Gỡ khó trong tiếp cận nguồn lực phát triển KH&CN

Năm 2009, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) Hà Tĩnh được thành lập với mục đích hỗ trợ, thúc đẩy phát triển KH&CN của tỉnh thông qua việc tài trợ, cho vay. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên từ khi thành lập đến nay mới duy nhất một đơn vị trên địa bàn tiếp cận được nguồn hỗ trợ của Quỹ.

Vượt qua những khó khăn của suy thoái kinh tế, sự cạnh tranh gay gắt của các đơn vị sản xuất dược phẩm, Công ty CP Dược Hà Tĩnh (Hadiphar) vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định, trở thành một thương hiệu quen thuộc và có vị trí xứng đáng trên thị trường dược phẩm Việt Nam.

Công nhân Công ty CP Dược Hà Tĩnh kiểm nghiệm thuốc tại Phòng kiểm tra chất lượng GLP. Ảnh: Hoài Nam
Công nhân Công ty CP Dược Hà Tĩnh kiểm nghiệm thuốc tại Phòng kiểm tra chất lượng GLP. Ảnh: Hoài Nam

Theo Phó Tổng giám đốc Hadiphar - Võ Đức Nhân, bên cạnh việc khai thác tối đa thế mạnh nguồn dược liệu của địa phương, những năm qua, Công ty luôn coi trọng việc đổi mới dây chuyền công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Do đặc thù riêng của ngành sản xuất dược phẩm, việc trao đổi, sử dụng sản phẩm trí tuệ của các tổ chức, cá nhân khác theo quy định sẽ giúp doanh nghiệp (DN) chủ động hơn trong sản xuất, tìm kiếm thị trường.

Theo tìm hiểu, trong thời gian qua, Hadiphar đã nhiều lần tiếp cận với nguồn hỗ trợ của Quỹ Phát triển KH&CN nhưng đến thời điểm này vẫn chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào do chưa đáp ứng được quy trình, thủ tục. Khó khăn trong việc tiếp cận Quỹ Phát triển KH&CN của Hadiphar cũng là câu chuyện chung của nhiều DN trên địa bàn khi tìm đến nguồn vốn của Quỹ.

Có thể khẳng định, Quỹ Phát triển KH&CN ra đời phù hợp với thực tiễn phát triển của địa phương và xu hướng chung của cả nước. Với phương châm hoạt động bảo toàn vốn, bù đắp chi phí và không vì mục đích lợi nhuận, Quỹ tài trợ và cho vay vốn nhằm thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm công nghệ mới có tính khả thi góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao hiệu quả SXKD của DN, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Cũng theo quy định, các tổ chức, cá nhân đề nghị tài trợ, vay vốn của Quỹ phải có đề tài, dự án được lập theo mẫu quy định và được Quỹ thẩm định. Các đề tài, dự án đề xuất tài trợ, cho vay vốn từ Quỹ không được trùng lặp với các nhiệm vụ KH&CN đã hoặc đang thực hiện bằng nguồn ngân sách của Nhà nước. Tổ chức, cá nhân có đề tài, dự án đề nghị tài trợ, vay vốn của Quỹ phải có đủ năng lực chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp với từng nhiệm vụ KH&CN...

Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh tiến hành nghiên cứu, triển khai nhiều giống cây trồng năng suất cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương.
Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh tiến hành nghiên cứu, triển khai nhiều giống cây trồng năng suất cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù Quỹ cho vay lãi suất thấp hơn mức lãi suất của ngân hàng thương mại hoặc không lấy lãi, nhưng đến thời điểm hiện tại, duy nhất HTX Làng nghề rượu Văn Lâm được vay 3 tỷ đồng để mua dây chuyền công nghệ, thiết bị tinh chế và sản xuất rượu chất lượng cao từ nguồn rượu nếp truyền thống. Tuy nhiên, do những vướng mắc liên quan đến hợp đồng thế chấp tài sản nên đến thời điểm này, Quỹ mới giải ngân được 1/2 nguồn vốn vay.

Mặc dù Quỹ có tư cách pháp nhân, sử dụng con dấu riêng để giao dịch, được mở tài khoản riêng (kể cả ngoại tệ) tại Kho bạc Nhà nước tỉnh và các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật nhưng bộ máy điều hành và quản lý của Quỹ hiện nay vẫn chưa được kiện toàn và lực lượng cán bộ đều kiêm nhiệm. Trong khi để thực hiện một quy trình hỗ trợ đầu tư vốn cho một dự án KH&CN thì cần thẩm định kỹ lưỡng và giám sát, theo dõi trong suốt quá trình triển khai.

Ngoài ra, mặc dù điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ quy định nhiệm vụ công bố các định hướng ưu tiên, nội dung, yêu cầu và thể thức cụ thể giúp mọi tổ chức, cá nhân đề xuất đề tài, dự án KH&CN thích hợp để Quỹ tài trợ, cho vay nhưng việc tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ của Quỹ chưa rộng rãi. Vì vậy, một số tổ chức, DN trên địa bàn tỉnh còn mơ hồ, nhiều đơn vị chưa biết đến Quỹ Phát triển KH&CN.

Thêm vào đó, Quỹ hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách của tỉnh, vai trò của Quỹ trong việc vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia tài trợ hoặc ủy thác tài trợ, cho vay để thực hiện các dự án khoa học và công nghệ chưa được thực hiện. Với cơ chế hoạt động như hiện nay, các đối tượng còn khó lòng tiếp cận được nguồn vốn.

Nghị quyết 20 Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XI nêu rõ: Phát triển và ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể hóa nội dụng nghị quyết vào điều kiện cụ thể của địa phương, tỉnh ta đã ban hành chương trình hành động, trong đó giải pháp huy động tối đa và thực hiện có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển KHCN được xem như khâu đột phá.

Trong điều kiện khó khăn chung, các thành phần kinh tế còn thiếu nguồn lực để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KHKT vào lĩnh vực sản xuất của mình. Vì vậy, sự tiếp sức của Nhà nước là động lực kích thích các thành phần kinh tế mạnh dạn đổi mới dây chuyền thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững.

Ông Hoàng Trung Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần In Thăng Long:

"Cần tăng cường công tác tuyên truyền giúp DN tiếp cận Quỹ"

Bản thân tôi từng tham gia trong BCH Hội DN vừa và nhỏ (nay là Hiệp hội DN Hà Tĩnh), DN chúng tôi cũng đã hoạt động lâu năm trên địa bàn nhưng đến nay, tôi mới biết đến hoạt động của Quỹ. Trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay, hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng, nếu không đổi mới dây chuyền sản xuất, không làm chủ được công nghệ thì chẳng khác nào tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Vì vậy, đề nghị Hội đồng quản lý Quỹ tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, hướng dẫn để các DN, đơn vị sản xuất biết và tiếp cận với Quỹ Phát triển KH&CN.

Ông Nguyễn Đức Quang - Phó Giám đốc Sở KH&CN, Phó Giám đốc điều hành Quỹ:

"Ưu tiên hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, HTX và tổ hợp tác"

Để tạo điều kiện cho các DN, đơn vị sản xuất tiếp cận nguồn hỗ trợ của Quỹ, thời gian tới, Ban quản lý Quỹ sẽ tham mưu cho hội đồng điều hành, đổi mới kiện toàn bộ máy tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh nhà. Trên cơ sở định hướng chiến lược phát triển KHCN của địa phương, nguồn hỗ trợ của Quỹ sẽ ưu tiên, chú trọng đến đối tượng là các DN vừa và nhỏ, các HTX, tổ hợp sản xuất có nhu cầu cải tiến công nghệ, phát triển sản xuất trên các lĩnh vực tỉnh đang khuyến khích, mời gọi đầu tư. Đồng thời xây dựng cơ chế, khuyến khích các đơn vị sản xuất huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới.

Ông Nguyễn Trọng Quế - Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh:

"Đơn giản hóa thủ tục hành chính"

Hà Tĩnh hiện có gần 600 HTX đang hoạt động trên các lĩnh vực, trong đó phần đa HTX hoạt động trên lĩnh vực sản xuất. Mặc dù đã có những đổi mới trong phương thức điều hành hoạt động nhưng đối chiếu với quy định được vay vốn của Quỹ, các HTX khó mà tiếp cận được. Theo quy định, để nhận được sự hỗ trợ, đơn vị sản xuất phải có đủ năng lực chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật..., bên cạnh đó còn có hệ thống hồ sơ, thủ tục khá chặt chẽ. Để các HTX rộng đường tiếp cận với nguồn vốn vay, chúng ta cần đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng hiệu quả, nhanh gọn. 

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast