Miếu Biên Sơn - Di tích lịch sử văn hóa quốc gia cần sớm tu bổ

Miếu Biên Sơn ở thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc (Lộc Hà) thờ Nữ tướng Phan Thị Sơn, thời chống quân Minh. Năm 1967, miếu được trao tặng bằng có công với nước, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Đến năm 1991, ngôi miếu được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia...

Để tránh mưa gió tạt vào miếu thờ, người dân đã phải phủ cả một tấm bạt lên trên.
Để tránh mưa gió tạt vào miếu thờ, người dân đã phải phủ cả một tấm bạt lên trên.

Miếu còn có tên gọi khác là miếu Bà Chúa Mậu, tức nữ tướng Phan Thị Sơn, người con gái kiên trinh của quê hương Hồng Lộc, từng ra Bắc tham gia cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh và lập chiến công hiển hách. Bà được vua Hậu Lê phong cho đạo sắc “thượng đẳng”, đến đời vua Tự Đức lại được phong lên “thượng thượng đẳng”.

Miếu được xây dựng đời nhà Lê, đến năm 1913 thì được dân làng ở đây tu bổ lại. Toàn bộ ngôi miếu được làm bằng gỗ mít, cấu trúc theo kiểu trùng diêm 4 mái, lợp ngói âm dương, đầu đao cong vút, bờ nóc trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt.

Xung quanh miếu chỉ được thưng bằng những tấm tôn, hệ thống dây điện bắt rất sơ sài.
Xung quanh miếu chỉ được thưng bằng những tấm tôn, hệ thống dây điện bắt rất sơ sài.

Mặc dù đã được 2 lẫn hỗ trợ kinh phí để tư bổ lại nhưng do số tiền quá ít nên chỉ làm được việc xây thành bao, làm đường lên xuống và lát gạch xung quanh. Hiện tại, khu vực thờ cúng chỉ được che bằng mấy tấm tôn và những tấm bạt rất đơn sơ. Tuy vậy, hằng năm vẫn có hàng nghìn lượt người đến đây thắp hương thờ phụng vị nữ tướng có công với nước.

Miếu Biên Sơn có 8 cột, 4 cột ngoài xây bằng vôi, đỡ toàn bộ phần mái của miếu, 4 cột trong bằng gỗ nâng toàn bộ bàn thờ trong miếu. Mặt trước miếu có cửa mở để đồ lễ, ba phía còn lại được che bằng ván. Trước sân miếu có thiết kế một cộng đồng bàn hàn. Bên tả có bàn thờ quan văn, bên hữu thờ quan võ. Trong thời kỳ 1930 –1931, ngôi miếu là nơi cất giấu tài liệu, và cũng là nơi hoạt động cách mạng của người dân trong vùng.

Ông Cù Huy Tiệm, người bảo vệ ngôi miếu cho biết: “Nhân dân ở đây rất mong muốn được tu bổ lại ngôi miếu để có chỗ thắp hương, thờ cúng các vị anh hùng đã có công với nước. Trước đây một số người cũng đã có ý muốn tự sửa lại ngôi miếu này nhưng sau đó không dám vì đây là di tích lịch sử cấp quốc gia, chứ không phải là ngôi miếu của làng.”

Trao đổi về việc này, ông Lê Viết Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc cho biết: Năm 2011, xã đã tổ chức kỷ niệm tròn 20 năm đón nhận bằng di tích lịch sử cấp quốc gia. Còn việc tôn tạo lại ngôi miếu thì vượt ngoài tầm khả năng của xã. Trước những bất cập của di tích này xã đang làm đơn trình lên cấp trên xin cấp kinh phí để tôn tạo. Kế hoạch của xã là sang năm 2013 sẽ cố gắng tôn tạo lại di tích lịch sử này, để xứng tầm với một khu di tích văn hóa quốc gia”

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast