 1957. Đấy là kết quả của chiến đi thực tế khi tới mảnh đất Quảng Trị có cầu Hiền Lương, nơi vĩ tuyến 17 phía này là bờ Bắc phía kia là bờ Nam. Hoàng Hiệp đã ứa nước mắt khi nghe một người lính gác đèn biển Cửa Tùng tâm sự: Tôi đứng gác đây để mong nhìn được bà con cô bác bên kia bờ và vợ con tôi đang ở đấy”. Sự ngăn cách giới tuyến “đêm Nam ngày bắc” đã thành nỗi day dứt của ông hoà với nỗi day dức của hàng triệu con người trong cảnh chia ly dài đằng đẵng chưa hẹn ngày gặp mặt. Rồi một bất ngờ khác, ông Đằng Giao đưa cho ông xem bài thơ lục bát về Cầu Hiền Luơng vừa sáng tác trong sổ tay để giải bày với ông cho nguôi nỗi nhớ quê nhà, nhớ miền Nam đang chìm trong đạn lửa. Hoàng Hiệp đã dồn nén cảm xúc sau một đêm trắng để làm nên bài hát ấy”.

Bài hát “Câu hò trên bến Hiền Lương” thật kỳ diệu, nó đã trở thành dòng sông tình cảm chảy mãi trong lòng nhân dân Việt Nam. Cứ mỗi lần bài hát ấy cất lên “như không hề có cuộc chia ly” bởi lòng thuỷ chung sắt son của nhân dân hai miền Nam – Bắc, khiến không có kẻ thù nào ngăn chia được giới tuyến. Chính lời nhắn gửi bài hát vọng qua cầu Hiền Lương vọng qua sông Bến Hải vẫn là lời hẹn gặp ngày chiến thắng “Nhắn ai gìn giữ lời nguyền. Trong cơn bão tố vững bền lòng son”. Những khát khao cháy bỏng của Hoàng Hiệp đã trở thành niềm tin thành lẽ sống “đi trả thù mà không sợ dài lâu” và để ngày mai mẹ gặp con, vợ gần chồng, trong dàn hợp xướng đại thắng mùa xuân dân tộc.

Nhắc đến bài “Câu hò trên bến Hiền Lương ” riêng đối với tôi và bao bạn bè trang lứa thưở ấy đã được thầy giáo dạy vỡ lòng tập cho tôi cùng cả lớp hát thuộc lòng bài hát này. Rồi thầy giáo dạy tôi lên đường đi chiến đấu và hy sinh ở thành cổ Quảng Trị. Tôi nhớ như in thầy giáo tôi lúc đó còn làm cán bộ đoàn xã Sơn Thuỷ, thầy đã luyện giọng cho bao lớp nam thanh, nữ tú hát bài ca “Câu hò bên bến Hiền Lương”. Thế là bài “Câu hò bên bến Hiền Lương” trở thành bài hát được nhiều người yêu thích nhất trong các đám cưới, trong liên hoan tổng kết xóm thôn, trong các lễ phát động thi đua tại địa phương.

Bài hát này như một sự linh thiêng đối với tôi suốt đời và trở thành món ăn tinh thần cho tôi, bởi chất trữ tình trong bài hát người nhạc sĩ tài hoa này đã thôi miên tôi không chỉ da diết âm thanh bằng những nốt nhạc mà hình tượng đôi mắt người hướng về Nam, con thuyền nan xuôi dòng trong ánh trăng sương mờ. Thử hỏi có gì lãng mạn hơn, có gì yêu thương hơn “Xa xa một đàn chim, rẽ mây giang cánh lưng trời. Hỡi chim hãy dừng, cho ta gửi tới phương xa vời... Hò ơ..ơ.. dù cho bến cách sông ngăn, có gì ngăn được duyên anh với nàng. Xé mây cho ánh trăng vàng, khơi sông nối bến cho nàng gặp anh”.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp chưa ai phong tặng danh hiệu anh hùng, nhưng những ca khúc của ông có sức mạnh như cả một binh đoàn cổ vũ, động viên “lớp cha trước lớp con sau” sẵn sàng hy sinh xương máu để dành lấy độc lập, tự do cho tổ quốc. Biết bao nhiêu dũng sĩ, biết bao nhiêu anh hùng đã nẩy nở sinh sôi từ những ca khúc hùng tráng của Hoàng Hiệp. Đồng bào dân tộc Tây Nguyên làm sao quên được “Cô gái vót chông”. Ta vẫn còn nghe như đâu đây tiếng nữ nghệ sĩ Lê Dung một trong những người truyền cảm trên sân khấu hay nhất bài hát này: “Ai nhanh tay vót bằng tay em. Chim hót không hay bằng tiếng hát em. Mỗi mũi chông nhọn sắt căm thù. Xiên thây quân cướp nào vô đây..”.

Từ âm hưởng dồn dập, réo rắt hình ảnh cô gái “đầu búi tóc thon” trong âm nhạc đó là hình ảnh của bao cô gái đất nước này, đều mưu trí đều dũng cảm, đều sáng tạo và tìm ra vũ khí dẫu rất thô sơ nhưng lại đánh cho quân thù “bạt vía kinh hồn”. Biết bao nhiêu chiến sĩ sau chiến sĩ qua nhiều trận đánh lại về ôm súng hát bài “Mẹ đào hầm”, “ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Lá đỏ”, “Ngọn đèn đứng gác”.

Giới nhạc sĩ rất khâm phục ông không chỉ về năng khiếu âm nhạc mà về sự lao động nghiêm túc và không ngừng sáng tạo. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp không bao giờ đi theo lối mòn cũ kỹ mà luôn luôn tìm cho mình một lối đi riêng, một phong cách riêng, vì thế những ca khúc của ông khi ra đời đều được công chúng mến mộ.

Sau 1975, Hoàng Hiệp cùng với gia đình trở về thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Những năm sau giải phóng Hoàng Hiệp làm việc tại Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, sau chuyển sang Hội âm nhạc thành phố rồi được tín nhiệm bầu làm Tổng thư ký hội. Với 20 năm chung sống ở Hà Nội và lấy vợ người Hà Nội, Hoàng Hiệp càng hiểu Hà Nội, càng yêu quý mảnh đất ngàn năm Thăng Long ấy. Ông xa Hà Nội nhưng trái tim ông vẫn luôn hướng về Hà Nội. Từ nỗi nhớ chân thành đã tích tụ cho bài “Nhớ Hà Nội” rạng rỡ lên như nét đẹp hồ Gươm, xanh lên như thành phố Hà Nội buổi sáng chan trong nắng xuân hồng...

Dẫu thế “Con đường có lá me bay” vẫn được giới trẻ Sài Gòn và cả nước trân trọng. Trong không khí hoà bình, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã dành những ca khúc tình tứ, êm đềm cho tuổi trẻ, cho quê hương, cho đất nước. Ông cũng là những người điêu luyện nhất trong lựa chọn những bài thơ hay của Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Dương Hương Ly, Chính Hữu, Diệp Minh Tuyền để trở thành những bài ca không quên.

Với hàng trăm tác phẩm đã chính minh sức lao động cần cù, nghiêm túc đã chứng minh được ông là người yêu âm nhạc đến trọn đời. Hoàng Hiệp đã được tặng giải thưởng văn học nghệ thuật Hồ Chí Minh, nhưng cao hơn cả sự tôn vinh ấy đó là tên tuổi ông và những ca khúc ông sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast