"Cánh tay nối dài” của ngành điện

(Baohatinh.vn) - Ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện là những phần việc chính mà lao động dịch vụ bán lẻ điện nông thôn đảm nhận. Việc áp dụng mô hình này đã hỗ trợ ngành điện nâng cao năng suất lao động, góp phần đáng kể trong công tác quản lý và kinh doanh bán điện ở nông thôn.

“Cánh tay nối dài”

Tiền thân là Chủ nhiệm HTX Điện nước xã Việt Xuyên (Thạch Hà), ông Lê Quang Đổng tham gia hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện nông thôn sau khi địa phương bàn giao lưới điện cho Điện lực Thạch Hà quản lý. Hàng chục năm gắn bó với nghề, ông luôn làm việc nghiêm túc, trách nhiệm đối với ngành điện và nhân dân.

Ông đến từng hộ chia sẻ những thông tin về điện, ghi chỉ số công tơ và xử lý các sự cố nhỏ. Là tổ trưởng tổ dịch vụ bán lẻ điện nông thôn của xã, ông Đổng luôn hướng dẫn, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, đảm bảo kế hoạch. Am hiểu tường tận sinh hoạt hàng ngày của khách hàng nên khi quản lý gần 1.100 khách hàng, chưa bao giờ ông để dư nợ tiền điện.

Lãnh đạo Điện lực Thạch Hà và ông Lê Quang Đổng - Tổ trưởng Tổ dịch vụ bán lẻ điện nông thôn xã Việt Xuyên kiểm tra hành lang lưới và đường dây sau công tơ trên địa bàn.

Lãnh đạo Điện lực Thạch Hà và ông Lê Quang Đổng - Tổ trưởng Tổ dịch vụ bán lẻ điện nông thôn xã Việt Xuyên kiểm tra hành lang lưới và đường dây sau công tơ trên địa bàn.

“Tuy đã có điểm thu tiền điện cố định nhưng công việc của nông dân bận rộn, nhiều lúc tôi phải tranh thủ đi thu buổi tối. Làm việc với dân làng, ngoài lý còn có tình, có khi tôi còn bỏ tiền túi nộp hộ rồi thu lại sau” - ông Đổng chia sẻ.

Ngoài công việc chính, ông Đổng còn tham gia xử lý các sự cố nhỏ về điện, nhất là khi xảy ra thiên tai bão lụt; chủ động phối hợp với địa phương phát quang hành lang an toàn lưới; tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tiết kiệm điện, thay thế đường dây sau công tơ đạt chuẩn…

Ông Đậu Quang Hòa - Trưởng phòng Kinh doanh, Điện lực Thạch Hà cho biết: “Chúng tôi đang hợp đồng 80 lao động thực hiện dịch vụ bán lẻ điện nông thôn trên địa bàn 30 xã, thị trấn. Nhìn chung, lực lượng này nhiệt tình, trách nhiệm, kịp thời nắm bắt nhu cầu, am hiểu khách hàng nên hiệu quả thu tiền điện khá tốt. Họ đã trở thành cầu nối giữa điện lực và khách hàng, giúp điện lực nâng cao chất lượng dịch vụ, hỗ trợ việc quảng bá các dịch vụ về điện”.

Nâng cao chất lượng hoạt động

Sử dụng lao động dịch vụ bán lẻ điện nông thôn là giải pháp giúp ngành điện tiết kiệm nhân lực, nâng cao năng suất lao động, giảm quá tải trong việc thu tiền, ghi chỉ số công tơ.

Công ty Điện lực Hà Tĩnh tổ chức chương trình trao tặng, lắp đặt bóng đèn compact tiết kiệm điện và chỉnh trang hệ thống điện trong nhà cho các hộ nghèo trên địa bàn

Công ty Điện lực Hà Tĩnh tổ chức chương trình trao tặng, lắp đặt bóng đèn compact tiết kiệm điện và chỉnh trang hệ thống điện trong nhà cho các hộ nghèo trên địa bàn

Tuy vậy, theo Trưởng phòng Kinh doanh - Điện lực Thạch Hà - Đậu Quang Hòa: “Nghiệp vụ quản lý kinh doanh điện năng của lực lượng này còn hạn chế, chưa nắm bắt kịp thời các quy trình, quy định của ngành, chưa qua lớp đào tạo bài bản về kỹ năng giao tiếp khách hàng; một bộ phận thiếu nhiệt tình, tham gia một lúc nhiều việc nên hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, do địa bàn rộng, ngành điện không thể quản lý hết mọi thời điểm, dẫn đến tình trạng một số lao động dịch vụ bán lẻ điện nông thôn thông đồng với khách hàng để trộm điện, gây tổn thất điện năng”.

Bên cạnh đó, đội ngũ lao động tham gia dịch vụ bán lẻ điện nông thôn chủ yếu tiếp nhận từ các HTX điện trước đây nên đang có xu hướng già hóa. Tuổi tác cũng ảnh hưởng phần nào đến kết quả công việc cũng như việc tiếp cận một số công nghệ mới trong đo đếm điện năng…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ dịch vụ bán lẻ điện nông thôn, cần thường xuyên kiện toàn, củng cố và nâng cao năng lực lao động. Theo đó, ngoài sự chủ động nâng cao trách nhiệm, tinh thần làm việc của bản thân người lao động, ngành điện cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, điều chỉnh cơ chế, chính sách đảm bảo và khuyến khích đội ngũ lao động dịch vụ bán lẻ điện nông thôn gắn bó hơn với ngành điện.

“Cần trẻ hóa đội ngũ này và tham gia đóng bảo hiểm cho họ để tạo sự gắn kết, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và nâng cao hiệu quả công việc” - ông Đậu Quang Hòa nhấn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast