Xác ướp tê giác duy nhất còn nguyên vẹn từ kỷ Băng hà

Xác con tê giác lông mượt non ở kỷ Băng hà được lưu giữ nguyên vẹn suốt 34.000 năm dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu ở Siberia.

xac uop te giac duy nhat con nguyen ven tu ky bang ha

Xác Sasha được trưng bày ở một bảo tàng tại Moscow, Nga. Ảnh: Siberian Times.

Con tê giác lông mượt 34.000 năm tuổi được tìm thấy lần đầu tiên năm 2015 và đặt theo tên người thợ săn phát hiện ra nó, theo National Geographic. Các nhà khoa học Nga không rõ nó là con đực hay con cái, nhưng theo họ, tên gọi Sasha có thể dùng cho cả hai giới. Cơ thể nguyên vẹn của con tê giác lông mượt kỷ Băng hà là một bất ngờ lớn đối với những nhà nghiên cứu thời kỳ này.

Khác với voi ma-mút lông xoăn cũng sống ở kỷ Băng hà, xác tê giác lông mượt (Coelodonta antiquitatis) rất hiếm gặp. Vị trí của chúng trong lịch trình tiến hóa cũng kém rõ ràng hơn. Giới nghiên cứu cũng chưa biết rõ về chế độ ăn cùng tuổi thọ của chúng.

Tháng 12 năm ngoái, một nhóm nhà khoa học ở Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Viện Hàn lâm Khoa học Sakha ở đông bắc nước Nga phục dựng cơ thể hoàn chỉnh của Sasha từ những mảnh nhỏ. Họ làm sạch các phần xác tê giác thoạt đầu có màu đen xám khi được tìm thấy. Các nhà khoa học rất bất ngờ khi phát hiện màu sắc nguyên bản của con tê giác nhỏ tuổi là hung đỏ. Phân tích mẫu răng của Sasha hé lộ con vật khoảng 7 tháng tuổi khi chết.

Độ tuổi quá nhỏ của con tê giác cũng là một điều gây bất ngờ cho các nhà khoa học. Sasha khá lớn so với độ tuổi 7 tháng. Nó dài gần 1,5 mét và cao khoảng 0,8 mét, theo Siberian Times. Tê giác hiện đại ở châu Phi thường không đạt tới kích thước đó trước 18 tháng tuổi.

Olga Potapova là một nhà khoa học ở Di chỉ voi ma-mút tại cụm suối nước nóng South Dakota, một tổ chức bảo tồn và nghiên cứu. Công việc của cô tập trung vào các loài động vật có vú lớn đã tuyệt chủng kỷ Băng hà. Potapova đang tiến hành nghiên cứu về Sasha. Nhiều bộ phận của tê giác lông mượt như xương răng đã được tìm thấy, nhưng Sasha là xác ướp tê giác non duy nhất còn nguyên vẹn của loài này.

"Phát hiện này sẽ cho phép các nhà khoa học làm sáng tỏ những mặt khác nhau về sinh học và hình thái học của tê giác lông mượt", Potapova nói. Họ có thể tìm hiểu cách chúng phát triển, những gì chúng ăn, và chúng khác biệt như thế nào với những loài tê giác khác.

Sasha chết như thế nào và tại sao xác nó được bảo quản nguyên vẹn như vậy vẫn là điều bí ẩn. "Các nhà cổ sinh vật học và địa chất học như chúng tôi cho rằng mình biết rất nhiều về kỷ Băng hà cuối cùng và về những động vật sinh sống ở thời kỳ đó, nhưng trên thực tế, chúng tôi mới chỉ biết những thông tin bề nổi về thế giới cũ", Potapova chia sẻ.

Xác Sasha được tìm thấy năm 2015 dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu dọc một bờ sông Siberia. Đây là tên gọi loại đất đóng băng liên tục trong hơn hai năm liền, nhưng ở Siberia, đất có thể đóng băng hàng nghìn năm.

Khu vực này là môi trường sống duy nhất được biết đến của tê giác lông mượt. Một trong những bí ẩn lớn nhất quanh loài vật này là tại sao chúng không đi qua cầu đất liền Bering, từng nối liền phía đông bắc nước Nga và Alaska, theo Potapova. Voi ma-mút lông xoăn, bò rừng thảo nguyên và tuần lộc đều đi qua cây cầu này trong suốt Thế Canh Tân.

Các nhà khoa học đưa ra một vài giả thuyết về lý do tê giác lông mượt tuyệt chủng nhưng không có bằng chứng chắc chắn. Một nghiên cứu xuất bản tháng 8 năm ngoái cho rằng chúng có thể tuyệt chủng do bất thường về gene. Khi xem xét những mẫu xương hóa thạch của tê giác lông mượt, các nhà nghiên cứu nhận thấy nhiều mẫu chứa xương sườn cổ, một hội chứng gắn liền với khuyết tật bẩm sinh. Nhóm tác giả nghiên cứu kết luận giao phối cận huyết có thể góp phần khiến số lượng tê giác lông mượt suy giảm.

Potapova đề cập tới hai giả thuyết có thể giải thích lý do tê giác lông mượt tuyệt chủng. Giả thuyết đầu tiên là biến đổi khí hậu tác động tới môi trường kiếm ăn của các động vật ăn cỏ, kéo theo sự tuyệt chủng của những động vật ăn thịt lớn như sư tử hang động và hổ răng kiếm.

Giả thuyết thứ hai cho rằng chúng bị con người tàn sát. "Nghiên cứu gần đây về ADN cổ đại của nhiều động vật ăn cỏ đã tuyệt chủng chỉ ra số lượng của chúng giảm dần và nguồn gene suy thoái ngay trước khi con người xuất hiện trên hai lục địa", Potapova cho biết.

Chỉ riêng xác của Sasha không thể làm sáng tỏ nguyên nhân tê giác lông mượt tuyệt chủng, nhưng Potapova nhấn mạnh đây là mảnh ghép quan trọng để lý giải bí ẩn về loài vật.

Theo VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast