Phát triển bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm chủ lực

(Baohatinh.vn) - Sở hữu trí tuệ (SHTT) như một công cụ đắc lực để khẳng định sức mạnh, vị thế trên thương trường và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, bảo hộ SHTT các sản phẩm, ngành hàng chủ yếu trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết nhằm mở rộng thị trường, xây dựng hình ảnh, quảng bá nâng cao giá trị sản phẩm trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, SHTT trở thành vấn đề then chốt trong quan hệ KT-XH và thương mại của mỗi quốc gia, mỗi vùng và doanh nghiệp. Theo đó, bảo hộ để nắm giữ và phát triển các công nghệ mới, sản phẩm mới có tính năng vượt trội, từ đó có thể phát triển thành một sản phẩm mới, một doanh nghiệp mới với sức cạnh tranh cao. Thông qua bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, các sản phẩm được tối ưu hóa về kiểu dáng thiết kế, tiết kiệm vật liệu và hấp dẫn người tiêu dùng. Bảo hộ nhãn hiệu (thường gọi là thương hiệu) là điều kiện cam kết về chất lượng của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, các đối tượng khác của SHTT cũng góp phần quyết định khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững của mỗi sản phẩm, doanh nghiệp.

Sản phẩm bưởi Phúc Trạch được bảo hộ chỉ dẫn địa lý về nguồn gốc và chất lượng.

Sản phẩm bưởi Phúc Trạch được bảo hộ chỉ dẫn địa lý về nguồn gốc và chất lượng.

Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn cho biết: Tỉnh ta có khoảng 30 sản phẩm, đặc sản, sản phẩm chủ lực và làng nghề truyền thống có danh tiếng từ lâu đời như: bưởi Phúc Trạch, cu đơ, cam bù, nhung hươu Hương Sơn, hồng vuông Thạch Đài, mộc Thái Yên, nước mắm Cẩm Nhượng... góp phần không nhỏ trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, đến nay, có 4 sản phẩm được đăng ký quyền bảo hộ trí tuệ, gồm bưởi Phúc Trạch (bảo hộ chỉ dẫn địa lý); cam bù Hương Sơn (bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận); nhung hươu Hương Sơn, mật ong Vũ Quang (bảo hộ nhãn hiệu tập thể).

Theo Hội Sản xuất và Kinh doanh bưởi Phúc Trạch, sau khi được Cục SHTT cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhờ có hệ thống chỉ dẫn thương hiệu nên sản phẩm bưởi Phúc Trạch đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng về nguồn gốc và chất lượng. Với nhãn mác đầy đủ cùng với thông tin quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, bưởi Phúc Trạch có giá bán cao gấp 1,5-2 lần so với trước và được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài ra, các thông tin chỉ dẫn địa lý được quản lý và gắn vào sản phẩm nên người tiêu dùng dễ dàng phân biệt được sản phẩm giả hay thật...

Qua đó cho thấy, việc xây dựng, tạo lập quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, ngành hàng chủ yếu của tỉnh là việc làm cần thiết nhằm chủ động mở rộng thị trường, xây dựng hình ảnh, quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, số đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp và sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ còn thấp.

Trong đó, hoạt động đăng ký quyền sở hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp và sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 343 đơn đăng ký (236 nhãn hiệu, 2 sáng chế, 3 kiểu dáng công nghiệp và 1 chỉ dẫn địa lý, 1 văn bằng bảo hộ quốc tế). Hầu hết, các đối tượng chủ yếu tập trung đăng ký nhãn hiệu (chiếm 95%); số đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và các đối tượng khác rất ít. Trong 4 sản phẩm đặc sản trên, mới chỉ có 2 sản phẩm bưởi Phúc Trạch và cam bù Hương Sơn được hỗ trợ xây dựng mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. “Nhận thức về sở hữu tài sản trí tuệ nhìn chung chưa được các tổ chức, cá nhân coi trọng, xem đây là một công cụ để phát triển bền vững. Mặt khác, các thương hiệu sản phẩm, ngành hàng chủ lực của tỉnh đang dần bị mai một nên hoạt động đăng ký bảo hộ và phát triển quyền SHTT trên địa bàn tỉnh còn ít” - ông Văn cho hay.

Để công tác đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ yếu của tỉnh được thực hiện hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện cho rằng: Trước hết, cần đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về SHTT, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; định hướng cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh cao thì mới có cơ sở để phát triển công cụ SHTT nhằm khai thác một cách hiệu quả và bền vững. Ngoài ra, cần xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và phát triển tài sản trí tuệ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh; tăng cường mạng lưới liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm đảm bảo người sản xuất chủ động và quyết định về sản phẩm theo hệ thống thống nhất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast