Những ngôi sao không tắt

(Baohatinh.vn) - Có lẽ trong lịch sử nền âm nhạc Việt Nam, chưa bao giờ trong một thời gian ngắn lại có ba nhạc sĩ tài hoa lần lượt ra đi. Dẫu biết sinh tử là quy luật của tạo hóa, nhưng sự ra đi của nhạc sỹ Phan Nhân, Phan Huỳnh Điểu và An Thuyên đã khiến không chỉ người thân, đồng nghiệp thương tiếc mà nhân dân, bạn bè khắp nơi trong cả nước nghẹn ngào. Sự tiếc thương và ngưỡng mộ của người dân Việt những ngày qua đã khẳng định một điều: dòng nhạc truyền thống, nhạc “đỏ” vẫn cuốn hút, lay động và có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa hôm nay.

Không tách rời hơi thở dân tộc

Phan Nhân sinh năm 1930, quê ở Bình Đức, huyện Long Xuyên (An Giang). Từ thời thơ ấu, Phan Nhân đã sớm thể hiện năng khiếu về âm nhạc nên được gia đình gửi lên Sài Gòn học thanh nhạc. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chàng trai trẻ Phan Nhân háo hức nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Pháp. Từ môi trường này, Phan Nhân hình thành con đường sáng tác .Trong số những tác phẩm ông hồi ấy, bài hát Tiếng tơ lòng (1953) vẫn còn gieo vào tâm khảm những nhân chứng thời lịch sử bi hùng.

Nhạc sỹ Phan Nhân. Ảnh internet
Nhạc sỹ Phan Nhân. Ảnh internet

Có thể thấy rất rõ cuộc đời nhạc sĩ Phan Nhân không thể tách rời nhân dân, tách rời hơi thở dân tộc. Mỗi chuyến đi thực tế dù miền xuôi hay miền ngược đều tiếp thêm lửa, thêm tình yêu âm nhạc cho ông. Lửa thời đại và tình yêu nhân dân đã thể hiện qua những nốt nhạc hào hùng, sảng khoái. Đã nhiều lần, ông tâm sự với bạn bè: “Không gần gũi với tiếng nói, kho tàng dân ca của các dân tộc làm sao tôi có những nốt nhạc du dương bay bổng được. Hồn dân tộc là máu thịt để tạo nên tôi”.

Nhạc sĩ Phan Nhân nói rất đúng, bởi ông sinh ra ở Nam bộ, nhưng lại mê những làn điệu dân ca đồng bằng Bắc bộ, chèo, quan họ Bắc Ninh... Trong các sáng tác của ông, có sự ảnh hưởng ít nhiều của những làn điệu dân ca đậm đà tính dân tộc: Em ở nơi đâu hoặc Nhớ về Pác-bó (âm hưởng của dân ca Tày, Nùng Việt Bắc)...

Nhắc tới sự nghiệp âm nhạc của Phan Nhân, ai cũng yêu thích và ngưỡng mộ Hà Nội niềm tin và hy vọng, ca khúc đã làm rung động con tim và củng cố thêm niềm tin, niềm kiêu hãnh không chỉ cho người Hà Nội mà còn cho nhân dân cả nước. Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời. Càng tỏa ngát hương sen hoa thủ đô. Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô... Nghe tiếng cười chưa quên niềm thương đau... Chân ta bước lòng ung dung tự hào. Kìa nòng pháo đương vươn lên trời cao... Tiếng hát từ trái tim của nhạc sĩ Phan Nhân đã đi thẳng vào trái tim hàng triệu người dân Việt Nam, chính bài hát ấy đã làm sống lại “12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, thực sự dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền.

Sống hết mình, yêu hết mình

Cũng như Phan Nhân, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh ra và lớn lên đã được cách mạng nuôi dưỡng và chính ông là nhạc sĩ của dòng nhạc đỏ, được đồng nghiệp mệnh danh là “con chim vàng “ của nền âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924, tại Đà Nẵng. Có lẽ năng khiếu bẩm sinh cùng với nghị lực khổ luyện từ trong cuộc sống gian khổ của dân tộc đã tạo nên mối lương duyên cho sự nghiệp sáng tác của người nhạc sĩ tài hoa này. Dẫu ông không phải nhà thơ, nhưng lại là người yêu thơ, thích đọc và thuộc nhiều bài.

Những ngôi sao không tắt ảnh 2
Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu. Ảnh minh họa từ internet

Những bài thơ được ông phổ nhạc chẳng khác gì bông hoa đang e ấp trong cành được tia nắng đẹp thức dậy và dịu dàng tỏa hương. Hầu như bài thơ nào có duyên may được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc đều được công chúng yêu thích. Tiêu biểu là: Cuộc đời vẫn đẹp sao, Bóng cây kơ-nia, Hành khúc ngày và đêm, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương.

Đã có lần, một thính giả hỏi ông: “Tại sao khi sáng tác, ông không viết nhạc và lời mà dùng thơ làm lời cho nhạc nhiều thế?”. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trả lời rằng: “Chính trong thơ đã có nhạc rồi, nếu người nhạc sĩ biết khám phá những bài thơ ấy thì lời bài hát sẽ đẹp đẽ, đằm thắm hơn nhiều”.

Nhắc tới câu chuyện này, tôi bỗng nhớ lại kỷ niệm khi gặp nhà thơ Thúy Bắc (em ruột của nhà phê bình Hoài Thanh) trong chuyến chị đi công tác tại xứ Nghệ. Chị tâm sự: “Bài thơ Sợi nhớ sợi thương thành công từ chuyến đi thực tế ở Trường Sơn và được in trên Báo Quân đội nhân dân. Dưới hầm sâu, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khi đọc tới câu Rút sợi thương chằm mái lợp. Rút sợi nhớ đan vòm xanh, tự nhiên mắt ông ngấn lệ rồi hồn nhạc vút lên từ những câu thơ như thế.

Phải sống hết mình, phải yêu hết mình, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu mới có được những bài ca đi cùng năm tháng như vậy. Bởi ông quan niệm Cuộc đời vẫn đẹp sao. Tình yêu vẫn đẹp sao. Dù đạn bom man rợ thét gào. Dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích. Dù xa cách hai ngả đường chiến dịch. Ta vẫn còn chung nhau một ánh trăng ngần... Chính bài hát đó đã gieo nên “mầm sống”, lòng yêu nước không chỉ quá khứ mà cả hiện tại và tương lai. Những bài ca đầy tinh thần lạc quan như thế cũng xuất phát từ cội nguồn “cái tâm” của người nhạc sĩ. Bởi, từ nhỏ, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã trải lòng đong lời ru con Nam bộ của mẹ, những câu hò xứ Quảng, những câu ca dao, tục ngữ, Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm đã thấm sâu trong tâm hồn ông cùng dòng sữa mẹ. Người ta bảo, Phan Huỳnh Điểu là người đa đoan gánh nặng cuộc đời, những bài hát khi ông viết về tình yêu con người, quê hương, đất nước đầy mênh mang, sâu lắng hồn dân tộc Việt.

Tác giả của “những ngôi sao không tắt”

So với “hai cây cổ thụ” nền âm nhạc Việt Nam là Phan Nhân và Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ An Thuyên là lớp hậu sinh và trưởng thành sau kháng chiến chống Mỹ. Nhạc sĩ An Thuyên, tên thật là Nguyễn An Thuyên, sinh năm 1949 tại Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ông là nhạc sĩ trưởng thành từ người lính, môi trường quân đội đã rèn luyện ông trở thành một cán bộ cao cấp có đức, có tài, bản lĩnh và cũng là môi trường chắp cánh cho tài năng âm nhạc của ông. Nhạc sĩ An Thuyên biết ơn sự dìu dắt của bao người đã cho anh “sáng mắt, sáng lòng” và cho nhiều bài ca của anh được “neo đậu” trong lòng thính giả.

Nhạc sỹ An Thuyên
Nhạc sỹ An Thuyên

Bài hát mang tính “đột phá” của ông đó là Em chọn lối này, tiếng tăm của nhạc sĩ An Thuyên nổi như cồn. Ông sung sức trong các đề tài và gần như đề tài nào cũng thành công. Nhạc sĩ An Thuyên còn viết hợp xướng, kịch bản thơ, nhạc phim... Âm nhạc của ông gắn với dòng sông, bến nước, làng mạc đậm đà âm hưởng dân gian xứ Nghệ. Những bài hát như: Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Hà Tĩnh mình thương, Thơ tình của núi “đóng đinh” trong lòng người nghe. Nhạc sĩ đã từng chia sẻ: “Tôi đã được lớn lên trong dòng sữa âm nhạc dân gian. Nhưng điều đấy không có nghĩa là chất liệu ấy sẽ tự vào trong sáng tác. Cái cốt lõi là người nhạc sĩ phải biết nâng niu, gọt giũa, kết hợp cái thuần túy thắm đượm của âm nhạc dân gian, cái tri thức âm nhạc dân gian với tri thức âm nhạc bác học hiện đại. Có như vậy mới tạo ra được những tác phẩm tân thời hiện đại mà đậm đà chất liệu dân ca”.

Dẫu “ba cánh chim” Phan Nhân, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn An Thuyên đã “bay xa” nhưng sự nghiệp sáng tác và tác phẩm của họ vẫn sống mãi trong lòng dân Việt. Thêm một lần nữa, sự ra đi của các nhạc sĩ đã khẳng định chân lý: những ai gắn đời mình với cuộc sống và chiến đấu của nhân dân, đón nhận và trao truyền di sản quý báu của cha ông để lại thì sáng tác của họ sẽ thành công và như những ngôi sao sáng để lại dư ảnh không tắt trên bầu trời âm nhạc Việt Nam.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast