Chăn nuôi lợn trong “cơn bão” thị trường: Tìm lời giải cho bài toán đầu ra

(Baohatinh.vn) - Nhiều ý kiến cho rằng, sản xuất nông nghiệp hiện nay, điều đáng quan tâm nhất là đầu ra sản phẩm. Một thị trường tốt sẽ là “tấm lệnh bài” cho sản phẩm đó phát triển hiệu quả, bền vững. Chăn nuôi lợn của Hà Tĩnh đang “rối như tơ vò” trong bài toán đầu ra...

>>Chăn nuôi lợn trong “cơn bão” thị trường: Tiểu thương đắc lợi!

Những giải pháp tức thời

Một hiện thực là tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ta, quy mô vừa và nhỏ chiếm chủ yếu, cao gần gấp 2 lần so với những trang trại chăn nuôi liên kết quy mô lớn nhưng lại là đối tượng “yếu ớt” nhất trong “sóng” thị trường. Thế nên, khi “va vấp” thì không có khả năng phục hồi vì năng lực tài chính không đủ bù lỗ, thiếu kiến thức, kinh nghiệm khiến người nông dân không dám “theo đến cùng”. Phương án chung nhất được các trại nái áp dụng để cứu cả 2 là “bao” giá lợn giống, “bao” thức ăn đến cuối vụ cho người chăn nuôi lợn thương phẩm.

chan nuoi lon trong con bao thi truong tim loi giai cho bai toan dau ra

Quy hoạch chăn nuôi phù hợp thị trường là lối ra vững chắc cho sản phẩm.

Ông Lê Văn Việt, trại nái Việt Thái (Thạch Lưu, Thạch Hà) cho hay: “Trại của tôi vừa mới hình thành và xuất bán lứa đầu tiên với khoảng 600 con giống (quy mô đàn lợn nái 600 con) thì “tắc” đầu ra. Mặc dù nguồn vốn rất khó khăn nhưng để duy trì đàn nái của mình buộc tôi phải xuất nợ 1.000 con giống, cung cấp thức ăn cho 2 trang trại chăn nuôi đến cuối kỳ xuất bán mới thu tiền”.

Một số chủ trang trại khác thì tự bỏ tiền túi để hỗ trợ, động viên một phần cho các tổ hợp tác, HTX liên kết của mình. Hoặc, xoay chuyển sang nuôi lợn thương phẩm như chủ hộ nuôi Nguyễn Tiến Sơn (Cẩm Sơn, Cẩm Xuyên) khi nái “thất thế”, ông đầu tư chuồng trại để nuôi lợn thịt từ nguồn giống của mình; Tổ hợp tác Quang Minh (Hương Khê) vừa “bán chạy” nái, vừa chuyển sang nuôi thương phẩm. Ông Trần Minh Quế - Tổ trưởng Tổ hợp tác Quang Minh chia sẻ: “Tổng đàn nái là 420 con, vừa rồi, chúng tôi đã bán lại 50 nái, cùng với đó, chuyển 900 con giống sang nuôi lợn thịt với hy vọng giá sẽ lên trong lứa tới đây”.

Còn tại Vũ Quang, hiện tại, nhiều đối tác ngoài đã trở lại đặt vấn đề bỏ giống cho các trang trại lợn thịt. Tuy nhiên, chủ trương của huyện là tạo điều kiện cho giống trong địa phương trước. Cùng với đó, có rà soát để động viên những HTX, tổ hợp tác còn đủ năng lực tái đàn.

Việc tương trợ nhau vượt qua cơn “bĩ cực” của thị trường đang được cho là giải pháp tối ưu. Trại nái xuất bán được con giống, người chăn nuôi đang được hưởng mức giá giống thấp nhất, thậm chí là vay nợ không lãi để tái đầu tư sẽ phần nào vẫn kích thích được sản xuất và giải quyết vấn đề tồn ứ lợn giống. Có điều, mọi “nước cờ” vẫn “đi trong bóng tối” khi người chăn nuôi không lường trước nhu cầu thị trường cả nội địa lẫn xuất khẩu ở giai đoạn tiếp theo.

Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y - Chăn nuôi cho biết: “Hiện tại, giá lợn đã “nhích” lên 35.000 - 36.000 đồng/kg nhưng dấu hiệu phục hồi chậm. Đối với lợn thì thị trường chủ yếu của cả nước vẫn là Trung Quốc, trong khi sản phẩm này lại chưa hợp đồng xuất khẩu chính ngạch”. Có thể trong 3 tháng tới, người chăn nuôi hoặc lãi to hoặc thê thảm không gượng dậy nổi?!

Thị trường nào - quy hoạch ấy…

Chăn nuôi lợn trong khoảng 5 năm trở lại đây đóng vai trò chủ lực trong việc tăng trưởng ngành nông nghiệp. Chính các chính sách hùng hậu, đồng bộ đã “mở lối” cho người nông dân nắm bắt được thời điểm “vàng” của chăn nuôi lợn.

chan nuoi lon trong con bao thi truong tim loi giai cho bai toan dau ra

Liên kết khép kín từ sản xuất đến thị trường góp phần tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh, thú y tốt hơn.

Có ý kiến cho rằng, thị trường là một cuộc chơi mà người chăn nuôi phải chấp nhận thăng trầm theo quy luật. Thế nhưng, nhìn lại quá trình, “người chơi” Hà Tĩnh dường như chưa đủ sức để “lướt sóng” trong thị trường đầy cam go. Khi thiếu nguồn cung, sản phẩm đi ra thị trường một cách thiếu kiểm soát nhưng lúc thừa thì gần như “vỡ” so với thực tế nhu cầu. Thế nhưng, khảo sát tại cơ quan chuyên môn thì số lượng trang trại chăn nuôi chỉ mới đạt 50% quy hoạch. Việc này, hoặc thực tế diễn ra mâu thuẫn, hoặc sự phát triển đó chỉ mới giải quyết được vấn đề trước mắt về sản xuất. Còn thị trường, lợn từ những trang trại này sẽ hoặc vào lò mổ nội địa hoặc xuất bán Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch.

Liên kết chăn nuôi lợn gia công với các công ty lớn như: Công ty CP Chăn nuôi Mitraco, Công ty CP Phát triển Nông lâm Hà Tĩnh và Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam gần như không chịu lỗ quá lớn trong đợt vừa qua. Các cơ sở liên kết sau khi xuất lợn đều được trả tiền công và thả lợn theo hợp đồng. Một phần, bản chất liên kết là nuôi gia công, người chăn nuôi chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng, công, còn lại từ giống đến kỹ thuật, thú y và thị trường đã có công ty đảm trách. Phần khác, những “ông lớn” này luôn có kênh riêng để đảm bảo đầu ra sản phẩm, người chăn nuôi lãi ít nhưng luôn nằm trong khung an toàn nhất định. Nói cách khác, hình thức chăn nuôi tự chủ trên địa bàn tỉnh vẫn chỉ mang tính phân tán, thụ động, càng phát tán về chiều rộng thì càng yếu thế chiều sâu. Việc phụ thuộc vào các nhà cung cấp như thức ăn, thuốc thú y đã vô hình trung đẩy giá thành lên cao.

Ông Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng: “Đã đến lúc ngành nông nghiệp cần rà soát, đánh giá lại quy hoạch. Không nên phát triển một cách ồ ạt mà “nhóm” lại những đối tượng có tiềm lực để phát triển bền vững và cũng phù hợp với tình hình đầu ra của sản phẩm lợn”. Khi có các nhân tố có sức ảnh hưởng lớn, việc điều tiết giá đầu vào chắc chắn sẽ giảm hơn so với giá thành sản xuất hiện tại.

Bên cạnh động viên người chăn nuôi cần có mối liên kết, gắn bó cùng nhau tìm kiếm các thị trường mới nhằm tháo gỡ khó khăn, tỉnh cũng đang đề xuất phương án giãn nợ, chậm thu hồi nợ tại các ngân hàng; giải ngân nguồn vốn hỗ trợ sản xuất để tiếp tục “tiếp lực” cho người chăn nuôi lợn. Nhưng, giải pháp dài hơi vẫn là yêu cầu các địa phương tuân thủ theo quy hoạch gắn với thị trường, tiềm lực mà không tăng quy mô bằng mọi giá, ngay cả khi giá lợn hơi tăng cao; xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo hình thức liên kết, vừa tạo tiềm lực, vừa tăng cao chất lượng và thương hiệu lợn Hà Tĩnh.

Nhóm PV Kinh tế

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast