Văn tự cổ thời Nguyễn lần đầu phát hiện ở Hà Tĩnh

Một số văn tự cổ thời Nguyễn vừa được phát hiện tại xóm Linh Trù, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Số văn tự cổ được viết trên loại giấy dó mỏng, nét chữ mảnh, ấn dấu của nhà vua rõ, được bảo lưu cẩn thận.

Một trong các đạo sắc của vương triều Nguyễn phong chức cho ông Lê Đình Tương.

Một trong các đạo sắc của vương triều Nguyễn phong chức cho ông Lê Đình Tương.

Trong số văn tự được phát hiện, có 3 đạo sắc của vua Minh Mệnh năm thứ 4 (1823), năm thứ 14 (1833), năm thứ 20 (1839); 1 sắc của triều vua Thiệu Trị năm thứ 6 (1846); 1 sắc của triều vua Tự Đức năm thứ 8 (1855). Ngoài ra, còn có các quyết định của vua Minh Mạng năm thứ 19 (1839); vua Thiệu Trị năm thứ 3 (ngày 19-4-1843, ngày 25-5-1843, ngày 18-6-1843); vua Tự Đức năm thứ 2 (1849)...

Các đạo sắc và quyết định trên đều mang nội dung khen thưởng, phong chức vượt cấp cho ông Lê Đình Tương, quê xã Phú Lạp, tổng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh giữ chức đội trưởng đội thủy binh của Vương triều nhà Nguyễn khu vực Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Số văn tự cổ trên hiện được ông Lê Trọng Táo, hậu duệ của ông Lê Đình Tương bảo quản. Đây là dạng văn tự hiếm của các triều vua Nguyễn, ghi rõ công trạng, phong chức cho một nhân vật cụ thể còn được nguời dân bảo lưu. Đặc biệt, sắc phong chức cho ông Lê Đình Tương được viết trên loại giấy gió mịn, mỏng, khổ nhỏ (60cm x 85 cm), không thuộc loại giấy sắc phong thường gặp, loại sắc phong này lần đầu được phát hiện ở Hà Tĩnh.

Các nhà nghiên cứu bảo tàng học, hán học, văn hóa học sớm quan tâm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast