Quạnh hiu bưu điện văn hóa xã

(Baohatinh.vn) - Sau gần 14 năm đi vào hoạt động, đến nay, mô hình điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) đang ở giai đoạn “thoái trào”. BĐVHX xuống cấp theo thời gian và ngày càng vắng người qua lại. Đời sống nhân viên bưu điện vô cùng chật vật trước “cơn bão giá” thị trường.

Qua thời hoàng kim

Năm 1998, các điểm BĐVHX về với người dân đã thực sự trở thành bước ngoặt quan trọng, không chỉ tạo cơ hội cho việc kinh doanh, mở rộng thị trường, tăng doanh thu cho ngành bưu điện mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân trên mọi vùng miền.

Ông Lê Đức Ninh - Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: “Hệ thống điểm BĐVHX ra đời và đi vào hoạt động đã tạo điều kiện cho người dân sử dụng các dịch vụ bưu chính viễn thông, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân vùng nông thôn, với bán kính phục vụ bình quân 2,5 km và trung bình mỗi điểm bưu điện phục vụ 4.710 người. Ngoài ra, còn tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa tiếp cận KHKT, tìm hiểu, nắm bắt thông tin kịp thời, nhanh chóng qua hệ thống sách báo miễn phí”.

Bưu điện văn hóa xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên).
Bưu điện văn hóa xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên).

Triển khai từ năm 1998 đến 2003, toàn tỉnh đạt 100% xã có điểm phục vụ các dịch vụ bưu chính viễn thông, trong đó có 159 điểm thuộc các xã miền núi và đặc biệt khó khăn. Đây cũng là thời kỳ hoàng kim nhất, hoạt động điểm BĐVHX đã góp phần tích cực để Bưu điện tỉnh hoàn thành nhiệm vụ trên cả 2 mặt chính trị và kinh tế, tạo cơ hội kinh doanh và nắm bắt thời cơ, chiếm lĩnh thị trường nông thôn, một khu vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, thời hoàng kim của BĐVHX cũng qua nhanh bởi việc khai thác dịch vụ tại các điểm BĐVHX không hiệu quả. Bên cạnh đó, đời sống người dân ngày được cải thiện, điện thoại cố định, di động đã phủ khắp, lại bị cạnh tranh bởi các nhà cung cấp khác nên nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông giảm đáng kể. Nhu cầu đọc tại các điểm BĐVHX chỉ mới đáp ứng được một số ít độc giả là các cụ về hưu, học sinh, song số đầu sách báo chưa đa dạng, cũ nát... Sự phát triển rộng khắp của các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh - truyền hình, Internet cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân đến đọc sách báo miễn phí tại BĐVHX ngày càng ít.

Cùng với sự xuống cấp, hư hỏng do thời gian, một số điểm BĐVHX xây dựng năm 1998, 1999 nằm trong khuôn viên ủy ban xã, dù Bưu điện tỉnh đã có kế hoạch chuyển dời nhưng chưa triệt để, vì vậy, hạn chế đến hoạt động kinh doanh các dịch vụ bưu chính viễn thông cũng như hoạt động văn hóa. Một số điểm khác đã được xã cấp đất nhưng ngành chưa có kinh phí để chuyển dời, một số xã tự động phá bỏ... Đến thời điểm hiện tại, một số xã như: Thạch Bằng (Lộc Hà), Cẩm Nam (Cẩm Xuyên)... mất trắng điểm BĐVHX.

Nỗi buồn... thu nhập

Tình cờ có việc phải vào BĐVHX C.L. (Cẩm Xuyên), tôi có dịp hiểu thêm về đời sống, tâm tư của những người cắm chốt nơi đây. Trong căn nhà dột nát, rêu phong ẩm thấp, T.H. - nhân viên BĐVHX cho biết. “Tôi làm ở BĐVHX từ năm 2010, ban đầu chỉ là thế chân nhân viên bưu điện cũ xin nghỉ. Những tưởng chỉ làm tạm một thời gian nhưng rồi do không có người thay thế nên vô tình lại gắn bó với nghề dù đến nay vẫn chưa được ký hợp đồng lao động. Mỗi ngày chỉ phải trực 4 tiếng nhưng hoạt động của điểm BĐVHX hết sức khó khăn nên dù phải tất bật với các loại dịch vụ như bán thẻ, sim điện thoại, bảo hiểm xe máy... nhưng không đủ doanh thu nên lương của tôi chỉ được 650.000 đồng/tháng”.

Đồng lương nhân viên bưu điện không đủ để mua xăng xe, điện thoại, đấy là chưa kể người dân nợ sim thẻ lâu ngày không trả phải bù lỗ... nên chồng T.H. - một thợ lặn đã bị mất sức do nước ép cũng phải tập tễnh chống gậy tiếp tục mưu sinh. Ước mơ lớn nhất của T.H. bây giờ là được ký hợp đồng, được đóng bảo hiểm để khỏi lo khi đau ốm.

Mỗi nhân viên BĐVHX một hoàn cảnh, cắm chốt tại 1 điểm khác nhau nhưng họ đều có chung nỗi buồn mang tên... thu nhập!.

X. (Lộc Hà) tâm sự: “Là con gia đình chính sách nên ngay khi BĐVHX thành lập, em được xét ưu tiên làm nhân viên. Với bạn bè cùng trang lứa, vị trí ấy và mức lương hơn 200 ngàn đồng/tháng thời ấy là cả một niềm ước ao. Thế nhưng, thời gian trôi đi, khi mọi thứ đều lần lượt đua nhau lên giá thì lương nhân viên bưu điện vẫn không được cải thiện mấy”.

Để có mức lương 850.000 đồng/tháng, X. đã phải làm đủ thứ dịch vụ từ bán hương, lịch mỗi dịp tết, sách giáo khoa đến sim, thẻ điện thoại, bảo hiểm xe máy, phát lương, chuyển chứng minh nhân dân, đưa thư, báo,... “Đồng lương eo hẹp đã đành nhưng đi làm 14 năm nay mà em vẫn chưa được đóng bảo hiểm. Đời sống khó khăn, bảo hiểm không có nên với nhân viên bưu điện như chúng em sợ nhất là mỗi lúc ốm đau” - X. chia sẻ.

Đem thắc mắc về vấn đề đóng bảo hiểm cho đội ngũ nhân viên BĐVHX, Giám đốc Bưu điện tỉnh Lê Đức Ninh cho biết thêm: “Vẫn biết đó là nguyện vọng tha thiết và chính đáng của người lao động nhưng vấn đề này không thuộc thẩm quyền của chúng tôi. Tổng công ty cũng đã kiến nghị với Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm cho nhân viên hệ thống BĐVHX nhưng chưa được đồng ý”.

BĐVHX không còn phát huy hiệu quả như mong muốn, đời sống nhân viên hết sức khó khăn. Ở một số điểm bưu điện và bưu cục, nhân viên bỏ việc không còn là chuyện lạ. Những người còn bám trụ với nghề cũng đang cạn dần bầu nhiệt huyết, có chăng chỉ là niềm hy vọng về việc sẽ được đóng bảo hiểm đã níu kéo họ mà thôi. Nhưng xem ra vấn đề này vẫn chưa tìm được câu trả lời và việc cải thiện hoạt động của các điểm BĐVHX, nâng cao đời sống cho nhân viên vẫn đang là bài toán khó.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast