"Thể thao Việt Nam cần phải thay đổi"

Trao đổi với báo chí trong ngày thi đấu cuối cùng của Việt Nam tại Asiad 16 ở Quảng Châu, trưởng đoàn Lê Quý Phượng cho rằng ngành thể thao Việt Nam cần phải thay đổi cách làm để đạt được sự phát triển vững chắc hơn.

- Đánh giá của ông về thành tích của thể thao Việt Nam tại Asiad 16?

- Nếu nói là ưng ý về thành tích thì không phải vì Việt Nam chỉ có một HC vàng, nhưng đứng ở góc độ chuyên môn thì tôi hài lòng. Bởi các VĐV của chúng ta đều đã thi đấu hết mình và kết quả mà thể thao Việt Nam đạt được phản ánh chính xác trình độ thực sự của chúng ta. Tuy nhiên, để thể thao Việt Nam phát triển bền vững hơn trong tương lai thì chúng ta cần phải tập trung vào những môn trong hệ thống thi đấu của Olympic.

Asiad Quảng Châu năm nay có tới 42 môn, nhưng đến kỳ Á vận hội lần sau ở Incheon, Hàn Quốc, có thể chỉ có hơn 30 môn thôi. Vì thế chỉ có cách là bám vào các môn thể thao cơ bản trong hệ thống Olympic thì chúng ta mới có thể đạt được sự phát triển bền vững. Cứ như tình hình hiện nay, mỗi lần đi theo VĐV thi đấu chúng ta cảm thấy vô cùng lo lắng vì không biết có đạt kết quả hay không. Nhân dịp này tôi cũng xin gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ Việt Nam đã chờ mong rất nhiều ở đoàn Việt Nam, đã hy vọng rất nhiều nhưng chỉ một lần được thấy HC vàng.

- Điểm nhấn của thể thao Việt Nam tại Asiad 16 theo ông là gì?

- Theo tôi đấy là môn điền kinh. Là một người làm khoa học thể thao nhưng cho tới giờ tôi vẫn thấy có những điều hết sức khó lý giải, bởi một cơ thể như thế, một điều kiện tập luyện như thế, mà các VĐV điền kinh của chúng ta lại đạt được những thành tích xuất sắc.

Đây cũng là động lực để chúng tôi quyết tâm xây dựng thể thao Việt Nam dựa trên những môn thể thao cơ bản như điền kinh, bơi lội, thể dục, bắn súng… để hướng tới các đấu trường lớn hơn.

Vũ Thị Hương (phải) khi nhận HC đồng chạy 100 m, sau đó cô còn giành HC bạc chạy 200 m. Ảnh: T.H.

Vũ Thị Hương (phải) khi nhận HC đồng chạy 100 m, sau đó cô còn giành HC bạc chạy 200 m. Ảnh: T.H.

- Nếu được đầu tư tốt hơn thì các VĐV Việt Nam có thể đã đạt thành tích cao hơn ở Asiad 16, nhất là đối với các mục tiêu HC vàng như trường hợp của Vũ Thị Hương ở môn điền kinh chẳng hạn?

- Thực ra nói là không đầu tư thì không đúng, vì trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi có hỏi Vũ Thị Hương là có muốn đi nước nào tập huấn không và có muốn chọn thầy không, nhưng Hương đã trả lời là “Cháu tập với thầy Minh (HLV Nguyễn Đình Minh) vẫn tốt, và không phải cứ đi nước ngoài mới tốt. Nếu trong nước có phương pháp tốt thì tập ở nhà cũng không sao”.

Còn với Trương Thanh Hằng, vì Côn Minh là nơi rất phù hợp cho các VĐV cự ly trung bình nên chúng tôi mới cho Hằng đi tập huấn tại đó. Thực ra, cả Hương và Hằng đều nằm trong danh sách 62 VĐV được tập trung trọng điểm để chuẩn bị cho Asiad 16. (Thanh Hằng giành HC bạc chạy 1500 m và 800 m; Vũ Thị Hương giành HC bạc 200 m, HC đồng 100 m).

- Bài học mà thể thao Việt Nam rút ra sau Asiad 16 là gì thưa ông?

- Bài học lớn nhất của chúng ta sau Asiad 16 là phải có sự chuẩn bị lực lượng, phải có đội ngũ VĐV tài năng, mà muốn như thế thì công tác tuyển chọn đào tạo lực lượng cần phải được chú trọng hơn, cần phải được làm quyết liệt hơn nữa. Tôi nghĩ nên có sự tập trung riêng cho những sân chơi như Olympic, Asiad với SEA Games, và nên có sự đầu tư riêng rẽ. Hay nói cách khác, chúng ta phải có sự đầu tư trọng điểm và đầu tư cá biệt, tránh cách làm dàn trải như vừa qua. Đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của ngành thể thao.

- Ông đánh giá thế nào về khả năng Việt Nam tổ chức một kỳ Asiad?

- Theo quan sát của riêng tôi, nếu năm tới chúng ta được Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đồng ý cho tổ chức Asiad 2018 hoặc 2019 thì Việt Nam phải chuẩn bị thật tích cực trong 9 năm thì mới có thể tổ chức được. Với sự nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, tôi nghĩ nếu Việt Nam được tin tưởng trao quyền tổ chức Asiad thì chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ, dù sẽ có rất nhiều khó khăn.

- Là một chuyên gia y học thể thao, ông nghĩ gì về vấn nạn doping với thể thao Việt Nam?

- Tôi là người tôn thờ thể thao trong sạch, và tôi thà chấp nhận thành tích thấp mà trong sạch còn hơn sử dụng doping để đạt kết quả cao. Trước khi diễn ra Asiad, chúng tôi đã lấy mẫu thử của gần 300 VĐV dự Asiad gửi sang Bắc Kinh để kiểm tra doping, nhưng chúng tôi mới nhận được 10 kết quả và tất cả đều cho âm tính. Ở Đại hội TDTT toàn quốc sắp tới, lần đầu tiên chúng tôi sẽ tiến hành thử nghiệm doping để ngăn ngừa và nâng cao ý thức của các HLV, VĐV trong lĩnh vực này.

Bảng huy chương ASIAD (12/11- 27/11)
TT Đoàn Vàng Bạc Đồng Tổng

Danh sách huy chương của Việt Nam:

1 HC vàng: karatedo (Lê Bích Phương).

17 HC bạc:3 điền kinh (Trương Thanh Hằng 1500 m và 800 m, Vũ Thị Hương 200 m); 1 cờ vua (Quang Liêm); 1 karate (Nguyệt Ánh); 2 đua thuyền rowing (đôi và bốn người); 1 cầu mây (đội tuyển nữ); 2 bắn súng (Hà Minh Thành, đồng đội nữ); 1 taekwondo (Hoài Thu); 1 vật (Nguyễn Thị Lụa); 4 wushu (Thanh Tùng, Nguyễn Thị Bích, Phan Văn Hậu, Nguyễn Văn Tuấn); 1 cờ tướng (Nguyễn Thành Bảo).

15 HC đồng:1 cờ vua đồng đội nữ;điền kinh mười môn phối hợp (Vũ Văn Huyện); 1 bắn súng, 4 wushu, 2 billiard carom ba băng, 3 taekwondo, 1 cầu mây đồng đội nữ, 1 HC đồng chạy 100 m nữ, 1 karatedo.

* Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Thái Lan hiện dẫn đầu với 10 HC vàng ở các môn cầu mây (4), đua thuyền (3), taekwondo (2), chạy tiếp sức nữ; Malaysia đứng thứ hai với 9 HC vàng ở các môn bowling (2), đua xe đạp (1), karate (2), wushu (1) và squash (3).

Theo VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast