Về Tân Giang nghe ví, giặm, xem đua thuyền...

(Baohatinh.vn) - Nằm ở vị trí trung tâm, “sở hữu” nhiều di sản văn hóa, lịch sử gắn với truyền thống xây dựng và phát triển của TP Hà Tĩnh, phường Tân Giang là điểm sáng trong các phong trào văn hóa, văn nghệ. Về Tân Giang, bạn không chỉ được thăm đền Võ Miếu, nhà thờ Nguyễn Phan Chánh, hồ Dâu, Hào Thành, bia dẫn tích Nhà lao Hà Tĩnh, mà còn được đắm mình trong các làn điệu dân ca ví, giặm, xem hội đua thuyền trên dòng sông Cụt...

Lễ hội đua thuyền và các trò chơi dân gian sông nước trên sông Cụt đã trở thành hoạt động văn hóa hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của người dân thành phố.

Lễ hội đua thuyền và các trò chơi dân gian sông nước trên sông Cụt đã trở thành hoạt động văn hóa hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của người dân thành phố.

Nếu ai từng biết đến “xóm nước đen” với dòng sông bị bồi lấp, ô nhiễm môi trường thuở trước, sẽ hiểu hết giá trị của dòng sông Cụt ngày mới sau khi được đầu tư nạo vét, xây hệ thống kè vững chãi. Lễ hội đua thuyền và những trò chơi dân gian sông nước - nét đẹp truyền thống của cư dân sống ven bờ sông đã được khôi phục 5 năm gần đây gắn với thông điệp: mỗi bàn tay cùng góp sức bảo vệ môi trường, màu xanh của dòng sông.

“Mỗi lần tổ chức lễ hội, tổ dân phố chúng tôi đều được UBND phường, thành phố hỗ trợ, chỉ đạo. Bà con mỗi người một việc, tự giác cùng tham gia chuẩn bị. Nhà nào cũng sẵn lòng góp tiền, góp sức để tổ chức lễ hội thật vui và nhiều ý nghĩa” - Tổ trưởng tổ dân phố 10 (nơi dòng sông Cụt chảy qua) Nguyễn Văn Hạnh cho biết.

Càng về sau, lễ hội càng sôi động, thêm cả những tay chèo của phường Thạch Quý ở bờ phía Bắc tham gia và thu hút hàng trăm khán giả ở thành phố đến xem, cổ vũ. Những ngày lễ lớn, dòng sông rộn rã tiếng nói cười, hò reo; phong trào thể thao, văn hóa quần chúng được tiếp thêm ngọn lửa; tình làng, nghĩa xóm càng thêm nồng ấm. Bà Nguyễn Thị Lan (tổ dân phố 10) chia sẻ: “Chúng tôi tự hào khi trên địa bàn mình sinh sống có một dòng sông với những lễ hội dân gian truyền thống bổ ích. Lần nào tổ chức lễ hội, cả đại gia đình tôi và bà con làng xóm đều đón chờ, cùng tham gia, cổ vũ. Ai không chèo thuyền được thì tham gia trò đi cầu kiều, bắt vịt trên sông”...

Nếu ai yêu di sản văn hóa ví, giặm hẳn sẽ biết phường Tân Giang là cái nôi ươm mầm cho các CLB dân ca ví, giặm trên đất Thành Sen. Từ CLB Dân ca ví, giặm Thành Sen được ra mắt vào tháng 8/2014, do bà Đặng Thị Nguyệt (tổ dân phố 1) sáng lập, các thành viên sau đó đã trở về các phường, xã thành lập CLB tại địa bàn mình. Bà Nguyệt tiếp tục duy trì và phát triển CLB Dân ca ví, giặm Tân Giang với 20 thành viên tham gia đến thời điểm này.

Với mục tiêu tập hợp những người yêu dân ca ví, giặm để nhân lên tình yêu giá trị di sản văn hóa độc đáo của quê hương và truyền dạy, gìn giữ cho các thế hệ sau, CLB thu hút nhiều lứa tuổi: người cao tuổi nhất là 70 và nhỏ nhất là 9 tuổi. Mỗi tuần có 3 buổi sinh hoạt cho các lứa tuổi, già trẻ cùng say sưa với điệu hò, câu ví; gần 1 năm hoạt động với 9 cuộc biểu diễn từ cấp tỉnh đến cấp phường, CLB Dân ca ví, giặm Tân Giang đã trở thành điểm sáng văn hóa giữa lòng Thành Sen. Cũng từ đó, phong trào sáng tác, hát dân ca ví, giặm lan tỏa trong các trường học trên địa bàn. Trường Tiểu học Tân Giang giành giải nhất cuộc thi “Em yêu dân ca ví, giặm” toàn thành phố, Trường Mầm non đạt giải nhì trong cuộc thi sáng tác các làn điệu dân ca ví, giặm trong khối mầm non thành phố...

Tìm hiểu thêm về những hoạt động văn hóa, thể thao sôi động và nổi bật ở phường Tân Giang sẽ thấy, đây là kết quả sự quan tâm, coi trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện “Đề án nâng cao chất lượng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Từ đó, phường đã có những điển hình của thành phố về thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, tang, lễ hội; 7/11 tổ dân phố văn hóa; gần 90% gia đình văn hóa. Cũng từ đó, các đội thi đấu thể thao văn hóa: bóng chuyền, múa lân, cờ thẻ của phường liên tục “ăn giải” tại các cuộc tranh tài trên toàn thành phố.

Và điều đáng mừng nhất, theo Phó Chủ tịch phường Tân Giang - Đoàn Xuân Hoài là: “Các phong trào văn hóa, văn nghệ, các giải thi đấu được tổ chức cũng như các chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị được nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng và sẵn sàng đóng góp để huy động nguồn lực xã hội hóa cho các hoạt động, phong trào. Trong môi trường đó, những công dân sẽ dần hoàn thiện, trở thành những hạt nhân xây dựng nếp sống văn hóa, kỷ cương đô thị”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast