Nước mắt làng chài

Vàng gió, đỏ mưa. Gần ba chục năm trước, sau một chiều vàng vọt thế này, trời bất ngờ chuyển bão. Trận bão đầu mùa ghê gớm cướp đi sinh mạng chồng bà. Đó là người đàn ông thứ ba trong gia tộc chết vì bão, vì sóng thần. Kể từ ngày bà làm dâu làng biển.

Bà Quy cào đống lá dương, nhồi vào bao tải. Vội vã lo âu như khi chồng bàcòn ra khơi vào lộng. Những nấm mộ lô nhô sau đụn cát này níu chân bà. Nằm dưới ấy toàn là đàn ông.

Dựa bao lá khô dưới gốc dương, bà rút nắm nhang gác trên chạc cây, lội vào bãi tha ma. Giữa những bụi xương rồng gai nhọn, đám muống biển bò ngoằn nghèo. Hoa tím mướt rượt. Cái giống thật lạ. Gọi là rau mà không ăn được. Nuốt vào đau bụng chí chết. Mọc trên cát bỏng cứ xanh ngằn ngặt. “Trời sinh chi cái giống vô duyên. Chẳng lợi lộc gì!”. Mẹ chồng bà Quy nói thế. Nhưng bà biết không phải vậy. Rễ muống biển cắm sâu vào cát ẩm, giữ cho cát khỏi bị lốc cuốn bay. Theo chân nó là rừng dương. Vành đai xanh bao quanh làng chài. Nơi gió cất tiếng ru bao đời ngư phủ:

Lấy chồng nghề ruộng em theo

Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm!

Từ ngày bước chân về làng chài heo hút, bà Quy đã nhiều lần nghe câu hát ấy. Chiều nay, bà càng thấm nỗi đau bầm ruột. Tai bà ong ong. Bao đời rồi con sóng ngoài khơi cùng hàng dương quanh trảng cát nỉ non khúc ca ai oán này.

Bà Quy dừng lại trước ngôi mộ phủ kín rau muống biển. Bà thành kính thắp hương, lầm rầm khấn khứa. Sợi khói vươn thẳng trong chiều lặng gió. Từ khóe mắt bà, từng giọt mặn chát ứa ra, lăn xuống cát. Về làm vợ ông Tứ khi mười bảy tuổi, bà sinh cho ông độc một mụn con trai. Ở đây mà thế cũng gần với vô sinh, tiệt giống. Dân làng chài trọng con trai, để đi biển, để phòng khi biển bắt mất người.

Bà Quy sống lắt lay trong căn nhà xơ xác, thiếu vắng đàn ông. Tuổi xuân trôi qua lúc nào không hay. Bà chạy chợ, chăm nom mẹ chồng thoắt trở nên ngơ ngẩn. Mỗi năm làm đủ năm đám giỗ: hai người chết cạn, ba người chết nước. Bà vốn không phải gốc gác làng chài. Chồng chết rồi vẫn không muốn về nhà cha đẻ. Căn nhà bỏ hoang mấy chục năm nay, gió mưa làm mục mủn hết. Bà không đành lòng bỏ mặc mẹ chồng.

Nhang cháy hết. Bà Quy lầm lũi quay về…

Tuổi trăng tròn lẻ, cô Quy đã mê anh Tứ như điếu đổ. Mê khuôn mặt chữ điền cùng nước da nâu bóng. Tứ giỏi nghề chài lưới. Chiều chiều, khi đi cào lá, Quy thường nép mình vào gốc dương, nhìn trộm Tứ đẩy thuyền lên bãi. Ngắm những bắp thịt nổi cuồn cuộn dưới ráng chiều. Quy ao ước được vòng tay trai tráng đó ôm ấp. Cô dõi theo bọn trẻ làng chài tung tăng quanh Tứ. Mặc sức gỡ đám cá nhỏ sót lại nơi mắt lưới. Rồi hò hét rượt đuổi nhau. Quy thèm được chạy ào xuống bến, ôm ghì lấy người mình thương. Nhưng chỉ dám đứng xa xa, thở dài sườn sượt.

Đợi đám đàn bà làng biển gánh cá ra chợ xong. Chiều thật muộn, Tứ mới thủng thỉnh về làng. Biết Quy vẫn chờ mình như mọi bữa. Ngang qua gốc dương, Tứ ngây mặt nhìn. Quy xoay lưng, cắm cúi cào lá. Vờ như không biết. Mới mười bảy tuổi mà Quy mẩy hơn hẳn con gái làng chài. Dáng dấp đầy đặn. Nhìn phía sau nảy nở như gái đôi mươi.

Tứ đứng chôn chân, nuốt khan nước miếng. Biết Quy thương mình lắm. Tứ cũng thương Quy. Từ lâu lắm rồi nhưng không biết phải ăn nói làm sao? Bất chợt Quy vươn người đứng dậy. Cô ngoái nhìn anh con trai bằng cặp mắt không giấu được vẻ si mê. Mắt chạm mắt. Cả người tê dại rồi vụt nóng bừng, Tứ ào đến ôm Quy. Cô mềm nhũn người. Phải tựa vào Tứ mới không ngã quỵ. Tứ xốc Quy lên tay. Lao qua trảng cát. Rồi thả cô xuống vạt hoa muống biển. Xanh rì. Tím ngắt. Mướt mát làn da con gái. Quy rướn mình siết chặt người yêu, lần đầu nếm trải nỗi đau hạnh phúc.

Gai xương rồng nhọn sắc lẫn trong cát, đâm vào lưng Quy. Nhưng cô không biết đau. Người Tứ tỏa ra mùi cá oi nồng, mặn mòi hương biển.

Trăng mười bốn mọc sớm. Đỏ như trái cam chín. Loáng chốc ánh trăng vàng tươi tuôn chảy thành dòng, lấp lánh trên mặt sóng.

Những đêm sau này, lang thang trên cồn cát, Tứ kể với Quy cảm giác trở thành đàn ông. Cứ chòng chành, nao nao như chuyến đầu đi biển.

Từ đấy, mỗi lần thuyền Tứ về bờ, Quy lại vác bao ra cào lá. Để rồi khi chiều muộn, Tứ lại được làm chồng Quy trên vạt rau muống biển. Sâu nặng thế mà Tứ vẫn chưa một lần bước chân vào nhà Quy. Anh rất ghét lão Mãng.

Lão vốn người kẻ chợ. Tánh tình keo cú, tham lam. Vợ lão sớm chết vì bệnh phong. Không chịu nổi sự ghẻ lánh của người đời, chôn cất vợ xong, lão bán căn nhà gỗ trắc, dẫn Quy bỏ đi thật xa. Đến tận làng chài. Ở lại quê thì con gái lão không chết vì bệnh hủi cũng chết già. Có ma nào dám rước. Tuy khá giả, cha con Quy vẫn phải cất nhà tận rìa làng. Là dân ngụ cư, lão Mãng lắm phen cay đắng. Kiếm sống bằng nghề cho vay lấy lãi, lão nghĩ mình là cứu tinh của cả làng chài. Thế mà đám dân ngu khu đen này xem lão quá quân ăn thịt người. Giỗ chạp, tết nhất, chẳng ai đến nhà lão. Trừ những nhà chưa dứt nợ. Trả xong lãi mẹ đẻ lãi con, họ phủi tay đi thẳng. Đến tận mùa bão sang năm.

Quy lớn lên trong cô đơn. Ít người bầu bạn. Lão Mãng xót con, sắm cho nhiều quần áo đẹp. Chẳng bù bọn gái làng chài, quanh năm manh áo bà ba vá chằng vá đụp. Lão nhắm Quy tròn mười bảy thì gả cho người quen trên phố Tây. Con gái lấy chồng, lão cũng tính dời nhà lên đấy. Người hàng phố chẳng mấy ai quan tâm đến nhau. Vậy mà khỏe.

Lễ ăn hỏi xong xuôi, đang háo hức chờ ngày rước dâu thì làng chài bỗng nổi sóng gió. Tin cô Quy trốn nhà theo trai loang thật nhanh. Mà theo ai? Theo nhà anh Tứ mồ côi cha nghèo rơi nghèo rớt, quanh năm đánh độc cái quần cộc chứ ai! Hèn gì, đêm hôm vòng qua trảng cát, thấy một cặp bu nhau cứng ngắc cạnh vạt dương. Nhang nhác như thằng Tứ với con Quy. Không ngờ là thật!

Dân làng chài hoang mang. Ở đây chưa khi nào xảy ra chuyện động trời như vậy.

Sau ngày lão Mãng đem lễ đi trả, Tứ và Quy dắt díu nhau về. Lão tím mày tím mặt. Cả ngày không nói năng. Quy dòm chừng cha, len lét như rắn mùng năm. Đêm xuống, Quy lăn ra ngủ mê mệt sau mấy ngày trốn tránh người làng, lang thang khắp trảng cát. Lão Mãng thắp hương lên bàn thờ vợ, lầm bầm khấn khứa. Đột nhiên lão giật mình thối lui. Bát hương tự dưng bốc cháy đùng đùng, tàn đến tận tăm nhang. Cả đêm lão ngồi ngây trên bậc cửa. Phóng những tia mắt đục ngầu vào bóng đêm.

Rạng sáng, lão cả quyết đứng dậy. Cắt mấy đoạn dây lưới thật dài. Xé chiếc vải mùng nhét vào miệng con gái, đoạn trói nghiến chân tay cô lại.

Xế trưa, Tứ nóng ruột quá, đánh liều đến nhà lão Mãng.

Lão gằm mặt xuống đất, nghe Tứ xin hỏi Quy làm vợ. Tứ vừa nói xong, lão đứng phắt dậy, mở toang cửa buồng. Quy nằm trên giường, bó chặt trong tấm lưới như cái xác ướp. Tứ đau thốn ruột. Lão Mãng nhìn anh chực ăn tươi nuốt sống. Rồi gằn giọng:

- Muốn cưới nó thì dẫn lễ bằng cặp cá nưa! Mày dám không?

Tứ điếng người. Cá nưa là cá tử. Xưa nay những người liều mình bắt cá nưa, dễ chẳng ai quay về. Anh hạ mình van vỉ:

- Xin ông cởi trói cho Quy ...

Quai hàm lão Mãng bạnh ra. Lão nghiến chặt răng:

- Mày đem cặp cá về, tao mới cởi trói. Bằng không, cứ y vậy mà chôn sống nó luôn.

Tứ phủ phục xuống chân lão Mãng:

- Xin ông tha tội cho Quy. Lỡ tôi không trở về, cô ấy còn được sống…

- Không khiến mày lo. Cút ngay cho khuất mắt!

Lão Mãng gầm lên, đột ngột rút cây rựa khỏi vách nhà. Lấy hết sức bình sinh, lão giơ lên phóng thẳng vào Tứ. Anh né người tránh được. Cây rựa lao vút ra sân. Tứ biết lão đang lên cơn uất. Anh bấm bụng quay ra. Trong buồng, Quy vật vã, ú ớ không thành tiếng. Nước mắt trào ra từ cặp mắt đỏ mọng.

Ngay chiều hôm đó, tin lão Mãng thách cưới nhà Tứ bằng cặp cá nưa bay khắp làng. Cha này ác quá. Lòng dạ thâm độc. Lão biết đi bắt cá nưa nguy hiểm như xông vào cửa tử. Mười phần chết chín.

Muốn câu được cá nưa phải đợi trời mưa bão. Rồi chèo thuyền ra giữa khơi sâu hơn ba mươi sải nước. Dưới lòng biển sóng ngầm cào xới dữ dội. Thuyền câu khi nổi lên tận đỉnh. Lúc hạ xuống tận đáy. Cá nưa trồi lên ăn mồi. Lúc đó mới thả câu. Bong bóng cá nưa là báu vật tiến vua. Tương truyền chữa được bách bệnh. Người đi tìm cá nưa thì nhiều mà người bắt được cực hiếm. Nhiều ngư dân bơi tài lặn giỏi vẫn thiệt mạng. Thân xác làm mồi cho cá dữ.

Tứ không nỡ mặc Quy chết thảm. Vừa ngả sang chiều anh liền thắp nhang cắm đầy bãi cát. Cúi xin Thần Phật thương tình nổi giông nổi bão. Trời yên biển lặng thế mà đột nhiên chớp giật. Một tiếng sấm nổ rền giữa thinh không. Hoàng hôn nhuộm màu vàng chanh rất quái đản. Tứ quỳ xuống bái lia lịa. Nửa đêm mới về. Sương ướt đầm vai áo. Sáng ra mưa gió đùng đùng. Bà mẹ khóc hết nước mắt. Tứ vẫn một mực ra đi. Đem theo cậu em trai vừa tròn mười lăm tuổi. Cậu ta trốn nhà, nằng nặc đòi theo anh.

Đêm đó, sấm chớp ùng oàng. Sóng gió gầm gào dữ dội.

Lão Mãng cầm chắc phen này Tứ bỏ mạng. Cơn uất dần nguôi. Lão xách cây đèn bão vào buồng, cởi trói cho Quy. Đã cắt hết dây, Quy vẫn nằm lịm như chết. Hoảng hồn, lão vội đặt ngón tay sát mũi con gái. Thấy Quy còn thở, lão quýnh quáng mừng. Chạy ù xuống nhà dưới, đặt nồi cháo hoa. Cái bếp lạnh ngắt. Nhóm mãi mới chịu cháy. Cháo sôi, lão dụi củi, đậy vung. Lại lật đật lên nhà, xem Quy tỉnh hẳn chưa.

Cửa buồng mở toang. Lão Mãng chợt ngờ ngợ. Lúc nãy bước ra lão đã khép chặt cửa, sợ Quy trúng gió. Thò đầu vào nhìn, lão lạnh sống lưng. Cái giường trống không! Lão hớt hải nhào ra cửa.

Vừa lúc ánh chớp xanh rợn lóe lên. Bóng Quy lảo đảo, đầu tóc rũ rượi hiện ra một nhoáng nơi cuối ngõ rồi tan biến vào đêm. Lão Mãng chóng mặt. Ngực đau nhói. Một màn đen kịt phủ lên mắt. Lão ngã vật ra.

Quy nấp dưới mái hiên nhà Tứ, rét run bần bật. Cả ngày không ăn uống gì còn bị trói cứng, cô đau rời rã từng khớp xương. Bản năng xui khiến Quy tìm đến đây. Nhưng lại hoang mang, không dám bước vào.

Trong nhà mẹ Tứ thắp hương van vái Trời Phật, tổ tiên. Cầu mong yên bình cho hai đứa con trai liều mạng. Nghe lịch bịch ngoài hiên, bà run run mở cửa. Khấp khởi hy vọng tụi nó nghĩ lại mà quay về. Bỗng bà thót tim. Một người con gái tóc xõa bời kín mặt nằm gục trên thềm nhà. Sau phút hãi hùng, bà cúi xuống lay gọi. Người ấy nhướng mắt, đờ đẫn nhìn lên. Bà nhận ngay ra Quy. Lết theo bà đến bộ ván, Quy ngất xỉu.

Mẹ Tứ cởi nút áo Quy tính cạo gió thì thốt nhiên bàng hoàng. Núm vú Quy tím đen. Vô lẽ nó có bầu rồi sao? Bà chua xót nhìn Quy. Lời người ta đồn hóa ra là thật! Con nhỏ này chung chạ với thằng Tứ, là nguyên do mà con mình liều mạng sống đây. Trong một thoáng bà oán hận Quy vô cùng. Nhưng rồi bà nặng nhọc đứng lên, vào buồng lấy bộ đồ cũ ra thay cho cô. Dầu gì nó cũng đang mang hòn máu của con mình. Biết đâu bà lại có cháu trai? Ở làng chài này, mạng người thật rẻ mà cũng thật là quý.

Bão tan một buổi thì Tứ trở về.

Anh xách cặp cá nưa dài hơn sải tay, lầm lũi bước lên bờ cát. Người làng chài tò mò, ùa ra bến đông như hội. Thứ cá xưa nay chỉ nghe tiếng đồn. Giờ hiển hiện ngay trước mắt. Người ta hò reo, chỉ chỏ, kinh ngạc. Chưa ai biết về số phận thảm thương của em trai Tứ. Cậu bé bị sóng hất văng khỏi mạn thuyền, trôi mất xác trong lúc Tứ nhảy xuống nước quần thảo với cặp nưa. Lôi được cá lên thuyền, Tứ kinh hoàng nhận ra em mình đã mất dạng tự lúc nào. Suốt ngày hôm đó Tứ phát rồ phát dại. Biển thật cay nghiệt. Vừa hào phóng ban cho cặp cá quý đã tàn nhẫn cướp luôn đứa em trai. Đau đớn rã rời, Tứ muốn buông chèo, nhào luôn xuống biển chết theo em.

Nhưng Tứ sực nhớ đến Quy. Nếu anh không trở về, Quy sẽ bị hành hạ đến chết. Cả ngày đó Tứ xuôi theo con nước cố tìm, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng đứa em. Tứ đành nghiến răng quay về cứu lấy Quy.

Trên cồn cao, một người đàn bà chạy gằn. Ríu cả chân, bà lăn lông lốc xuống gần mép nước. Mặt mũi tóc tai đầy cát. Vừa nhổm dậy được, bà nhoài ngay tới chỗ Tứ. Vừa trông thấy mẹ, Tứ ứa nước mắt. Bà cụ chợt hiểu, rú lên một tiếng xé ruột. Tứ đỡ lấy mẹ già. Lòng anh tan nát.

Đưa mẹ về nhà, Tứ gặp Quy nằm rũ liệt. Chưa kịp hỏi han, Tứ nhấc cặp cá nưa lên. Phăm phăm đến nhà lão Mãng.

Lão giật thột khi thấy đám đông kéo tới đầy sân. Qua được cơn nguy kịch, lão cố lấy lại vẻ mặt trịch thượng hàng ngày.

Tứ bước vào. Mọi người tách ra thành một lối đi. Trông thấy Tứ xách cặp cá nưa, lão trợn trắng hai con mắt. Khiếp đảm. Quà dẫn cưới đây mà cô dâu bỏ đi đâu mất tăm! Không chừng thằng Tứ còn nghi mình sát hại con Quy hay bức tử nó. Lời nói đọi máu. Làm sao rút lại lời thách cưới đây?!

Lão bước lui dần rồi bật ngã ngồi nơi chân thềm. Đám đông vây tròn lại. Phấn khích, hồi hộp như xem chọi gà. Họ chờ đợi cuộc quyết tử giữa hai người đàn ông. Mặt Tứ đanh lại. Đau nghẹn cổ. Ngang tàng vất cặp cá nưa xuống trước mặt lão Mãng, Tứ khinh miệt quay người bỏ đi. Lão Mãng há hốc miệng. Không ngờ thoát nạn mau vậy. Cặp cá ngàn vàng nằm sờ sờ trước mắt. Máu tham nổi lên. Lão tính toán nhanh như cắt.

Tứ hối hả về nhà, nơi mẹ anh và Quy nằm rã rợi.

Đêm hôm đó lão Mãng rời làng. Ôm theo một tay nải đầy tiền và thùng cá được ướp đá cẩn thận. Lão thuê một chiếc xe thổ mộ. Chọn con lộ ven biển, tránh xa đường làng. Rồi hăm hở giục xà ích chạy thật mau, lão không muốn chạm mặt ai hết.

Ngang qua chỗ Tứ thắp hương đêm nọ, con ngựa đang chạy ngon trớn bỗng tá hỏa, tung vó trước, hí rền. Xe lật nghiêng. Một đợt sóng thần lừng lững chồm lên. Lão Mãng thất kinh. Quýnh quáng. Ríu cả chân tay. Con sóng phủ ập qua đầu, lôi tuột lão và thùng cá nưa vào lòng biển.

Sáng ra, dân chài gặp chiếc xe thổ mộ lỏng chỏng trên bờ cát. Cách đó không xa, anh xà ích ôm cổ con ngựa nằm thoi thóp. Họ hối hả đem anh vào làng ủ ấm. Anh tỉnh lại nhưng từ đó tự dưng cấm khẩu.

Không ai biết chuyện gì xảy ra với lão Mãng.

Qua hôm sau, Tứ cùng bạn nghề lên hai con thuyền mang theo lưới quét, đi mò xác em. Mẹ Tứ cố gượng dậy tiễn con. Chỉ sau một đêm chân tóc bà đổ trắng như cước. Hai người đàn bà lụi hụi thắp hương. Thiết tha cầu khẩn. Mong Tứ trở về bình an. Khói nhang không bay ngang nhưng bốn con mắt chợt cay xót. Quy đỡ mẹ Tứ nằm xuống phản rồi lặng lẽ lần ra gốc dương, trân trân nhìn ra biển. Lòng Quy bồn chồn. Thấp thỏm không yên.

Ngay trưa hôm đó, hai chiếc thuyền đột ngột quay về. Bạn chài chạy đến làng còn xanh mặt. Ra khỏi bờ chừng chục sải nước, Tứ liền bủa lưới. Một con sóng lừng nổi lên, cuốn anh xuống biển. Mọi người ra sức mò tìm. Nhưng vô hiệu. Mới nháy mắt đó mà Tứ đã biệt tăm. Quá khiếp đảm trước điềm rủi này nên họ đành bỏ dở chuyến đi.

Mẹ Tứ ngất lên ngất xuống. Thoắt cái trở nên ngơ ngẩn. Quy nén nỗi đau xé ruột, tận tâm phục dịch bà. Thần Phật đã thương xót Quy. Qua những tối đam mê ngùn ngụt trên vạt muống biển, Tứ đã để lại trong Quy hòn máu của anh.

Rồi làng chài xôn xao vì một việc kỳ lạ. Suốt ba ngày liền, trời không ngọn gió. Mặt biển phẳng lì như gương. Đàn ông, con trai trong làng ai có sức đều đổ xô đi mò tiền. Những tờ tiền rải rác dưới lòng biển, cách bờ không xa. Người ta hồ hởi. Nở ruột nở gan. Chính là chỗ tiền trong tay nải của lão Mãng. Tiền dân chài thắt lưng buộc bụng, chắt bóp trả lãi vay cắt cổ cho lão từ bao năm nay.

Sang ngày thứ tư, biển không còn lặng phắc. Gió thổi mây bay. Dệt thành dải khăn tang trắng thắt ngang nền trời. Xác Tứ và cậu em được sóng đẩy dạt vào bờ. Tươi nguyên như vừa tắt thở. Không hề bị cá rỉa, tôm đâm. Anh xà ích bỗng dưng bật nói. Oang oang kể lại chuyện sóng thần cuốn phắt lão Mãng cùng cặp cá nưa xuống biển. Trên bến dưới thuyền, người làng đông nghẹt. Họ quỳ sụp trên cát, van vái không ngừng. Biển thật phân minh, rạch ròi ân oán. Cá nưa là con Thần Biển. Chớ dại mà xâm phạm! Đền mạng là chuyện nhỡn tiền. Người ta thầm thì, rỉ rả vào tai nhau suốt cái năm đầy biến động đó.

Nếu thực vậy thì Thần Biển còn rộng lòng với người bạc mệnh, trả lại thi thể hai anh em Tứ vẹn nguyên.

Riêng cái xác phàm của lão Mãng thì không một ai nhìn thấy...

Quyết bảo vệ huyết nhục của chồng khỏi cái chết bất đắc kỳ tử, khi con trai tròn mười tuổi, bà Quy cho nó đi phụ sửa xe mãi tận tỉnh ngoài. Thằng Phúc không thể chết thảm như ông ngoại cùng cha chú. Nó phải xa làng chài. Phải quên hết những gì thuộc về nơi nó đã sinh ra!

Nhưng người tính không bằng trời tính. Bà Quy đâu có ngờ thằng Phúc bỗng dưng chết mê chết mệt cô giáo Châu, đích thị con gái làng chài. Rồi nằng nặc quay về làng đòi đi biển!

Phúc choáng cả người khi vừa nhìn thấy Châu. Da trắng, tóc dài. Khuôn mặt thanh tú. Đôi môi tươi tắn và cái nhìn trẻ thơ. Thời đại @ mà vẫn còn vẻ đẹp thiên thần như thế? Vậy là chết! Chết nhoáng nhoàng, đứ đừ như bị sét đánh.

Nhìn bề ngoài, Phúc giống hệt người cha miền biển ăn sóng nói gió. Da sậm màu mật ong rừng. Khắp người cơ bắp cuồn cuộn như lực sĩ. Trông phong độ thế nhưng chỉ là anh thợ sửa xe đầu ngõ. Châu trọ học cách đấy một con phố. Nhưng chẳng nhận ra nhau, trước ngày cái xe Babeta cà khổ của cô giở chứng.

Hì hụi đẩy cái của nợ ấy lên vỉa hè, Châu gặp ánh mắt sững sờ của Phúc. Phải đến chục giây sau, anh chàng mới hoàn hồn. Lập cập bước đến đỡ mớ sắt đáng gọi là phế thải. Tai ù lên, mãi mới hiểu bệnh tình chiếc xe. Qua cơn choáng, Phúc kì cạch, nắn bóp rất lâu nó mới chịu rên lên mấy tiếng. Nhìn cô gái, anh thoáng chóng mặt. Mãi mới nhằn được vài câu nhát gừng khỏi cổ họng khô khốc: “Đi tạm vậy. Hôm nào rảnh… đem lại đây… tôi sửa kỹ cho…”

Châu mở cặp sách, toan trả tiền thì Phúc lắc đầu quầy quậy. “Chưa sửa xong mà. Hôm sau… đưa luôn một thể…”. Nói rồi dắt ngay chiếc xe xuống lòng đường. Nổ máy. Châu cảm ơn rồi phóng đi. Phúc nhìn theo ngơ ngẩn. “Sao cứ lúng ba lúng búng như ngậm hột thị thế này? Chết thật!”

“Chết thì quá dễ! Xin chết được mới khó. Làm cách nào mà anh giai nhà quê tán đổ cô gái xinh như mộng thế? ”. Phúc giật mình khi cô bán thuốc lá quen sán lại hỏi kháy. Vụt làm mặt tỉnh, Phúc cười cười: “À, sống chết là do cái miệng cả. Cứ tán thật dẻo là xong! Từ thời cụ kỵ, món ngon nhất trên đời vẫn là món lưỡi đúng không?”. Nghe thế, cô ả đấm Phúc thùm thụp, hinh hích cười: “Chỉ được cái đùa dai!”. Mồm miệng táo tợn thế mà hễ gặp Châu, Phúc lại thụt mất lưỡi. Hỏi ra mới biết là người cùng quê. Châu đang học cao đẳng sư phạm. Mơ ước tốt nghiệp xong về dạy học cho lũ trẻ làng chài.

Xa nhà đã lâu. Phúc quên ráo làng biển. Ngày nghỉ học, Châu thường ghé qua. Khi vắng khách, Châu kể Phúc nghe chuyện ngày xưa. Cái năm làng chài nhiều biến động. Chuyện cụ Mãng thách cưới. Chuyện cha và chú Phúc đi câu cá nưa. Chuyện Thần Biển đòi trả mạng con trai. Những chuyện mà bà Quy không bao giờ kể Phúc nghe cả.

Máu dân chài phiêu lưu chảy rần rật trong người Phúc, được những câu chuyện của Quy thổi vào phồng lên như buồm được gió. Về làng thôi! Để được đi biển! Cái chính là … được gần Châu.

Bán xong chục bao lá dương, bà Quy đánh đường lên phố thăm con. Hay tin Phúc đòi về quê, bà lạnh cả người. Chuỗi ngày đành đoạn xa con của bà đổ sông đổ biển hết. Nhưng Phúc giống cha. Đã định là làm. Bà can mãi không xong. Con người ta có phúc có phần. Ngày xưa bà đã không ngăn được ông Tứ, bây giờ làm sao cản nổi con trai?

Vác trên vai bao lá khô, người đàn bà hẩm hiu xấp xoãi băng qua trảng cát. Gần ngã rẽ đầu làng, Bà Quy gặp cô Châu hơ hải bươn ra biển. Theo sau cô lốc nhốc một đoàn đàn bà con nít. Bà đứng sững nhìn theo. Tim đập dồn. Bão chưa vào, sao mà ai cũng hốt hoảng vậy?

Bà thả rơi bao lá, bước thấp bước cao đuổi theo.

Gió bắt đầu nổi. Quất vun vút vào cồn cát. Mau lẹ và bất ngờ như trận bão đầu mùa tàn độc năm xưa. Cát bay mù mịt. Bà Quy nhập nhoạng bước. Lo thắt ruột. Thằng Phúc theo tàu đánh bắt xa bờ. Liệu có kịp về trước lúc bão ập vào không?

Bà Quy chen trong đám người. Cháy lòng dõi ra khơi. Biển dậy sóng. Nhưng tịnh không một bóng tàu thuyền. Cô giáo Châu vừa thấy bà, chạy đến túm chặt tay: “Bác ơi, đài báo bão lớn lắm. Đang vào thẳng vùng ta…”. Bà Quy dụi mắt lắc đầu. “Vậy thì vạn chài không vào bờ mô. Họ chạy ngược lên mạn Bắc, hay trú bão ngoài đảo rồi.”. Mấy người đàn bà quanh đó ồ cả lên: “Phải đó. Chạy vô không kịp mô. Cơn bão ni ngược ngạo lắm. Hắn thốc vô liền chừ! Phải lên mạn Bắc mới thoát nổi…”. Xôn xao bàn tán. Gió tạt lời Châu sượt qua tai bà Quy: “Con lo anh Phúc quá bác ơi!”. Bà đứng chết lặng, cố nuốt lời oán hận chực trào qua hai hàm răng nghiến chặt.

Tối hôm đó, cả làng chài xúm đông xúm đỏ trước ti vi nhà Châu. Cô phát thanh viên nhà đài eo thon hông nở, giơ cánh tay trắng ngần lên chỉ: “ …Cơn bão đang hướng thẳng vào đất liền. Đề nghị tất cả tàu thuyền khẩn trương tìm nơi an toàn trú bão…”.

Ngày hôm sau. Đường đi của bão vẫn trực chỉ làng chài, theo lời các cô gái thời tiết xinh đẹp. Nhưng trời chỉ nổi giông. Mưa ào ào như trút. Chiều hôm đó thì gió đổi chiều. Ti vi, đài phát thanh cũng đổi giọng: “… Hiện nay bão đã di chuyển lên phía Bắc. Không còn nguy hiểm với các tỉnh ven biển nước ta…”.

Dân làng chài ôm chặt lấy nhau. Cùng rú lên thê thảm.

Trời đã yên. Biển đã lặng. Nhưng lòng người làng chài không ngừng nổi sóng. Bãi cát dày đặc cả rừng nhang được thắp lên cầu hồn ngư phủ. Đàn bà, trẻ con, người già đứng ngồi kín bãi. Mỏi mòn trông đợi người thân quay về. Mờ mắt kiếm tìm cũng không bói được một bóng đàn ông khỏe mạnh trai tráng trong số họ.

Vài chiếc thuyền may mắn thoát nạn. Tả tơi qua giông tố. Đám đông ùa đến, nhận ra những xác chết cứng đơ trên đó là cha, chồng, anh em, con cháu của mình. Họ hờ tên người thân lên nghe buốt óc. Khốn khổ nhất vẫn là những ngư dân đang chết chìm, thi thể vật vờ trong lòng biển.

Số người sống sót kinh hoàng nhớ lại cảnh trốn chạy trước cơn thịnh nộ của trời đất. Thuyền phóng đến đâu, bão dí theo đến đó. Giá như biết được nó vẫn chạy lên hướng Bắc cả mấy ngày nay thì đâu phải bỏ mạng nhiều như vậy!

Thần Biển không còn rạch ròi ân oán như xưa. Chẳng ai to gan bắt cá nưa, bão vẫn cướp đi mạng sống hàng trăm dân chài. Những thây người bị sóng đánh dạt lên bờ đâu còn nguyên vẹn. Tất cả đều bị cá rỉa, tôm đâm. Thân thể mặt mày biến dạng.

“Ngày xưa… biển không mặn như bây giờ…” Mẹ chồng bà Quy nghêu ngao hát. Khuôn mặt ngơ ngẩn không có tuổi của người điên chao nghiêng. Vài giọt nước mắt hiếm hoi nhỏ xuống mặt bà Quy. Cả tháng nay bà nằm liệt. Ước gì điên được như mẹ chồng bà! Để không phải chịu đựng nỗi đau quá sức…

Biển đã hòa tan quá nhiều nước mắt. Để trở nên mặn chát hơn bao giờ./

Theo XuânLiên

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast