Phượng Hoàng Trung đô.

Nguyễn Huệ, nhà quân sự kiệt xuất trong lịch sử dân tộc, trước khi trở thành Hoàng đế Quang Trung chiến thắng 20 vạn quân Thanh xâm lược, đã quyết tâm xây dựng kinh đô tương lai của mình trên đất Nghệ An. Mục đích của việc định đô này được chính Nguyễn Huệ nhiều lần nói tới trong những văn bản gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, người mà ông tin là một nhà đạo học, am tường thời cuộc và địa lí, người có ảnh hưởng rộng rãi đến nhân tâm người dân vùng Hồng Lam, bản quán nhà Tây Sơn. Những tư liệu này đã được GS Hoàng Xuân Hãn khảo sát công phu trong sách La Sơn phu tử.

Đền thờ vị anh hùng áo vải Quang Trung trên Núi Quyết. Ảnh: Tuổi Trẻ Online

Việc xây kinh đô ở Nghệ An được Nguyễn Huệ đặt ra trong cuộc hội kiến với Nguyễn Thiếp tại đại doanh Lam Thành, xưa thuộc làng Triều Khẩu, dưới chân núi Thành, nay thuộc hai xã Hưng Khánh và Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, gần bến đò Phù Thạch, (nay thuộc xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Trước đó, vào các năm 1786 và 1787, sau khi diệt được chúa Trịnh, Nguyễn Huệ đã ba lần gửi thư mời Nguyễn Thiếp cộng tác nhưng đều bị từ chối khôn khéo. Lần này, vào tháng Tư năm 1788, khi ra Bắc giết Vũ Văn Nhậm, trên đường ra, nghỉ tại hành doanh Triều Khẩu, Chính Bình vương Nguyễn Huệ thư mời La Sơn Phu Tử hội kiến. Và chính trong cuộc hội kiến này, Nguyễn Huệ là người nhờ Nguyễn Thiếp xem đất định đô ở Nghệ An.

Địa điểm đầu tiên mà Nguyễn Huệ đề xuất chính là mảnh đất ông đang ngồi hội kiến: làng Triều Khẩu. Vì chỗ đó gần Phù Thạch nên ông cũng gọi đó là Phù Thạch và sau này GS Hoàng Xuân Hãn cũng theo đó mà gọi ( GS chú thích là “theo nghĩa rộng”). Địa điểm này nằm ở chân phía đông núi Thành, trên tả ngạn sông Lam, vốn là trấn sở Nghệ An liên tục ít ra từ thời thuộc Minh cho đến thế kỉ 17, giữa thời Lê Trung Hưng. Cho đến cuối thế kỉ 18, một số sở của trấn vẫn đóng tại đây. Mới trước đó hơn 10 năm, vào năm 1777, tham tụng Bùi Huy Bích, khi làm đốc đồng tại Nghệ An đã ghi chú về thành này trong Nghệ An thi tập: “Thành ở huyện Hưng Nguyên, làng Triều Khẩu, ở thôn Phúc Điền. Xưa người Minh đắp thành ở đó. Vua Cao tổ (Lê Lợi) đợi quân từ huyên Đỗ Gia qua sông vây thành. Phía tây bắc, thành bọc núi. Phía đông nam xây bằng gạch. Nay đã bỏ hoang. Cửa nam, dùng làm trường nuôi ngựa. Trên núi có cột cờ. có miếu Tuyên nghĩa ở lưng chừng núi, đền thờ người tàu, tên họ không biết. Thành có một cái hồ. Tương truyền đó là chỗ chôn của. Trâu mẹp trong ấy, thỉnh thoảng có tiền dính lông. Mùa hạ, ta được kiêm quyền chức tham chính. Khi thong thả, ta trèo thành chơi. Nay ghi chuyện lại”. Nguyễn Thiếp được nhờ xem xét và quy hoạch kinh đô ở địa điểm này nhưng không có hành động gì giúp đỡ Nguyễn Huệ. Đến mức, sau khi diệt Vũ Văn Nhậm trở về, Chính Bình vương đã viết chiếu trách cứ Nguyễn Thiếp và yêu cầu giúp tiếp việc định đô. Bức chiếu đề ngày mùng 1 tháng 6 năm 1788: “ Chiếu truyền La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiệp khâm tri. Ngày trước, ủy cho Phu Tử về Nghệ An tướng địa làm đô cho kịp kỳ này hồi ngự. Sao về tới đó chưa thấy đặng việc gì. Nên hãy giá hồi Phú Xuân kinh hưu tức sĩ tốt. Vậy ban chiếu hạ Phu Tử tảo nghi dữ trấn thủ Thận cọng sự, kinh chi dinh chi, tướng địa tác đô tại Phù Thạch. Hành cung sảo hậu cận sơn. Kỳ chính địa, phỏng tại dân cư ư gian, hay là đâu cát địa khả đô, duy Phu Tử đạo nhãn giám định. Tảo tảo bốc thành. Ủy cho trấn thủ Thận tảo lập cung điện. Kỳ tam nguyệt nội hoàn thành, đắc tiện giá ngự. Duy Phu Tử vật dĩ nhàn hốt thị. Khâm tai. Đặc chiếu”.

Trong chiếu, Nguyễn Huệ ấn định dựng đô ở Lam Thành và chính Nguyễn Thiếp đã can ngăn vì lý do địa lý ở đó không tốt và dân tình đang đói khổ, không thuận tiện cho việc thổ mộc lớn lao. Địa điểm thứ nhất ở Nghệ An không thành.

Núi Quyết. Ảnh: internet

Nhưng Nguyễn Huệ vẫn rất quyết tâm chọn đất ở vùng này đóng đô vì lý do được nói bước đầu trong thư tiếp theo gửi Nguyễn Thiếp: “… Nhưng vì lúc đầu mới lấy được nước, lòng người mới theo. Nếu không lấy đất Nghệ An để thường thường chống thượng du, thì lấy đâu ra để khống chế trong ngoài”. Ta thấy rõ cách nghĩ của Nguyễn Huệ là giải pháp của một nhà quân sự đang dự cảm thời thế có thể chuyển biến mau lẹ. Lúc này, Nguyễn Huệ nói “lấy được nước” là lấy nước từ tay Trịnh vương chuyên quyền. Song không loại trừ khả năng sẽ dành nước từ vua Lê đã suy yếu, vô dụng. Nguyễn Thiếp vẫn không có động thái tích cực ủng hộ. Vì vậy, Nguyễn Huệ gửi thư trách và quyết định chọn lại đất đóng đô ở Vĩnh doanh của Lê – Trịnh, tức chỗ thành Vinh bây giờ. Bức chiếu viết cho La Sơn Phu Tử đề ngày mùng 3 tháng chín năm 1788 nói rõ việc này: (trích) “…Trước quả cung đã cùng tiên sinh bàn tính việc ấy. Nhiều lần phiền nhờ tiên sinh xem đất. Những chỗ núi sông kết phát ở xứ này, tiên sinh đã từng chú ý xét nhận. Thế mà đã lâu chưa thấy trả lời. Nếu bảo rằng những chỗ Phượng Hoàng, Khánh Sơn (tức chỗ Triều Khẩu) không được đô hội thì sao chẳng tìm chỗ tốt khác cho thỏa ý quả cung cố trông mong. Nhớ lại buổi hồi loan kỳ trước, lúc qua Hoành Sơn, quả cung đã từng mở xem địa đồ. Thấy ở huyện Chân Lộc, xã Yên Trường, hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng. Có thể chọn xây kinh đô mới”. Tuy nhiên, việc lần này cũng không được tiến hành.

GS Hoàng Xuân Hãn dựa vào việc khảo sát dấu tích thực địa, dựa vào ký ức địa danh núi Phượng Hoàng của các cụ bô lão, dựa vào Đồng Khánh dư địa chí nói rằng “ở Dũng Quyết hạ thôn có núi Phượng Hoàng, núi Kỳ Lân”… Và đặc biệt dựa vào sách Đại Nam chính biên liệt truyện, phần chép về Nguyễn Huệ nói rằng “Bèn xây dựng lâu điện ở dưới chân núi Kỳ Lân, và đặt tên là Trung đô” mà xác định cho ta biết Phượng Hoàng trung đô được xây dựng giữa núi Quyết và núi và núi Con Mèo (tức Kỳ Lân) hiện nay.

Trên bản đồ không ảnh được chụp trước 1945, dấu tích Trung đô còn có thể nhìn rõ hai vòng thành ngoại phía tây nối núi Con Mèo với chót núi Quyết với chiều dài 400m. Thành mặt nam dài 300m. Mặt đông thành chính là bờ dựng đứng của núi Quyết. Thành có hình gần như là tam giác. Lớp trong có bờ nền dài rộng chỉ trong vòng 20m. Mặt nam thành gần giáp với khúc cong sông Vinh ăn lõm vào. Xa hơn, phía ngoài đê là khúc cong của sông Lam cũng ở thế ăn lõm vào. Nếu gọi đây là một kinh thành thì quả thật là cực hẹp hòi và ở vào vị trí “tán địa”, chỉ xứng đáng với một trị sở đồn trú.

Quyết tâm của Nguyễn Huệ vẫn tiếp tục khi ông đã là Hoàng đế Quang Trung và trở thành vị Hoàng đế - Anh hùng cứu quốc đánh tan tành 20 vạn quân Thanh xâm lược. Với tư cách Hoàng đế, Quang Trung vẫn đốc thúc việc dựng đô ở Nghệ An nhưng có lẽ chưa bao giờ Phượng Hoàng Trung đô là một kinh thành hoàn chỉnh. Cả khi lâm chung, Quang Trung vẫn không quên dặn cận thần hướng tới đất này làm kế lâu dài.

Hôm nay, đền thờ vị anh hùng cứu quốc này đã hoàn thành trên đỉnh núi Dũng Quyết. Đứng ở đây, có thể thấy Vĩnh Thành, thấy Lam Thành Triều Khẩu, thấy dòng sông Lam mải miết trôi, thấy Hồng Sơn trùng điệp, Đông Hải mênh mông, Song Ngư chắn sóng. Một vùng nước non địa linh nhân kiệt. Trước phế tích Phượng Hoàng Trung Đô, câu thơ Nguyễn Trãi về Hồ Quý Ly thủa nào tự nhiên vang vọng trong ta:

Họa phúc hữu môi phi nhất nhật.

Anh hùng di hận kỉ thiên niên.

( Họa phúc có căn do, không phải một ngày mà đến

Anh hùng để hận hàng mấy ngàn năm).

Hà Nội 9/9/2010.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast