Trong vương quốc của 'Vua'

Tuần này câu chuyện nóng nhất vẫn là trọng tài. Cứ mỗi lần có cuộc biến chuyển rung động trong bóng đá, thể nào cũng bắt đầu từ trọng tài.

“Thực hiện theo phương án cũ”

Trong vương quốc của giới trọng tài, nội bộ yên ấm là khái niệm xa xỉ. Do đó, việc hai ủy viên tố cáo nhau, hay vụ bốn trọng tài dính nghi án nhận hối lộ được tung ra đúng thời điểm nhạy cảm, và chuyện hai nhân vật lãnh đạo giới “áo đen” bị đình chỉ nhiệm vụ, là những chuyện không phải quá bất ngờ.

Những động thái đang diễn ra, gợi đến nội dung tin nhắn do cựu trọng tài Lương Trung Việt thực hiện năm 2005: “Thực hiện theo phương án cũ”. Lần ấy, “chiến công” chụp được tin nhắn trên không thuộc cơ quan điều tra, mà thuộc về nội bộ giới cầm còi. Cụ thể, “người hùng” là ông Dương Nghiệp Khôi. Đấy cũng là thời điểm đại hội VFF nhiệm kỳ 5 chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là diễn ra.

Trưởng và Phó ban trọng tài Dương Vũ Lâm và Đoàn Phú Tấn bức xúc vì bị đình chỉ nhiệm vụ
Trưởng và Phó ban trọng tài Dương Vũ Lâm và Đoàn Phú Tấn bức xúc vì bị đình chỉ nhiệm vụ

Lần này, Đại hội VFF nhiệm kỳ 7 cũng sắp được tổ chức. Quyết định đình chỉ chức vụ hai ông Dương Vũ Lâm và Đoàn Phú Tấn được đưa ra quá nhanh, nhanh đến mức người trong cuộc sững sờ, thực sự là khó nghĩ. Thậm chí, người hâm mộ không khỏi lo ngại là hai ông Lâm và Tấn có vấn đề gì không, để đến mức phải “trảm” ngay lập tức như thế, bất chấp danh dự và uy tín của hai ông?

Nên nhớ, ông Tấn còn là một nhà giáo, phó hiệu trưởng một trường trung học có tiếng ở Hà Nội. Trong khi ông Lâm còn là phó ban trọng tài của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á. Chính ông Lâm là người được VFF làm mọi cách để đưa lên vị trí trưởng ban trọng tài, bất chấp những ý kiến nghi ngại rằng ông không thực sự nắm rõ đời sống của trọng tài trong nước.

Mặt khác, trọng tài do VFF quản lý, nên lẽ ra lãnh đạo Liên đoàn cần phải “chia sẻ” trách nhiệm với thuộc cấp, thay vì đùng một cái ra quyết định đình chỉ nhiệm vụ, rồi tha hồ đăng đàn phán quyết, chỉ trích.

Cần chiến dịch “bàn tay sắt”

Ngay từ thời sơ khai, việc tổ chức, bộ phận, cá nhân nào có tầm ảnh hưởng lớn trong đội ngũ cầm cân nảy mực trên sân cỏ, dứt khoát sẽ có quyền lực cực lớn lên cán cân xác định vị thế của bóng đá nội.

Đến mức, có lần nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban thể dục thể thao Hà Quang Dự từng gọi một thành viên của Hội đồng trọng tài quốc gia trước đây vào phòng làm việc và hỏi: “Chú giải thích anh biết vì sao ai cũng muốn nắm trọng tài?” Ông này trả lời: “Nắm trọng tài là nắm được trận đấu, có thể quyết định thua hay thắng”.

Có lẽ điều đó chưa đủ, nắm được trọng tài còn nắm được bổng lộc, trong bối cảnh tiêu cực trong bóng đá ta từ năm 2005 đổ về trước, việc trọng tài nhận tiền bồi dưỡng của các đội bóng đã là luật bất thành văn. Và hiện nay, ai dám khẳng định tiêu cực trọng tài nói riêng, đã hết “rôm rả”?

Rõ ràng, việc đánh tiêu cực trong bóng đá, nhắm vào nút thắt trọng tài, luôn tỏ ra hữu hiệu. Ai cũng phải chấp nhận một điều, cho dù có thay thế Ban trọng tài hiện nay bằng nhóm người khác, vẫn không thể nhổ tận gốc tiêu cực.

Nhưng nếu có chủ trương nâng tầm thành chuyên án với tâm huyết triệt tiêu tiêu cực đến mức quyết liệt nhất, thì thời điểm nào cũng có giá trị lớn. Nên nhớ, việc phát hiện ra đầu mối để đánh tiêu cực trong bóng đá là rất hiếm. Thế nên, luôn là bài toán khó giải bởi chạm phải bức thành trì “bằng chứng đâu?”. Ngay ở mùa giải này thôi, đã có hai trận đấu khiến dư luận bức xúc, nhưng vẫn “hóa bùn”: Trận tranh Siêu cúp và trận Vissai Ninh Bình - SHB Đà Nẵng.

Lại một lần nữa, đội ngũ trọng tài rơi vào tình trạng rối ren. Tập huấn ở Đà Nẵng mà tâm trạng đang treo ngược nơi cuộc chiến thượng tầng. Không có sự ổn định về mặt tư tưởng, tổ chức và lộ trình, làm sao trọng tài nội địa có thể tốt lên?

4 “vua sân cỏ” bị tố nhận hối lộ là ai?

+ Trọng tài Hà Nội Kiều Việt Hùng là gương mặt trẻ, chưa để lại những sự đặc biệt. Tại giải hạng Nhì 2012, ông Hùng có quyết định gây tranh cãi trong trận đấu tranh suất trụ hạng, cụ thể không cho Bình Phước quả phạt 11m khi gặp TP HCM khiến khán giả Bình Phước dọa “làm thịt”.

Cup quốc gia 2012, vòng 16 đội, trận Sài Gòn FC gặp Khánh Hòa, trọng tài Hùng quyết định cho đội Sài Gòn FC được hưởng quả phạt góc dù trước đó thủ môn Khánh Hòa không chạm tay, dẫn đến bàn thắng gỡ hòa 2-2 cho Sài Gòn FC, trước khi đội bóng TP HCM giành chiến thắng chung cuộc 3-2. Giải hạng Nhất năm 2009, trọng tài Hùng có hành động “bẻ còi” trong trận An Giang gặp Tây Ninh ở vòng 4.

+ Trọng tài Đinh Hải Dương chỉ được tạo điều cho bắt ở giải đấu cao nhất Việt Nam từ đầu mùa giải 2012. Trước đó, ông Dương chủ yếu bắt ở giải hạng Nhất, hạng Nhì. Ở trận đấu giữa TP HCM và trẻ Bình Dương trên sân Thống Nhất ở mùa giải 2011, trọng tài người Hà Nội bỏ qua một quả 11m gây tranh cãi cho đội chủ nhà, khiến các CĐV phản ứng dữ dội.

Còn ở V-League 2012, ông Dương hầu như không được bắt chính vì không được Ban trọng tài đánh giá cao. Mùa giải 2013, ngay trong trận mở màn giữa SLNA và Hải Phòng, đội chủ nhà SLNA đã phản ứng khi trọng tài Đinh Hải Dương bắt không chính xác trong những pha vào bóng của Hải Phòng. Đến vòng 3 trong trận Thanh Hóa - HAGL, ông Dương được đánh giá là bắt tốt, "hoàn thành nhiệm vụ" lại bị nghi ngờ nhận tiền hối lộ, sau đó đã bị Ban trọng tài kỷ luật treo còi đến hết lượt đi.

+ Trợ lý trọng tài Đỗ Mạnh Hà từng là Cờ vàng Việt Nam, nhưng ông này cũng gặp nhiều sự cố trong sự nghiệp cầm cờ của mình. Trọng tài Hà đã không công nhận bàn thắng của tiền đạo Bebe trong trận đấu giữa Hải Phòng và SLNA ở vòng 7 V-League 2012. Ở tình huống đó, Bebe có pha đi bóng bên cánh trái trước khi tung ra cú dứt điểm. Tuy nhiên trợ lý Hà lại phất cờ cho rằng bóng đã đi hết biên ngang. Oái oăm ở chỗ, nếu bóng đi hết biên ngang, nhưng vì sao sau đó lại vòng ra rồi bay vào lưới của Hải Phòng. Sau trận đấu đó, ông Hà thừa nhận mình bị…ma ám.

+ Trợ lý Phạm Đắc Chiến cũng mắc sai lầm tương tự, khi không công nhận pha đánh đầu của Merlo trong trận đấu giữa Hải Phòng và Đà Nẵng tại vòng 5 V-League. Trong tình huống này, ông Chiến cho rằng pha tạt bóng của Duy Lam đã đi hết biên ngang, nhưng pha quay lại thấy rõ đường bóng còn cách vạch biên tới vài mét.

Tất nhiên, khi cơ quan điều tra chưa có kết luận cuối cùng, nghi án hối lộ vẫn chưa ngã ngũ và vẫn cần phải tôn trọng nhất định với 4 “vua sân cỏ” trên

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast