"Chính phủ cũng muốn có sự đột phá trong phát triển"

Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn phát triển, chỉ đạo không chặt chẽ thì sẽ quay lại lạm phát.

"Chính phủ cũng muốn có sự đột phá trong phát triển" ảnh 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân tích rõ hơn trước Quốc hội về những khó khăn mà Chính phủ đang phải cân nhắc khi nói về tình hình kinh tế năm 2013.

Theo Phó Thủ tướng: Chúng ta là nước mới thoát nghèo, tổng GDP hiện nay có 155,2 tỷ USD, bình quân GDP đầu người là 1.749 USD. Với tổng mức GDP như vậy mà tổng kim ngạch xuất khẩu của ta hơn 200 tỷ USD thì nói lên một điều rằng kinh tế của chúng ta nhỏ nhưng hội nhập sâu.

Ngoài ra, kinh tế thế giới còn nhiều biến đổi khó lường, chưa ổn định, nhiều nước nhất là khu vực euro cũng đang biến động chưa có dấu hiệu tăng trưởng. Trước tình hình đó, chúng ta, những người có trách nhiệm nóng ruột để tăng trưởng cao hơn để giảm khoảng cách của nước ta với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước bên cạnh.

Trở lại với mục tiêu tăng trưởng, Phó Thủ tướng cho rằng: Nước ta trải qua nhiều chu kỳ lạm phát khác nhau, kéo dài nên vấn đề phát triển bền vững được đặt ra. Quốc hội từng nói, tăng trưởng cao mà lạm cao thì không có ý nghĩa với người dân. Chúng ta đã kiềm chế được lạm phát nhưng lạm phát cơ bản của ta còn rất lớn. Vì thế, ta cần thực hiện chủ trương nhất quán mà Quốc hội nêu ra trong đầu kỳ năm 2013: “Tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững toàn vẹn tổ quốc…”.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ: “Chúng tôi cũng rất muốn có sự đột phá trong phát triển. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn phát triển, chỉ đạo không chặt chẽ thì sẽ quay lại lạm phát. Chính vì vậy, chúng ta không được phát triển nóng, cần tăng trưởng bền vững.

Trong phát biểu của mình, Phó Thủ tướng cho biết một số giải pháp đảm bảo tăng trưởng cho năm 2013. Theo đó, Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện phát phát triển kinh tế-xã hội 2013 mà CP đã nêu; thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung mà Nghị quyết 02 về tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển.

Giải pháp tiếp theo là đẩy nhanh giải ngân vốn xây dựng cơ bản, điều chuyển vốn công trình chậm sang công trình có điều kiện hoàn thành nhanh. “Chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội kỳ họp tới phát hành TPCP để làm một số công trình như Quốc lộ 1a, 14b qua Tây Nguyên.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội xem xét một số biện pháp khác như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục cải cách hàng chính, phòng chống tham nhũng, tạo môi trường, giảm phiền hà, giảm chi phí DN, tìm phương án hỗ trợ trực tiếp cho nông dân với những mặt hàng lợi thế mà ta đang gặp khó khăn.

Về giải pháp tiền tệ, Phó Thủ tướng cho hay: Năm nay tăng tổng tín dụng so với 2012 là 12%. Muốn vậy, tất cả các tháng còn lại mỗi tháng phải giải ngân 40.000 tỷ. Cùng với đó, cần phải tích cực đẩy nhanh gói hỗ trợ bất động sản 30.000 tỷ, giảm lãi suất được xem xét thời gian tới; Khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu nợ, triển khai công ty mua bán nợ… “Những biện pháp tài khóa, tiền tệ như vậy sẽ thúc đẩy tình hình kinh tế đất nước” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính phủ cũng đã xây dựng chương trình trung hạn đến 2015 khôi phục nền kinh tế. Và theo Phó Thủ tướng, lộ trình giá của các mặt hàng quan trọng cần được xử lý trong quá trình này./.

Nguồn: Vũ Hạnh/VOV online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast