Phát hiện 15 giếng cổ thời Chăm Pa

15 giếng cổ thời Chăm Pa đang còn nguyên vẹn được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh và Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khảo sát, phát hiện, từ ngày 29 đến 31-8-2009.

Một trong những giếng cổ cư dân Chăm Pa phát hiện tại Hà Tĩnh

Một trong những giếng cổ cư dân Chăm Pa phát hiện tại Hà Tĩnh

Đợt khảo sát lần này tại Hà Tĩnh nằm trong chương trình nghiên cứu về hệ thống “Di sản văn hóa Miền Trung”. Các điểm khảo sát ở xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà); xã Cẩm Huy (huyện Cẩm Xuyên); các xã: Kỳ Nam, Kỳ Trinh, Kỳ Châu, Kỳ Ninh, Kỳ Lợi (huyện Kỳ Anh).

Những giếng được phát hiện tại các địa phương này đều đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, một số được người dân cải tạo phần thành nổi, thành chìm của giếng nhưng về phần đáy giếng vẫn bảo lưu được nguyên bản.

Tiến sỹ Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học Việt Nam), cho biết, số giếng phát hiện tại các địa điểm nói trên có sự phân bố khá dày và đều mang yếu tố kỹ thuật làm giếng của cư dân Chăm Pa cổ. Các giếng đều có hình vuông, ghép đá cuội tròn hoặc đá phiến, thành đáy kè gỗ, đáy giếng được lát gỗ...

Độ sâu của các giếng này trung bình chỉ từ 2m-5m nhưng 4 mùa đều có nước trong xanh, thậm chí, nhiều mùa hè hạn hán, các giếng trong vùng khô cạn nhưng những giếng này vẫn luôn có nước. Kỹ thuật tìm nguồn nước cũng rất huyền bí, giếng nằm sát bờ biển vẫn có mạch nước ngọt.

Ông Trần Hậu Minh – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Tĩnh, cho biết, tại Kỳ Nam (Kỳ Anh), cả một vùng dân cư rộng nhưng đào giếng chỗ nào cũng bị nhiễm mặn. Vậy nhưng có 1 giếng cổ chỉ vuông khoảng 1,2m2, sâu 2,5m nhưng đủ nước dùng cho trên 40 hộ gia đình suốt bốn mùa.

Tại Kỳ Lợi, có 1 giếng cổ chỉ sâu 4m nhưng phải sử dụng đến 2 máy bơm, bơm suốt nhiều tiếng đồng hồ mới cạn nước để làm vệ sinh.

Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Viễn Đông Bác Cổ sẽ tiếp tục phối hợp khảo cứu và đề xuất các phương án bảo vệ, xây dựng hệ thống dữ liệu khoa học phục vụ công tác nghiên cứu về ảnh hưởng, sự giao thoa của hai nền văn hóa Chăm Pa - Đại Việt trong tiến trình phát triển của lịch sử.

Sắp tới, Sở Văn hoá Thể thao và Du Lịch Hà Tĩnh cũng sẽ phối hợp, khảo sát trên diện rộng và chọn một số giếng điển hình để nghiên cứu, xác định niên đại và tìm hiểu kết cấu xây dựng giếng cũng như bí quyết làm giếng cổ của người xưa.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast