Nước Đức nối những mùa đông

Biết tin tôi được sang Cộng hòa liên bang Đức học tập về công tác báo chí trong đoàn của Ban Tuyên giáo Trung ương, bạn bè và người thân đều dặn dò phải mang đủ đồ ấm vì châu Âu hiện đang phải đối mặt với đợt rét trăm năm mới có. Mang theo tinh thần đó tôi háo hức lên đường với một khát khao được khám phá miền đất cổ tích của anh em nhà Grin, của đại thi hào Goethe, Henrich Haino của xứ sở câu chuyện tình đẹp như mơ Jeny và Karl Marx…

Chia tay Hà Nội trong cái rét hanh hao, trong bịn rịn ánh mắt của người thân đưa tiễn, chuyến máy bay mang ký hiệu VN 545 của hãng hàng không Việt Nam Airliner đưa tôi xuống sân bay Frankturt sau hành trình 12 giờ bay liên tục. Lại tiếp tục một chuyến bay khoảng 2 giờ nữa chúng tôi mới tới được Berlin. Lúc này ở Đức là 9 giờ 30’ sáng, còn ở Việt Nam là 3 giờ30’.

Tháp truyền hình Berlin lung linh sắc màu

Tháp truyền hình Berlin lung linh sắc màu

Bước xuống sân bay, cái lạnh ôm choàng đón tôi với muôn ngàn mũi kim xuyên qua các lớp áo làm chân tay tê cứng lại. Trong lất phất những bông tuyết bay, nước Đức hiện ra thật cổ kính mà hiện đại. Trên các đại lộ ngập tràn tuyết trắng, những hàng bạch dương, cây phong trụi lá vươn cành khẳng khiu như vẽ lên nền trời xám nhạt những bức tranh trầm mặc, cô liêu. Tuyết xôm xốp mịn màng phủ lên những mái nhà xinh xắn trông đẹp như những tâm thiệp Giáng sinh.

Trên đường về khách sạn Sedes, tiến sĩ Bùi Anh Tuấn (Trung tâm hỗ trợ kinh tế Việt Đức) giới thiệu cho chúng tôi vài nét khát quát về nước Đức – trái tim của châu Âu. Với 16 bang, trải rộng trên lãnh thổ 357.050 km2, dân số gần 82 triệu người, Đức được biết đến là một cường quốc có nền kinh tế phát triển, mức sống của người dân cao và hệ thống an ninh xã hội toàn diện, cũng là quốc gia dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực KHKT.

Người ta nói đẹp nhất ở châu Âu là vào mùa xuân, nhưng trữ tình nhất lại là mùa đông bởi nó có sức quyến rũ, hấp dẫn lạ lùng. Thật hạnh phúc và may mắn cho chúng tôi khi sang đây đúng vào dịp Giáng sinh và đón mừng năm mới. Còn hơn chục ngày nữa mới đến Noel mà không khí lễ hội đã tràn ngập phố phường. Bất chấp băng tuyết, giá lạnh người dân Berlin đổ ra đường mua sắm tấp nập đông vui.

Hòa trong dòng người vội vã, chúng tôi đến chợ Giáng sinh Berlin – phiên chợ lớn nhất của thủ đô. Một chú bé chừng 2 tuổi, má đỏ au như trái táo chín được mẹ đẩy trên xe trang trí bằng dây kim tuyến đủ màu nhoẻn miệng cười với chúng tôi. ấn tượng mạnh nhất trong các phiên chợ Giáng sinh là những quầy hàng bằng gỗ xinh xắn, được trang hoàng lộng lẫy với những ánh đèn đủ màu, những con vật ngộ nghĩnh.

Rất lạ, chủ quán hầu hết là đàn ông, luôn chào đón khách hàng bằng nụ cười đôn hậu, rộng mở… Hàng bán chủ yếu là đồ trang trí cây thông, là món bánh mì kẹp xúc xích nướng, hạt dẻ rang thơm lừng… Dừng chân bên quầy bán rượu, nhấp ly rượu táo sóng sánh nóng hổi dường như cái giá buốc bay đi tự lúc nào. Được biết, mỗi năm phiên chợ giáng sinh đưa về cho ngành Du lịch Đức gần 8 tỷ USD, chỉ riêng thủ đô Berlin đã có gần 60 chợ Noel.

Chợ Noel GENDARMENMARKT ở Berlin. Ảnh: VnExpress.net

Chợ Noel GENDARMENMARKT ở Berlin. Ảnh: VnExpress.net

Trong 10 ngày ở Đức chúng tôi được đến thăm nhà Quốc hội Đức, làm việc với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ liên bang, Trung ương Đảng xã hội dân chủ Đức (SPD), cơ quan báo chí liên bang; hiệp hội phóng viên báo chí Đức; Hiệp hội các nhà xuất bản liên bang; Hội bảo trợ Hội đồng báo chí Đức; Đài phát thanh truyền hình Bắc Đức; Nhà xuất bản Báo Tấm gương ngày; Báo nước Đức mới; Nhà máy in Henke Presseedruck. ở đây chúng tôi cũng bắt gặp không khí thân thiện cởi mở: “Chào Việt Nam”, “Việt Nam rất đẹp” làm khoảng cách giữa chủ và khách như được rút ngắn lại…

Hầu hết các phòng làm việc đều bài trí đơn giản, nhiều ánh sáng, hệ thống lò sưởi hoạt động mang theo hương cà phê thơm lừng. Phương pháp làm việc của người Đức ngắn gọn, trực tiếp và rất hiệu quả. Điều đáng nói là các tòa nhà như đều là những công trình tiết kiệm năng lượng với việc thiết kế các kiểu nhà đặc biệt có các tấm pin năng lượng mặt trời, cửa sổ 3 lớp kính cách nhiệt cùng hệ thống thông gió độc đáo. Không khí trong nhà được lưu thông một cách tự động thông qua hệ thống ống ngầm dưới đất.

Người Đức có lý khi cho rằng chi phí xây dựng ban đầu cao nhưng bù lại năng lượng tiết kiệm triệt để về lâu dài.

Được làm việc với một số cơ quan báo chí, nhà xuất bản báo chí lớn của Đức chúng tôi rất khâm phục niềm say mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm cao của đội ngũ các nhà báo. Phóng viên viết bài không có biên tập, thậm chí không có sự kiểm duyệt của Ban biên tập, họ phải tự chịu trách nhiệm về những thông tin mình đưa ra. Bạn đọc chính là người thầy nghiêm khắc, làm nên danh dự của người cầm bút.

Nguồn thu của các tờ báo in chủ yếu từ quảng cáo và tiền bán báo, chính phủ không có sự hỗ trợ nào. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật số hóa, nhiều loại hình báo điện tử ra đời, báo in đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Bởi vậy các tờ báo phải có những giải pháp tự cứu mình, nâng cao chỉ số phát hành cũng như tăng nguồn thu từ quảng cáo.

Trong khuôn khổ cho phép, sau khi làm việc ở Đức chúng tôi có chuyến du ngoạn sang Cộng hòa Séc và Áo bằng ô tô. Đường cao tốc từ Berlin sang Thủ đô của đất nước mà nhiều thế hệ người Việt quen với các tên Tiệp Khắc qua nhiều thung lũng, ngọn đồi, hai bên là những hàng cây vươn cao phủ đầy tuyết trắng tạo nên những hình thù ngộ nghĩnh. Những cối xay gió chậm rãi quay như nhịp sống bình yên của người dân nơi đây. Với tốc độ cho phép 220 km/h, sau 5 tiếng đồng hồ chúng tôi đã có mặt ở thủ đô Praha…

Tác giả (áo đỏ) cùng các thành viên trong đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương tham quan Toà nhà Quốc hội CHLB Đức

Tác giả (áo đỏ) cùng các thành viên trong đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương tham quan Toà nhà Quốc hội CHLB Đức

Nổi tiếng với phe lê, âm nhạc, kiến trúc, Praha còn được biết đến là cái nôi có truyền thống về giáo dục, văn học nghệ thuật lâu đời bậc nhất của châu Âu. Hôm nay, ở Cộng hòa Séc nhiệt độ xuống -10oC có cảm giác như buốt hơn ở Berlin. Chúng tôi thả bộ trên những dãy phố cổ hẹp và dài, dạo chơi trên cây cầu Tình yêu bắc qua sông Vltaya thơ mộng, thăm lâu dài Hoàng Gia được xây cất từ thế kỷ IX với rất nhiều nhà thơ. Thú vị nhất là được đến thăm Tòa thị chính có mặt tiền là chiếc đồng hồ thiên văn nổi tiếng. Đúng 5 giờ chiều khi con gà cất tiếng gáy là 12 vị tông đồ của chúa hiện ra. Theo truyền thuyết, thời khắc ấy ai thành tâm cầu nguyện sẽ được chúa ban cho điều ước. Chiều trên thành phố Vàng Praha thật bình yên trong tiếng chuông chùa lảnh lót.

Trên đường từ Praha sang thủ đô Viên (Áo), dãy núi Apls – dãy núi lớn nhất, dài nhất châu Âu bắt nguồn từ áo hiện ra thật tráng lệ. Những nguôi nhà nằm nép mình dưới chân núi mùa đông, tưởng như từ những lâu đài cổ tích ấy, những nàng bạch tuyết và bảy chú lùn, công chúa ngủ trong lâu đài, con ngỗng vàng… sẽ bước ra.

Nông thôn Áo mùa đông thật tinh sạch, các cánh đồng ngủ yên trong lớp tuyết dày. Nhưng chỉ sang tháng ba, khi tia nắng ấm áp tràn về là những hạt lúa mạch đã được gieo từ trước đó sẽ bật dậy những mầm xanh. Đến Viên ta bắt gặp rất nhiều cung điện, nhà thờ, bảo tàng, tượng danh nhân. Thành phố luôn đắm mình trong những bản hòa nhạc du dương. Chính vì vậy Viên được bình chọn là 1 trong 10 thành phố đáng sống nhất trên thế giới.

Được Goóc - chàng lái xe người Đức tốt bụng và vui tính giới thiệu, chúng tôi đến một quán nhỏ trên đồi cao. Trong giá lạnh về đêm, được thưởng thức ly rượu vang nho nổi tiếng, thấm đẫm mùi nắng gió, mùi đất ải của nông thôn nước áo, ăn món cốt lết nướng, với mì ống, xúc xích nhiều gia vị thấy ấm ám và ngon lạ lùng. Hình như trong mắt ai cũng sóng sánh, nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết dội về.

Rất vui trong chuyến tham quan Viên, chúng tôi được gặp chị Lê Thị Hương (quê Hải Phòng) sang đây lập nghiệp đã 20 năm - giờ là chủ của một quán ăn nhỏ. Tôi đã đến chợ Đồng Xuân khu chợ lớn nhất của người Việt ở Đức, chợ Praha đều nhận thấy cộng đồng người Việt ở đây rất chăm chỉ lao động với ý thức vươn lên mạnh mẽ. Nếp sinh hoạt văn hóa dân tộc được duy trì, đặc biệt con em người Việt đều học rất giỏi. Tình cờ trên bảng rao vặt ở chợ Đồng Xuân, tôi được thông báo họp hội đồng hương Hà Tĩnh ở Đức, tiếc là không đủ thời gian để liên lạc gặp các anh chị.

Từ Berlin, chúng tôi bay sang Pháp sớm hơn 2 ngày theo dự định. Thời gian dẫu ngắn nhưng cũng đủ để được chiêm ngưỡng dung nhanh thành phố "Kinh đô ánh sáng Paris". Đón Noel, trên các đường phố, các trung tâm thương mại của Paris, nhất là đại lộ ChamPS Elysseé nổi tiếng giữa khải hoàn môn và quảng trường Conconde, 2 hàng cây bên đường được trang hoàng rực rỡ, lung linh... Dẫu đã biết Paris qua phim ảnh sách báo, vậy mà khi cận cảnh tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp huyền ảo, kiêu sa của thành phố hoa lệ này.

Chúng tôi đến tháp Eiffel - biểu tượng kiêu hãnh của kinh đô ánh sáng giữa trời mưa, những bôn tuyết rơi nặng hạt nhưng những du khách đủ màu da vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt mình. Nằm bên bờ sông Sennu thơ mộng, Bảo tàng Louvre lúc nào cũng tấp nập người đến chiêm ngưỡng những báu vật tuyệt tác quý giá nhất của nhân loại. Nhà thờ Đức Bà Paris - sôi động không khí Noel. Trong dòng người đến đây, tưởng như còn bóng dáng của thằng gù Quajindo với tình yêu bất diệt không còn đền đáp với cô gái múa trong tác phẩm cùng tên của đại văn hào Viktor Hugo...

Trong không khí thiêng liêng của đèn Giáng sinh, mọi người mở sâm banh cùng chúc nhau bình an, hạnh phúc. Một đêm trắng giữa đất trời Paris thơ mộng càng cảm nhận rõ hơn về những giá trị đích thực của cuộc sống, về sự vĩnh hằng của tình yêu, về lòng bao dung nhân ái.

Hơn hai tuần du ngoạn châu Âu, với tôi là khoảng thời gian tuyệt vời nhất mà không dễ gặp lại trong đời. Những phút giây trải nghiệm, những cuộc gặp gỡ khó quên cho tôi thêm niềm tin yêu và tôi càng thấm thía hơn câu thơ bất hủ của Goether "Mọi lý thuyết chỉ là màu xám - và cây đời mãi mãi xanh tươi".

Tháng 1/2011

Bút ký

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast