"Chính sách hợp lý giúp phân bổ nguồn lực hiệu quả"

Năm 2016 là một năm thành công của ngành tài chính với nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, năm 2017 được dự báo sẽ có nhiều thách thức cần Chính phủ mới và ngành tài chính giải quyết.

chinh sach hop ly giup phan bo nguon luc hieu qua

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng với phóng viên Báo điện tử Chính phủ nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

-Nhìn lại năm 2016, Bộ trưởng hài lòng với kết quả nào của ngành tài chính đã làm được và điều gì khiến ông còn băn khoăn?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 nhưng tình hình có nhiều khó khăn khách quan. Do đó, ngành tài chính đã ban hành kế hoạch hành động, triển khai quyết liệt và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Chúng tôi xác định rằng một trong những điểm cốt lõi là phải hoàn thiện hệ thống thể chế, góp phần nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực xã hội nói chung, nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) nói riêng. Tính trong năm 2016, ngành tài chính đã thực hiện khối lượng văn bản lớn khoảng 1,5 lần so với mọi năm. Chúng tôi đã chủ trì xây dựng 2 Luật, 1 Nghị quyết trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua bao gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu… Bên cạnh đó, ngành tài chính đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo hàng loạt nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan…

Chúng tôi đã quyết liệt chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng (công an, quản lý thị trường...) bám sát hoạt động sản xuất-kinh doanh, tập trung thực hiện quyết liệt công tác quản lý thu; tăng cường thanh tra, kiểm tra sau thông quan; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và gian lận trong việc hoàn thuế; tập trung thu hồi nợ đọng thuế… Công tác huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển có nhiều thuận lợi và vượt kế hoạch điều chỉnh với kỳ hạn tăng, lãi suất giảm. Thị trường chứng khoán nằm trong nhóm 5 thị trường tăng trưởng cao nhất thế giới. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu và dư nợ thị trường trái phiếu tăng mạnh, trong đó đối với thị trường cổ phiếu đạt mức cao nhất từ trước đến nay… Ngành tài chính vẫn đi tiên phong trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Ngành thuế đã cắt giảm 92 thủ tục tương đương 22,1%, cao hơn so với mục tiêu 10%. Đến nay đã có 99,8% DN kế khai và nộp thuế điện tử. Ngành hải quan đã triển khai hải quan điện tử trên cả nước với thời gian thông quan được rút ngắn…

Tuy vậy, dù làm được nhiều việc nhưng vẫn còn những điểm tôi cho là chưa được như mục tiêu, cần phải làm tốt hơn trong thời gian tới. Những điểm tôi còn băn khoăn là việc cân đối NSNN còn khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, bội chi còn cao, số thu ngân sách Trung ương đạt thấp. Tiến độ tái cơ cấu DNNN chậm đã ảnh hưởng tới cơ cấu thu NSNN năm 2016. Trong cơ cấu chi NSNN, chi thường xuyên vẫn chiếm tỉ trọng lớn, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư.

Việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với khu vực sự nghiệp công, xã hội hóa cung cấp dịch vụ sự nghiệp công còn chậm và chưa đạt được kết quả như kỳ vọng nên việc thực hiện cơ cấu lại chi NSNN còn khó khăn. Tôi cũng nhận thấy hiệu quả hoạt động của các DNNN chưa được cải thiện, công tác cổ phần hóa DNNN tiến hành chậm, chưa thực chất.

-Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2017, Thủ tướng có nói “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, phải dồn tiền đến đúng địa chỉ thật cần thiết cho xã hội, Bộ trưởng sẽ có những giải pháp gì để tăng cường hiệu quả thực hiện kỷ luật ngân sách trong thời gian tới?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Cần nhìn nhận một thực tế là kỷ luật tài khóa trong một số bộ, ngành, địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc, chi vượt dự toán, chuyển nguồn còn lớn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Ngoài ra, do các mục tiêu tài chính-ngân sách được neo với chỉ tiêu GDP nên trong một số năm tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch cũng ảnh hưởng đến việc đạt được các mục tiêu về tài chính-ngân sách. Theo tôi, câu trích dẫn của Thủ tướng Chính phủ khi nói với Bộ Tài chính rất ngắn gọn, súc tích. Nhưng để thực hiện được, toàn ngành tài chính phải hết sức nỗ lực trong năm 2017 và giai đoạn 2017-2020.

Bên cạnh các giải pháp để mở rộng nguồn thu và cơ cấu lại chi tiêu, tôi cho rằng cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để củng cố, siết chặt kỷ luật tài khóa, hạn chế tối đa việc chi vượt dự toán, bảo đảm các chỉ tiêu về bội chi NSNN và nợ công trong giới hạn mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã đề ra.

Cụ thể, toàn hệ thống phải nghiêm túc triển khai thực hiện Luật NSNN 2015, Luật Phí và lệ phí, thu vào NSNN toàn bộ các các khoản thuế và lệ phí…; thực hiện cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, Kế hoạch tài chính 5 năm và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Trong trường hợp đặc biệt chi vượt dự toán năm thì số vượt phải nằm trong tổng nguồn đã xác định cho 5 năm để bảo đảm các mục tiêu đã đặt ra đến năm 2020.

Cần kiên quyết không thanh toán các khoản chi không đúng chế độ, chính sách và dự toán đã được phê duyệt. Không điều chỉnh dự toán ngân sách ngoài các trường hợp được phép điều chỉnh và phải theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định tại Luật NSNN 2015. Phải hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, không ban hành chính sách chi tiêu mới khi chưa bố trí được nguồn kinh phí, nêu cao trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách, xử lý nghiêm các trường hợp chi sai chính sách, chế độ, chi vượt dự toán đã được phê duyệt.

-Nhân dịp đầu Xuân năm mới Đinh Dậu 2017, Bộ trưởng có thông điệp gì gửi tới cộng đồng DN?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Chúng tôi luôn xác định cộng đồng DN, doanh nhân chính là nền tảng, là động lực tạo sức cạnh tranh và phát triển kinh tế Việt Nam. Bộ Tài chính luôn tập trung nỗ lực hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách tài chính liên quan tới DN, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, góp phần giúp giảm chi phí, thời gian, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.

Trong năm 2017, ngành tài chính sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng chính sách pháp luật tài chính, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ và đặc biệt là tính ổn định của chính sách, để các DN, doanh nhân yên tâm bỏ vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển các loại hình DN nói chung, DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nói riêng.

Đặc biệt, trong năm 2017, Bộ Tài chính sẽ tập trung nghiên cứu chính sách tài chính khuyến khích DN đột phá trong áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm có giá trị, có thương hiệu. Từ đó góp phần tạo ra động lực mới cho tăng trưởng và phát triển kinh tế theo chiều sâu, dựa trên nền tảng của trí thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, thực hiện công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính cho DN.

Đồng thời, ngành tài chính sẽ thực hiện các biện pháp đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các DN, trên cơ sở rà soát và tháo gỡ các rào cản về cơ chế, thủ tục nhằm không để thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, hướng tới việc hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho DN thuộc mọi hình thức sở hữu cùng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh những nỗ lực của mình, ngành tài chính cũng mong muốn cộng đồng các DN phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Đặc biệt là nói không với gian lận, buôn lậu, trốn thuế; cùng với đó, đồng hành với ngành để tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin, phản hồi kịp thời những vướng mắc, bất cập cũng như chủ động có các đề xuất trong thực hiện các cơ chế, chính sách tài chính để ngành tài chính nghiên cứu và có biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Tôi cho rằng, đứng trước làn sóng hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bên cạnh sự nỗ lực kiến tạo của Chính phủ nói chung, Bộ Tài chính nói riêng thì sự chủ động và sáng tạo của DN trong hành trình giải phóng sức sáng tạo, huy động hiệu quả những nguồn lực xã hội có vai trò to lớn để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp quốc gia và DN phát triển không ngừng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Tất cả cần nỗ lực vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast