Tìm ra thủ phạm đứng sau đại dịch giết hàng triệu người

Trong thế kỷ 16, một bệnh dịch bí ẩn được đặt tên "cocoliztli” khiến nạn nhân chảy máu và nôn mửa lan rộng khắp Guatemala và Mexico, xóa sổ 80% dân số, giết chết hàng triệu người.

tim ra thu pham dung sau dai dich giet hang trieu nguoi

Hình họa mô tả bệnh nhân thời đó mắc bệnh dịch kỳ lạ.

Với kỹ thuật hiện đại phân tích mẫu ADN được lấy từ răng của 10 bộ xương người bệnh trong đại dịch được chôn cất tại nghĩa trang Grand Plaza Teposcolula-Yucundaa (Mexico), các nhà khoa học đã tìm ra khuẩn salmonella – thủ phạm gây ra căn bệnh bí ẩn trên.

Theo bản nghiên cứu khoa học được xuất bản trên tạp chí Nature ngày 15/1, phát hiện này đánh dấu trường hợp bị nhiễm khuẩn salmonella đầu tiên tại châu Mỹ.

Trước đó, dựa vào các triệu chứng ghi nhận được như sốt cao, phát ban, chảy máu, nôn mửa…, nhiều y bác sĩ nghi ngờ các bệnh nhân mắc bệnh thương hàn (một căn bệnh về đường tiêu hóa do khuẩn salmonella gây ra), song phải đến khi có kết quả phân tích này, nguyên nhân chính xác của bệnh dịch 500 năm trước mới được khẳng định.

Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng sự xuất hiện của những người châu Âu ở Trung Mỹ đã gây ra đại dịch thảm khốc này. Họ mang theo căn bệnh thương hàn khi tới đây xâm chiếm thuộc địa.

Nghĩa trang Grand Plaza Teposcolula-Yucundaa – nơi chôn cất thi thể của các nạn nhân bị bệnh dịch – là địa điểm duy nhất được cho là có liên qua đến việc bùng phát căn bệnh. Thời điểm đó, căn bệnh mang đến nỗi sợ hãi bao trùm người dân Mexico. Toàn bộ thành phố quanh Teposcolula-Yucundaa phải di chuyển sang một thung lũng gần đó. Nghĩa trang bị phong tỏa trong hàng thế kỷ. Chính lớp sàn dày bảo vệ của khu mộ này đã tạo điều kiện hoàn hảo cho công trình nghiên cứu và kiểm nghiệm của các nhà khoa học.

Một phương pháp kỹ thuật Công cụ giải trình tự và phân tích ADN (MALT) cho phép các nhà nghiên cứu tìm ra được ADN vi khuẩn tồn tại trên vật thể nghiên cứu. Åshild Vågene – tác giả bản nghiên cứu đang công tác tại phòng di truyền học thuộc Viện Khoa học Lịch sử con người Max Planck - cho biết: “Nếu như những bộ xương lấy từ Oaxaca, Mexico chúng tôi nghiên cứu bị nhiễm một loại khuẩn chưa từng xuất hiện hoặc chưa được nhận dạng thì chúng tôi sẽ không thể phát hiện ra bằng phương pháp này”.

Kỹ thuật MALT mở ra nhiều cơ hội chẩn đoán các bệnh trong quá khứ, cũng như giải quyết được các bí ẩn y khoa bị chôn vùi trong nhiều thế kỷ qua.

Theo baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast