Những bộ phim “bom xịt”… thảm nhất năm 2014

Đó đều là những bộ phim gắn mác “bom tấn”, nhưng khi ra rạp lại hóa thành… “bom xịt”.

Khi các nhà làm phim đua nhau sản xuất phim “bom tấn”, điều này đồng nghĩa với sự mạo hiểm rất lớn mà họ buộc phải chấp nhận. Với những phim kinh phí lớn, “được ăn cả, ngã về không”, nếu phim không ăn khách, nhà sản xuất sẽ thiệt hại cả chục triệu đô.

Ở Hollywood hiện nay, một phim có lãi phải đảm bảo “1 vốn, 4 lời”, chẳng hạn một phim thu về doanh số gấp đôi kinh phí sản xuất, đó vẫn có thể là một bộ phim chưa có lãi, bởi kinh phí PR quảng cáo cho phim khi ra rạp “ngốn bộn tiền”.

Những bộ phim “bom xịt” dưới đây đều là những phim khá lớn, được chiếu tại ít nhất 2.000 rạp với kinh phí sản xuất lên tới hàng chục triệu đô la, nhưng số tiền thu về từ các phòng vé lại rất… “hẻo”.

Legends of Oz: Dorothy's Return (Huyền thoại xứ Oz: Dorothy trở lại)

Kinh phí sản xuất: 70 triệu đô la

Doanh thu phòng vé: 19 triệu đô la - tương đương thu về 27% vốn

“Huyền thoại xứ Oz” đã thực sự trở thành huyền thoại trong cả văn chương và điện ảnh suốt nhiều thập kỷ nay, vì vậy, khi “Dorothy trở lại”, phim đã nhận được rất nhiều kỳ vọng từ giới phê bình và người hâm mộ.

Là phim hoạt hình, đáng lẽ “Dorothy trở lại” sẽ đại thắng phòng vé bởi có thể tiếp cận cả đối tượng khán giả nhí và khán giả trưởng thành - những người đã từng có tuổi thơ gắn liền với “Huyền thoại xứ Oz”. Tuy vậy, phim đã khiến người xem phải thất vọng “toàn tập”.

Chuyên trang phê bình điện ảnh Rotten Tomatoes đã dẫn lời nhận xét hài hước của một nhà phê bình: “Nếu phải lựa chọn giữa việc ở nhà hay đi xem Huyền thoại xứ Oz, phần lớn người xem sẽ buộc lòng phải công nhận rằng chẳng có nơi đâu hơn nhà mình”.

Winter's Tale (Chuyện tình mùa đông)

Kinh phí sản xuất: 60 triệu đô la

Doanh thu phòng vé: 30 triệu đô la - tương đương thu về 50% vốn

Dù được chuyển thể dựa trên cuốn tiểu thuyết giả tưởng nổi tiếng mang nhiều yếu tố lãng mạn dành cho thanh thiếu niên, đồng thời sở hữu những gương mặt tiếng tăm của Hollywood (như Colin Farrell, Russell Crowe…), nhưng “Winter’s Tale” vẫn là một bộ phim thất bại.

Cùng với sự thoái trào của những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết giả tưởng - lãng mạn dành cho thanh thiếu niên, “Winter’s Tale” đã “hết thời” để có thể tạo thành cơn sốt.

Vampire Academy (Học viện ma cà rồng)

Kinh phí sản xuất: 26 triệu đô la

Doanh thu phòng vé: 15 triệu đô la - thu về tương đương 58% vốn

Lại một bộ phim giả tưởng - lãng mạn dựa trên tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên, nhà sản xuất đã kỳ vọng “Vampire Academy” sẽ nối dài làn sóng hâm mộ dành cho những phim xoay quanh ma cà rồng, nhưng cuối cùng phim đã không thể kéo người xem trẻ tuổi đến rạp.

“Học viện ma cà rồng” giống như một sản phẩm pha trộn giữa “Harry Potter”, “Chạng vạng” và “Những cô nàng lắm chiêu”. Truyện phim xoay quanh đời sống của các cô cậu học trò tại một ngôi trường chuyên đào tạo những học viên chiến đấu chống lại ma cà rồng.

Sabotage (Nhiệm vụ cuối cùng)

Kinh phí sản xuất: 30 triệu đô la

Doanh thu phòng vé: 17,5 triệu đô la - tương đương 58% vốn được thu hồi

Sau quãng thời gian 8 năm gắn bó với sự nghiệp chính trị, năm 2011, Arnold Schwarzenegger quyết định trở lại với diễn xuất, nhưng với tình hình doanh số ngoài rạp không khả quan (những phim mà Schwarzenegger tham gia gần đây đều không có được doanh thu tốt), hẳn Schwarzenegger có lẽ đã nghĩ “thà gắn bó với nghiệp chính trị còn hơn”.

Cựu thống đốc bang California kể từ khi diễn xuất trở lại vẫn chưa tạo ra được một bộ phim ăn khách nào. Trong “Sabotage”, Schwarzenegger vào vai John Wharton, chỉ huy một đội đặc nhiệm chống buôn bán ma túy, được lệnh triệt hạ một băng nhóm nguy hiểm. Nhiệm vụ thành công, cả đội tin rằng công việc đã hoàn thành, nhưng từ đó, lần lượt từng thành viên trong đội bị sát hại.

The Legend of Hercules (Huyền thoại Hercules)

Kinh phí sản xuất: 70 triệu đô la

Doanh thu phòng vé: 61 triệu đô la - tương đương 87% vốn được thu hồi

Năm nay có tới hai bộ phim làm về dũng sĩ Hercules ra rạp, cả hai đều không được đánh giá cao, nhưng “Huyền thoại Hercules” thậm chí còn bị chê tơi tả. Thực tế, trong suốt một năm làm phim, Hollywood cũng cho ra một số… “thảm họa điện ảnh”, đây là một sản phẩm như thế. Phim có mức đánh giá thấp thảm hại trên các chuyên trang phê bình điện ảnh.

Transcendence (Trí tuệ siêu việt)

Kinh phí sản xuất: 100 triệu đô la

Doanh thu phòng vé: 103 triệu đô la - lãi…3%

Sự xuất hiện của Johnny Depp có lẽ đã giúp bộ phim không bị “lỗ nặng”. Truyện phim xoay quanh tiến sĩ Will Caster (Johnny Depp), một chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đang dày công chế tạo một cỗ máy có khả năng tự nhận thức, kết hợp được toàn bộ tri thức nhân loại và mọi cảm xúc con người.

Những lời phê bình đối với phim chủ yếu hướng vào sự thiếu logic trong một bộ phim đề cao tính khoa học như “Transcendence”, cùng với đó là sự tẻ nhạt trong bố cục tình tiết, diễn xuất và cả lời thoại của nhân vật.

Labor Day (Ngày lễ Lao động)

Kinh phí sản xuất: 18 triệu đô la

Doanh thu phòng vé: 19 triệu đô la - lãi… 6%

Dù có sự xuất hiện của diễn viên ngôi sao Kate Winslet và Josh Brolin, nhưng “Labor Day” vẫn có thể lọt top “bom xịt” như thường. Trước khi ra rạp, phim thậm chí còn được nhận định là một ứng viên của giải Oscar.

Phim xoay quanh những rắc rối mà hai mẹ con Adele gặp phải với một tên tội phạm giết người, họ cứu giúp hắn để rồi sau đó lại gặp nguy hiểm vì hắn. Diễn xuất của hai ngôi sao Hollywood được khen ngợi và là điểm sáng khiến bộ phim không bị “chìm nghỉm”, tuy vậy, vì kịch bản quá “vụng”, quá giàu tính kịch khi chuyển thể từ tiểu thuyết, nên phim bị chê gượng gạo.

I Frankenstein (Tôi là Frankenstein)

Kinh phí sản xuất: 65 triệu đô la

Doanh thu phòng vé: 71 triệu đô la - lãi 9%

Một nhân vật nổi tiếng màn ảnh như quái vật Frankenstein cũng không thể đảm bảo cho một bộ phim ăn khách. “I, Frankenstein” kể về nhà khoa học Victor Frankenstein, ông đã lấy những bộ phận cơ thể của xác chết, ráp nối lại và tạo thành một sinh vật sống mới dưới tác động của điện năng. Sợ hãi trước sự ghớm ghiếc của sinh vật mình tạo ra, Victor đã chối bỏ nó.

Nhiều năm sau, Adam Frankenstein (tên của quái vật mà Victor tạo nên) vẫn đi tìm câu trả lời về định mệnh của mình, nó luôn phải chịu cảnh cô độc trong một thế giới rộng lớn, luôn phải sống bên lề xã hội trong suốt 200 năm tồn tại trên đời.

Draft Day (Ngày tuyển chọn)

Kinh phí sản xuất: 25 triệu đô la

Doanh thu phòng vé: 29 triệu đô la - lãi 16%

Nam diễn viên chính của phim Kevin Costner đã không còn là cái tên hút khách ngoài phòng vé. Phim lấy bối cảnh ngày diễn ra sự kiện National Football League Draft (một buổi gặp gỡ thường niên nhằm tuyển mộ cầu thủ mới giữa các đội bóng thuộc Liên đoàn Bóng bầu dục Mỹ và các trường trung học).

Ngài giám đốc điều hành Sonny Weaver (Kevin Costner) đang đứng trước cơ hội vàng để vực dậy nền bóng bầu dục tại thành phố Cleveland khi ông phải tìm cho kỳ được một cầu thủ ngôi sao cho đội bóng của mình. “Ngày tuyển chọn” bị đánh giá là quá khô cứng.

Pompeii (Thảm họa Pompeii)

Kinh phí sản xuất: 100 triệu đô la

Doanh số phòng vé: 118 triệu đô la - lãi 18%

Những bộ phim làm về đề tài thảm họa thường rất thu hút sự quan tâm của người yêu điện ảnh nhưng “Pompeii” không phải một trường hợp như thế. Lấy bối cảnh năm 79 sau Công nguyên, “Pompeii” kể về Milo (Kit Harington), một nô lệ trở thành võ sĩ giác đấu.

Milo phải chạy đua với thời gian để cứu người yêu khi núi lửa Vesuvius bất ngờ phun trào nham thạch. Anh phải tìm cách thoát ra ngoài đấu trường để cứu người yêu giữa thành trì Pompeii đang sụp đổ. “Pompeii” là bộ phim kinh phí lớn được kỳ vọng, nhưng cách bố trí tình huống không tạo được kịch tính đã khiến phim gây hụt hẫng.

Bích Ngọc - Theo Forbes

Nguồn: dantri.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast