Trường Lưu - cái nôi của hát Ví phường vải

(Baohatinh.vn) - Trong kho tàng dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, hát ví phường vải được xem là thể hát độc đáo và tinh tế hơn cả. Ví phường vải có ở nhiều nơi như Hưng Nguyên, Nam Đàn (Nghệ An), Kỳ Anh, Đức Thọ (Hà Tĩnh)… Vậy nhưng, cái đặc sắc thì phải kể đến ví phường vải Trường Lưu (xã Trường Lộc, Can Lộc) - cái nôi của hát ví phường vải Xứ Nghệ. Cùng với sự vinh danh của UNESCO, dân ca Ví, Giặm nói chung và ví phường vải Trường Lưu nói riêng đang sống dậy vô cùng mạnh mẽ.

Trường Lưu - cái nôi của hát Ví phường vải

CLB Dân ca Ví, Giặm Trường Lưu thực hành diễn xướng. Ảnh: Công Tường

Dòng văn Nguyễn Huy và sự nâng tầm hát ví

Trường Lộc xưa được gọi là làng Trường Lưu hay Tràng Lưu, thuộc tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An. Cho đến nay, chưa có một tài liệu thành văn nào đủ tin cậy về quá trình lập làng mà chỉ dựa vào truyền ngôn. Từ những năm cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, cư dân Kẻ Tràng, Kẻ Bỉm về định cư, lập ra làng mới Trường Lưu. Người dân nơi đây nổi tiếng với nghề trồng bông, dệt vải, hát ví phường vải cũng bắt nguồn từ đó.

Theo ông Nguyễn Huy Lý, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trường Lộc, từ nửa cuối thế kỷ XVII, khi cụ Thám (Thám hoa Nguyễn Huy Oánh) về quê chịu tang bố, trí sĩ tại quê nhà, cụ đã miệt mài cống hiến công sức, trí tuệ, tiền của để xây dựng Trường Lưu thành làng văn hóa vào loại tiếng tăm bậc nhất ở Xứ Nghệ lúc bấy giờ. Cụ vận động dân làng đào giếng Thạc, lập vườn hoa bên sườn núi Phượng Sơn, lập chợ Quan, mở trường dạy học, mở thư viện Phúc Giang. Những cảnh sắc ấy khiến Trường Lưu thành một làng “bát cảnh” đầy thơ mộng.

Ráng bạc chợ Quan lúc tảng sáng

Nắng viền núi Phượng lúc hoàng hôn

Chùa Hân buổi sớm hồi chuông gọi

Kho Nghĩa chiều hôm tiếng mõ dồn

Rậm rạp bóng cây che miếu cổ

Lung lay bóng nguyệt chiếu hồ sen

Nguyễn trang hoa đẹp nhìn ưa mắt

Giếng Thạc dòng thơm uống tỉnh hồn.

(Trường Lưu bát cảnh)

Việc Nguyễn Huy Oánh mở trường, đào tạo sĩ tử làm cho mảnh đất Trường Lưu dập dìu tao nhân mặc khách. Họ trước là học văn hóa, sau là cùng thưởng thức, thi tài về hát ví. “Người ta say mê Trường Lưu bởi khung cảnh hữu tình trên bến, dưới thuyền của dòng Phúc Giang, quyện trong nét đẹp của núi Phượng Sơn bạt ngàn cây bông trắng xóa. Trong đời sống thường nhật, trong lao động sản xuất, những câu đối đáp ví phường vải cứ thế được cất lời. Có thể nói, Nguyễn Huy Oánh là người có công nâng hát ví phường vải Trường Lưu lên một tầm cao bác học của thời bấy giờ” - ông Lý chia sẻ.

Nguyễn Du với Trường Lưu

Những năm tháng còn ở quê nhà, chàng trai phường nón Tiên Điền lấy cớ sang thăm cháu gái (Nguyễn Huy Tự là con rể của Nguyễn Khản - anh trai Nguyễn Du) nhưng thực chất để gặp gỡ, giao lưu với những tài năng nơi mảnh đất Trường Lưu. Nhiều sự tích giữa Nguyễn Du với o Cúc, o Uy, ả Sạ đến giờ vẫn được người dân kể lại như những câu chuyện tình sâu lắng, nhân văn. Từ cuộc gặp gỡ, từ duyên nợ ấy mà có những đối đáp khéo léo, ân tình:

Trăm hoa đua nở về xuân

Cớ sao Cúc lại muộn mằn về thu?

Câu này được cô Cúc đáp lại:

Vì chưng tham chút nhụy vàng

Cho nên Cúc phải dềnh dàng về thu.

Có thời gian khá dài Nguyễn Du không sang Trường Lưu, Nguyễn Huy Quýnh bèn làm Thác lời gái phường vải với âm điệu vừa yêu thương, vừa hờn trách. Thay tấm chân tình của mình, Nguyễn Du mới viết nên những câu thơ ý nhị trong Thác lời trai phường nón. Không chỉ người Trường Lưu, mà bao thế hệ người Việt cũng phải bâng khuâng, da diết khi đọc những lời Nguyễn Du gửi gắm:

Hồng Sơn cao ngất mấy trùng

Ðò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu.

Nguyễn Du cũng đã từng bày tỏ nỗi nhớ nhung, luyến tiếc mối tình đằm thắm với o Uy, ả Sạ qua Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ. Thật không quá khi nghe truyền ngôn: Xôi nếp cái, gái Trường Lưu. Không chỉ riêng Nguyễn Du mà bao nam thanh, nho sĩ cũng tìm đến mảnh đất Trường Lưu thử tài, cân sắc. Được đánh giá là lối hát quy củ, chặt chẽ nhất, lại có sự tham gia của các nhà nho, các vị khoa bảng mà những câu đối đáp sinh ra từ lao động sản xuất vừa có nét thuần nông chân chất, vừa có tính uyên thâm độc đáo.

Sức sống bất diệt của ví phường vải

Nếu như Thám hoa Nguyễn Huy Oánh có công trong việc xây dựng làng văn hóa Trường Lưu, nâng tầm hát ví phường vải Trường Lưu; Nguyễn Du với các giai thoại đưa mảnh đất Trường Lưu nổi bật cùng các xứ khác thì những thập niên cuối thế kỷ XX, nghệ sĩ ưu tú Trần Đức Duy lại là người đưa câu ví quê hương đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.

Thịnh hành nhất ở thế kỷ XVIII, cho đến những năm đầu thế kỷ XX, nghề dệt vải mai một thì hát ví cũng trầm hẳn. Ông Nguyễn Huy Lý cho hay, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cùng với phong trào văn hóa văn nghệ cổ vũ kháng chiến, lao động sản xuất, hát ví dần được khôi phục và phát triển. Song, những năm tháng ấy, chưa có điều kiện để ghi hình, thu âm, ngay cả những tư liệu trong cuộc đời ca hát dân ca của nghệ nhân, nghệ sĩ Đức Duy cũng chỉ được ghi chép lại theo trí nhớ, theo hồi ức của những người con ruột nặng lòng với hát ví phường vải là Trần Giao, Trần Luận, Trần Thị Lý.

Hiện nay, cùng với CLB hát ví phường vải ở xã nhà, hai nghệ nhân dân gian Trần Thị Lý và Nguyễn Thị Thu Hà vẫn rất tâm huyết trong việc sưu tầm, giảng dạy hát ví cho thế hệ trẻ. Nghệ nhân Thu Hà - Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Thuở nhỏ đã học hát từ cha mẹ, từ nghệ sĩ Đức Duy, tôi xem hát ví như cuộc sống của chính mình. Yêu hát ví, say hát ví cũng là yêu quê hương, nguồn cội, chỉ mong rằng, cùng với danh hiệu cao quý di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ví phường vải Trường Lưu nói riêng, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói chung ngày càng được bảo tồn, phát huy hơn nữa”.

Trước đây, người ta hát dân ca để thêm yêu cuộc sống, vơi bớt nhọc nhằn trong lao động sản xuất, rồi hát để giao lưu, thi tài, giao duyên. Chính trong từng câu, từng chữ của Ví, Giặm mà tâm hồn con người tìm thấy sự đồng điệu. Riêng với Trường Lưu bát cảnh, nơi nhiều nho sĩ học hành, đỗ đạt, ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống, nhất là những câu hát ân tình của ví phường vải vẫn luôn thường trực trong mỗi thế hệ người dân.

Trước đổi thay của thời cuộc, sự tiếp biến đa dạng của văn hóa, những người con Xứ Nghệ vẫn yêu, trân trọng dân ca Ví, Giặm, đó thực sự là điều đáng quý. Đặc biệt hơn, họ sống cùng mạch nguồn ấy bằng niềm đam mê, lòng nhiệt huyết, tình yêu văn hóa dân gian. Cho đến bây giờ, khi được UNESCO vinh danh thì không còn đơn thuần là niềm tự hào của mỗi người con Xứ Nghệ mà còn là trách nhiệm của cả dân tộc để Ví, Giặm sống mãi với thời gian.

Anh Nguyễn Văn Chương - cán bộ văn hóa xã Trường Lộc hồ hởi: “CLB hát ví của xã hiện có 16 thành viên, mỗi tháng sinh hoạt 1 lần. Trong lễ đón nhận bằng ghi danh dân ca Ví, Giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại diễn ra ở TP Vinh (Nghệ An) tới đây, duy chỉ có tiết mục của CLB Ví phường vải Trường Lưu tham dự đại diện cho tỉnh Hà Tĩnh. Niềm vui ấy càng khiến cho anh chị em thêm phấn khởi hoạt động sôi nổi, nhiệt huyết hơn”.

Trong suốt hàng thế kỷ qua, ví phường vải Trường Lưu cũng như dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vẫn luôn được gọt giũa, được nhen nhóm từ chính ngọn lửa cộng đồng. Được khơi dậy, được phát huy và gìn giữ, tin chắc rằng, ngọn lửa ấy sẽ càng mãnh liệt.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast