Cơ hội chục tỷ đô của Việt Nam với TPP

Gia nhập TPP với 12 thành viên, GDP Việt Nam có thể tăng thêm 35,7 tỷ USD vào năm 2025 nếu ngành sản xuất nội địa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật của các đối tác.

Theo đánh giá của giáo sư Peter A.Petri - Đại học Brandeis (Mỹ), Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc. Mô hình tính toán của giáo sư chuyên ngành tài chính và hội nhập kinh tế quốc tế cùng các đồng nghiệp cho thấy, GDP Việt Nam có cơ hội tăng thêm 35,7 tỷ USD (tương đương 10,5%) từ nay tới năm 2025 nếu tham gia TPP với 12 thành viên.

"Lợi ích gia tăng của Việt Nam gần như gấp đôi với sự xuất hiện của Mỹ, Nhật bởi đây là những thị trường xuất khẩu chính. Việt Nam đang ở vị trí tốt nhất để tận dụng lợi thế TPP", giáo sư Peter A.Petri nói.

Cơ hội chục tỷ đô của Việt Nam với TPP ảnh 1

Khi vào TPP, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ có thể đạt tới 55 tỷ USD trong năm 2025, đồng thời tạo ra gần 6 triệu việc làm. Ảnh: Hoàng Hà.

Đồng quan điểm này, ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập TP HCM cho biết, thuế suất bình quân với mặt hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Mỹ đang là 17,3% và có cơ hội về 0% nếu tham gia TPP. Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tính đến tháng 4/2015, Việt Nam chiếm khoảng 10,16% tổng thị phần hàng dệt may nhập khẩu vào Mỹ. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với 55% thị phần toàn ngành.

Với khả năng tăng trưởng từ thị trường Mỹ, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể đạt tới 55 tỷ USD trong năm 2025, đồng thời tạo ra gần 6 triệu việc làm. Tuy nhiên, đây chỉ là những tính toán về mặt lý thuyết, bởi Việt Nam còn vướng rào cản khi gia nhập TPP là điều kiện xuất xứ "từ sợi trở đi" mà Mỹ có thể áp dụng.

"Công nghiệp hỗ trợ của dệt may rất yếu kém, nên nguyên phụ liệu, thậm chí một số loại vải phải nhập từ nước ngoài. Rất không may, phần lớn nguyên phụ liệu này lại là từ các nước ngoài TPP, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan..., còn nguồn thay thế từ các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương gần như không có", ông An phân tích.

Cũng là mặt hàng xuất khẩu lớn sang Mỹ, da giày, túi xách Việt Nam đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh ở thị trường hiện chiếm hơn 47% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam đánh giá TTP là quá trình hai chiều, tăng cơ hội xuất khẩu nhưng cũng đòi hỏi phải mở cửa thị trường trong nước.

Theo chuyên gia của Viện Chiến lược và chính sách Bộ Tài chính, khó khăn nhất đối với sản phẩm da giày của Việt Nam là tỷ lệ nội địa hóa không cao. Việt Nam hiện chỉ chủ động được 20 - 40% nguyên liệu sản xuất ở các khâu, riêng da (gồm da thuộc và da nhân tạo) vẫn phải nhập khẩu tới 70%. Thậm chí, trong 10 doanh nghiệp da giày lớn nhất của Việt Nam chỉ có một đại diện nội địa, còn lại là liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài.

Trong khi đó, khả năng làm chủ thị trường da giày trong nước cũng còn hạn chế. Phân khúc cao cấp hầu như còn bỏ ngỏ, chỉ có sản phẩm phổ thông như Biti’s, An Lạc… Do đó, thuế suất 0% không hẳn là “mỏ vàng” với những doanh nghiệp Việt trong bối cảnh họ mới đáp ứng chưa đến 50% tổng nhu cầu da giày trong nước. "Nếu không đáp ứng đủ các điều kiện các nước đưa ra thì vào TPP cũng chẳng thu được lợi ích gì cả", ông Phạm Bình An khẳng định.

Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ hội nhập TP HCM đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không cần bi quan, bởi trong đàm phán luôn có những điều kiện nới rộng cho phép về nguồn cung thiếu hụt tạm thời hay vĩnh viễn. Đây được xem là vấn đề nhạy cảm và gây tranh cãi, cần nhiều thời gian để thống nhất, mà không quốc gia nào có thể tự do áp đặt, kể cả Mỹ.

Thực tế, dù là nước có thu nhập thấp, Việt Nam luôn rất quan trọng với Mỹ. "Việt Nam là đại diện của các nước thu nhập thấp và Mỹ muốn có thoả thuận để có thể áp dụng với nhiều nước khác nhau trên thế giới. Câu chuyện Việt Nam quan trọng không chỉ vì quy mô kinh tế tuyệt đối. Có thể việc Nhật Bản tham gia thì giống con khủng long kinh tế, còn các bạn là con hổ. Nhưng con hổ trên góc độ nào đó lại có những điểm thú vị hơn khủng long", giáo sư Peter A.Petri chia sẻ.

Theo Zing

Chủ đề Hội nhập Quốc tế

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast