Cẩm Xuyên khôi phục đàn gia cầm sau dịch

Dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên vào tháng 2 vừa qua đã khiến cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chuyên môn phải tiến hành tiêu hủy trên 11.500 gia cầm, thủy cầm. Khi dịch bệnh đi qua, nhận thức được lợi ích về kinh tế trong phát triển chăn nuôi nên hiện nay người dân có gia cầm bị tiêu hủy đang tích cực khôi phục lại tổng đàn.

Thực hiện chủ trương nuôi gà thả vườn do Hội liên hiệp phụ nữ xã phát động, đầu năm 2010, gia đình chị Phan Thị Hải ở thôn Phú Hòa, xã Cẩm Hòa đã tận dụng lợi thế đất vườn rộng tiến hành nuôi gà cỏ theo quy mô lớn và mang lại nguồn thu nhập ổn định. Trong đợt xuất hiện dịch cúm gia cầm vừa qua, gia đình chị Hải đã phải tiêu hủy toàn bộ tổng đàn với số lượng 437 con gà, ước thiệt hại gần 30 triệu đồng.

Gia đình chị Hải ở xã Cẩm Hòa đã chuẩn bị con giống cho việc gây dựng tổng đàn
Gia đình chị Hải ở xã Cẩm Hòa đã chuẩn bị con giống cho việc gây dựng tổng đàn

Khi dịch bệnh đi qua, không nản chí, chị Hải đã tập trung củng cố hệ thống lưới giăng và rào lại chuồng nuôi. Cùng đó, gia đình chị bỏ ra gần 2,5 triệu đồng để mua 200 con gà chíp về nuôi làm tiền đề cho việc khôi phục lại đàn. Số gà con mà gia đình chị mua về đã 23 ngày tuổi. Sau khi đủ 1 tháng nuôi nhốt trong nhà, chị Hải sẽ tiến hành nuôi theo hình thức thả vườn.

Chị Hải cho biết: “Trước đây cuộc sống của chúng tôi phụ thuộc vào biển là chính nhưng do việc đầu tư cho tàu, thuyền, ngư cụ hạn chế nên việc đi biển không có hiệu quả. Từ khi chuyển sang nuôi gà cỏ theo vườn thì thu nhập hơn hẳn lại rất ổn định. Vừa qua, dịch cúm gia cầm khiến toàn bộ tổng đàn của gia đình tôi bị tiêu hủy nhưng nhận thấy rằng trên vùng đất này không gì bằng chăn nuôi nên thời gian qua gia đình đã rất tích cực vệ sinh khu vực nuôi, đồng thời tìm hiểu, học hỏi thêm một số kỉ thuật nuôi để hạn chế dịch bệnh, chủ động phát hiện, phòng ngừa bệnh cho đàn vật nuôi”.

Trong đợt xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1 vừa qua, huyện Cẩm Xuyên đã tiêu hủy trên 11.500 con gà, vịt của 39 hộ gia đình thuộc 23 thôn trên phạm vi 9 xã, trong đó hai xã có số lượng tiêu hủy gia cầm nhiều nhất là Cẩm Duệ trên 3.700 con, Cẩm Hòa gần 3.700 con. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác an toàn vệ sinh trong phát triển chăn nuôi nên khi dịch bệnh đã đi qua, các hộ gia đình có gia cầm bị tiêu hủy đã tăng cường việc tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại và khu vực chăn nuôi. Những hộ gia đình thực hiện tốt việc làm sạch môi trường nuôi thì hiện nay đã mạnh dạn mua vịt chíp, gà chíp về nuôi, bắt đầu quá trình gây dựng tổng đàn.

Gia đình chị Minh ở xã Cẩm Yên chăm sóc gà con bắt đầu khôi phục đàn sau dịch
Gia đình chị Minh ở xã Cẩm Yên chăm sóc gà con bắt đầu khôi phục đàn sau dịch

Công việc chuẩn bị cho một đợt chăn nuôi mới là điều hết sức quan trọng, nhất là đối với các hộ gia đình chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa. Địa phương có số lượng gia cầm phải tiêu hủy nhiều như Cẩm Duệ, Cẩm Hòa đã chủ động tổ chức các cuộc họp dân phân tích nguyên nhân xuất hiện dịch bệnh để từ đó người chăn nuôi thấy rõ vai trò của mình đối với chăn nuôi tại gia đình và những hộ xung quanh nhằm nâng cao trách nhiệm của từng hộ dân.

Để việc khôi phục tổng đàn sau dịch đạt hiệu quả cao, huyện Cẩm Xuyên đã triển khai những giải pháp cụ thể để kích cầu và ổn định tâm lý người dân. Ông Lê Ngọc Hà – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Đợt xuất hiện dịch cúm gia cầm vừa trên đã gây tổn thất khá nặng nề cho chăn nuôi của huyện Cẩm Xuyên. Vì vậy, để khôi phục lại tổng đàn với tư tưởng chỉ đạo là đảm bảo an toàn dịch bệnh, huyện đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm trong đợt dịch vừa qua để khắc phục những tồn tại trong chăn nuôi. Hướng dẫn bà con nhân dân trong việc đảm bảo yếu tố vệ sinh chuồng trại, coi trọng chất lượng con giống. Tổ chức tập huấn phổ biển những kiến thức cơ bản nhất về chăn nuôi an toàn. Một trong những sản phẩm chủ lực của huyện Cẩm Xuyên trong xây dựng nông thôn mới là từ chăn nuôi. Vì vậy hiện nay chúng tôi đã xây dựng các đề án và quy hoạch cụ thể để tiến tới đưa chăn nuôi ra đồng, tách xa cộng đồng dân cư thuận lợi cho việc phòng bệnh và khoanh vùng dập dịch khi dịch xuất hiện.”

Song song với việc phát triển lại tổng đàn nhằm ổn định tình hình chăn nuôi và thu nhập kinh tế cho các địa phương cũng như các hộ gia đình có gia cầm bị tiêu hủy thì việc nâng cao nhận thức xây dựng văn hóa chăn nuôi nhằm bảo vệ vật nuôi của gia đình mình và cộng đồng dân cư trước nguy cơ dịch bệnh là điều hết sức quan trọng, nhất là trong điều kiện đẩy mạnh phát triển chăn nuôi xây dựng nông thôn mới như hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast