U23 Việt Nam tại SEA Games 27: Khó khăn được báo trước

Sân chơi SEA Games 27, với đội tuyển U23 Việt Nam là đại biểu cho nền bóng đá trẻ Việt Nam đang phải chịu cuộc khủng hoảng thiếu, cụ thể là ở các vị trí hạt nhân. Quỹ thời gian (khoảng 6 tháng còn lại) là lợi điểm duy nhất để bám víu.

Trăm mối tơ vò

Bắt đầu từ cabin ban huấn luyện, với huấn luyện viên (HLV) Hoàng Văn Phúc không phải sự lựa chọn tối ưu trong số những ứng viên cho chiếc ghế thuyền trưởng các đội tuyển quốc gia Việt Nam, khi nền bóng đá tạm thời đóng cửa với thầy ngoại. Nếu ngày đó, một trong ít nhất 3 cái tên là Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng và đặc biệt là Hoàng Anh Tuấn gật đầu, có thể ông Phúc lúc này vẫn đang dẫn dắt câu lạc bộ Hà Nội, chơi giải hạng Nhất.

Bất cứ quyết định chọn lựa nào, cũng đều gây tranh cãi, bởi rất khó để thuyết phục tất cả. Ông Phúc “béo” bị cho là thiếu kinh nghiệm huấn luyện đỉnh cao, cũng như tham gia các giải đấu quốc tế. Tuy nhiên, ngay cả điều tưởng như quan trọng ấy, đôi khi cũng chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Từ Karl-Heinz Weigang, Alfred Riedl, đến Henrique Calisto, rồi Falko Goetz…, kinh nghiệm cả bụng đấy thôi, nhưng tất cả đều thất bại trong cuộc săn vàng SEA Games.

Không có sẵn những con đường, mà người ta đi mãi thì thành đường thôi. Sở dĩ HLV Hoàng Văn Phúc đứng trước những mối nghi ngại, là vì bóng đá Việt Nam giờ không còn trong giai đoạn lần mò lối đi nữa, mà chúng ta đang mang danh những kẻ đi săn lùng danh hiệu, dù chiếc huy chương vàng SEA Games chưa nói lên bản chất hay năng lực chinh phục của một nền bóng đá trẻ. Đội tuyển Việt Nam vô địch Đông Nam Á 2008 đã bị xem là cái ngưỡng rồi.

Mục tiêu giành HCV SEA Games 27 của đội U23 Việt Nam gặp nhiều thử thách. Ảnh: V.S.I
Mục tiêu giành HCV SEA Games 27 của đội U23 Việt Nam gặp nhiều thử thách. Ảnh: V.S.I

VFF đã chọn, tất phải tin! Những nếu như kinh nghiệm huấn luyện của tướng Phúc có thể lấp đầy bằng thời gian, với những giải đấu giao hữu quốc tế, chạy đà đến SEA Games vào cuối năm nay, thì cuộc khủng hoảng thiếu nhân sự chủ lực (cầu thủ) mới là điều thực sự đáng bàn.

Bản thân HLV Hoàng Văn Phúc khi bắt tay vào đặt những viên gạch đầu tiên cho U23 Việt Nam, cũng không biết rằng, ông lại thiếu nhiều đến thế. Ông Phúc buộc phải dựa vào những người vô danh.

Chúng ta đã bàn nhiều về nguyên nhân U23 Việt Nam ngay lúc này không có những trung vệ đủ đẳng cấp, những nhà tổ chức trận đấu tài ba hay những tiền đạo biết đánh hơi bàn thắng. Hệ thống đào tạo trẻ bị bỏ rơi ở rất nhiều các địa phương, cũng như các đội bóng, là nguyên nhân sâu xa; ngoài ra, việc người trẻ thường xuyên không cạnh tranh được vị trí then chốt (với cầu thủ đàn anh hay cầu thủ ngoại) trong màu áo câu lạc bộ là lý do thực tiễn.

Cung cách làm bóng đá kiểu ăn xổi, vị thành tích, biến tướng thật khó lường. Có thể khẳng định luôn rằng, các ông bầu và cao hơn là những nhà điều hành, tổ chức giải đấu, nhà quản lý bóng đá có "liên đới" trước thực trạng đó . Khi chúng ta vẫn chưa thể xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài, rõ ràng, sức mạnh của các đội tuyển quốc gia (đầu ra) phụ thuộc trực tiếp vào cơ thể của nền bóng đá, với các giải đấu được cho là chuyên nghiệp như V-League, hạng Nhất và Cúp QG.

Trong họa có phúc?

“Chúng tôi đã đào, đã bới và đã xới tung cả V-League, cũng như giải hạng Nhất lên rồi, nhưng con người chỉ có thế” - HLV Hoàng Văn Phúc từng phân bua với TT&VH, khi nhiều ý kiến cho rằng, việc gọi gần phân nửa số lượng cầu thủ tập trung đợt 1/2013 của U23 Việt Nam từ giải hạng Nhất lên là một sự mạo hiểm. Bóng đá giống nhau về bản chất, về luật chơi, nhưng đẳng cấp là sự khác biệt. Hạng Nhất không bao giờ giống với V-League và ngược lại.

Việc tạo cơ hội cho người trẻ và là người mới cần thiết cho tính kế thừa của một nền bóng đá, tuy nhiên, hiểu trong bối cảnh của đội tuyển U23 Việt Nam, rõ ràng nó chỉ là vạn bất đắc dĩ, là giải pháp tình thế. U23 Việt Nam ngay lúc này làm chúng ta liên tưởng đến một cuộc cách mạng nhân sự khác, diễn ra cách đây hơn 10 năm, với đội tuyển Việt Nam dưới thời Henrique Calisto tập 1, chuẩn bị cho Tiger Cup 2002 (giải đấu tiền thân của AFF Suzuki Cup bây giờ).

Đó là thời điểm giáp hạt, khi “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, đã ở sườn bên kia của sự nghiệp, còn thế hệ 8X (những người sinh năm 1980 trở về sau) lại quá non và phần nhiều là vô danh như Tài Em hay Minh Phương. Hoàn cảnh lịch sử buộc HLV Calisto phải mạo hiểm, để rồi chiếc huy chương đồng Tiger Cup 2002 mà thầy trò ông “Tô” đem về, đã được xem là thành công ngoài mong đợi. Huỳnh Đức chính là "người Mohican cuối cùng".

Sau giải đấu đó, bóng đá Việt Nam trình làng một thế hệ mới, thế hệ vàng mười thực sự, với chiếc Cúp vô địch Đông Nam Á được nâng cao ở sân vận động quốc gia Mỹ Đình, năm 2008, như đã nhắc. Hơn 10 năm sau ngày ra mắt, những Minh Phương, Tài Em…, vẫn còn chinh chiến ở giải đấu cao nhất hình chữ S như V-League, nhưng việc Minh Phương được bầu là “cầu thủ xuất sắc nhất V-League 2012” (ở tuổi 34), cũng là thách thức cho nền bóng đá trẻ.

Một cơ chế mở thực sự tại U23 Việt Nam dưới quyền HLV Hoàng Văn Phúc, khi ai cũng có thể thử và ai cũng có cơ hội khoác chiếc áo đỏ sao vàng. Rất nhiều những cầu thủ Việt kiều quy cố hương để thử việc, nhưng cho đến lúc này, tiền đạo Mạc Hồng Quân vẫn là cái tên hiếm hoi đáp ứng được kỳ vọng và được giữ lại cho mục tiêu SEA Games 27. Tuy nhiên, cũng như các đồng nghiệp trẻ khác, Quân chỉ nổi bật ở khát khao cống hiến và khát vọng chinh phục.

“Tiền hung hậu kiết”, tức là khởi đầu thường khó khăn, nhưng có thể cái kết lại có hậu. Điều quan trọng là, thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc phải đủ dũng cảm đối diện với thách thức và với cả những sức ép tưởng rất vô hình. Nên nhớ, phản biện hay nêu những tồn tại, không có nghĩa là không ủng hộ hoặc gây khó và nói những lời có cánh, tâng bốc, tô vẽ một lộ trình màu hồng, ru ngủ nhau để tạm quên thực tại hoặc chỉ an ủi mình theo tinh thần “AQ”, cũng chưa hẳn đã hay.

“Dối lòng hay dối người, có thể giúp tạo lợi dẫn, nhưng nó không cho phép chúng ta quay đầu lại”, người phương Tây đã nói thế.

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast