“Luồng gió mới” ở những miền quê nghèo

(Baohatinh.vn) - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay, việc nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân, đặc biệt vùng nông thôn là rất cần thiết. Sau 5 năm triển khai, dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam” (BMGF-VN) đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực.

luong gio moi o nhung mien que ngheo

Các trưởng thôn, tổ trưởng dân phố ở huyện Nghi Xuân tích cực tập huấn ứng dụng CNTT nhằm nâng cao nghiệp vụ hoạt động

Gần 3 năm nay, như một thói quen, ngày nào chị Lê Thị Thanh Huyền (kinh doanh thuốc thú y tại xã Sơn Giang) cũng tranh thủ đến Thư viện huyện Hương Sơn dùng máy tính truy cập mạng để tìm kiếm thông tin về các loại thuốc thú y mới, cách chữa bệnh cho vật nuôi; liên hệ với các nhà máy sản xuất thuốc thú y, thức ăn gia súc, gia cầm để tìm nguồn hàng tốt, giá cả hợp lý cung cấp cho người dân địa phương. Khách hàng trong xã và các vùng lân cận tìm đến cửa hàng ngày một đông, nhờ đó, kinh tế gia đình dần ổn định.

Độc giả nhỏ tuổi của Thư viện huyện, em Trần Nhật Nam (học sinh lớp 1A -Trường Tiểu học thị trấn Phố Châu) có niềm đam mê đặc biệt với máy tính. Từ ngày thư viện được kết nối internet, đều đặn mỗi tuần 2 lần, mẹ chở em đến đây để làm quen và sử dụng máy tính. Các trò chơi vẽ tranh, ghép hình, giải toán trên mạng, cậu bé thao tác rất thành thạo. “Ở nhà không có điều kiện nên em thường đến Thư viện huyện để học thêm qua máy tính. Nhờ đó, trong cuộc thi giải toán qua mạng do nhà trường tổ chức vừa rồi, em đã đạt kết quả khá tốt” - Nhật Nam vui vẻ nói.

Chị Thanh Huyền, em Nhật Nam và rất nhiều người dân ở vùng nông thôn là những người được hưởng lợi ích trực tiếp, thiết thực từ dự án BMGF-VN. Dự án được triển khai trên địa bàn Hà Tĩnh từ 2012 do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ không hoàn lại. Máy tính được trang bị đến tận từng điểm bưu điện văn hóa xã, thư viện công cộng. Các thông tin phục vụ đời sống, sản xuất đã giúp nhiều gia đình mạnh dạn thay đổi tư duy, phương thức làm ăn để làm giàu chính đáng; nhiều lao động đã tìm kiếm được cơ hội việc làm và học nghề phù hợp. Học sinh vùng nông thôn được tiếp cận với công nghệ thông tin để khai thác tiện ích, phục vụ hiệu quả cho việc học. Điều này đã giúp rút ngắn khoảng cách giữa học sinh vùng khó khăn với học sinh ở thành thị.

Không chỉ người dân là đối tượng được hưởng lợi, BMGF cũng đã mang lại cho chính quyền địa phương một phương thức mới trong quản lý, điều hành hoạt động chuyên môn. Là một đơn vị thực hiện thí điểm ứng dụng phần mềm điện tử để giải quyết các thủ tục hành chính, Trung tâm một cửa của UBND xã Thạch Châu (Lộc Hà) đã nâng cao được hiệu quả tiếp cận dịch vụ của người dân, tạo thuận lợi cho cán bộ trong giao dịch, điều hành.

Ông Lê Quang Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Từ khi ứng dụng phần mềm điện tử vào giao dịch, hiệu quả quản lý và giải quyết các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa được nâng lên rõ rệt. Không chỉ người dân được hưởng lợi mà cán bộ, lãnh đạo xã cũng được tiếp cận công nghệ thông tin. Điều này vừa tạo thuận lợi trong quá trình phục vụ người dân, vừa đặt ra cho đội ngũ này yêu cầu tự học hỏi nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu công việc”.

Mặc dù vẫn còn một số hạn chế trong quá trình thực hiện như: khó khăn cho việc bảo hành hệ thống máy tính do trung tâm bảo hành ở xa, thiết bị được sản xuất chuyên dụng nên khó thay thế; trình độ dân trí còn thấp; cán bộ quản lý kiêm nhiệm…, tuy nhiên, những hiệu quả mà BMGF mang lại là không thể phủ nhận. Đó thực sự như một “luồng gió mới” trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng còn nhiều khó khăn, thiệt thòi, giúp họ có cơ hội tiếp cận với thành tựu văn hóa - xã hội một cách bình đẳng, hiệu quả và bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast