Cơ hội mới để Hà Tĩnh phát triển KT-XH bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu

Dự án “Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hà Tĩnh” (IWMC) do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ được triển khai từ tháng 10-2013 đang tạo cơ hội mới cho Hà Tĩnh vượt lên những thách thức của BĐKH...

Những năm qua, trong bối cảnh chung của tình hình suy giảm kinh tế thế giới cũng như trong nước, cùng với những thách thức ngày càng khắc nghiệt và khó lường của sự tác động từ biến đổi khí hậu (BĐKH)... Hà Tĩnh phải vượt qua không ít khó khăn. Trong quá trình đó, được sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức quốc tế, cùng với sự nỗ lực của Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp và nhân dân, Hà Tĩnh đã có bước phát triển nhanh về kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Dự án “Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hà Tĩnh” (IWMC) do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ được triển khai từ tháng 10-2013 đang tạo cơ hội mới cho Hà Tĩnh vượt lên những thách thức của BĐKH.

Phát triển KTXH phải gắn với đảm bảo môi trường sống bền vững, quan điểm này phù hợp với định hướng ưu tiên hỗ trợ của Chương trình hợp tác Việt - Bỉ giai đoạn 2011-2015 với mục đích “Tăng cường năng lực của Chính phủ Việt Nam, đảm bảo giảm thiểu các nguy cơ gây ra bởi tốc độ đô thị hóa nhanh và biến đổi khí hậu, sử dụng phương pháp tiếp cận đa ngành trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường”. Sau hơn 2 năm tích cực tiếp cận, vận động nhà tài trợ và thực hiện các bước đi để có được những cam kết cụ thể, Chính phủ Vương Quốc Bỉ đã đồng ý tài trợ không hoàn lại khoản vốn 7,8 triệu EURO cho Hà Tĩnh để thực hiện Dự án IWMC. Hiệp định của Dự án đã được Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Vương Quốc Bỉ ký tại Hà Nội vào ngày 20/6/2013. Dự án IWMC Hà Tĩnh là một trong 4 dự án thành phần (cùng với Dự án thực hiện ở tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và 1 Ban Hỗ trợ kỹ thuật đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nằm trong chương trình Hợp tác Việt-Bỉ về ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013-2019. Dự án IWMC cũng là Dự án sử dụng nguồn ODA Nhà nước chính thức đầu tiên của Chính phủ Bỉ dành cho tỉnh Hà Tĩnh.

Chuyên gia dự án IWMC khảo sát và thiết kế dự án. Ảnh: Hoài Nam

Chuyên gia dự án IWMC khảo sát và thiết kế dự án. Ảnh: Hoài Nam

Mục tiêu tổng quan của Dự án IWMC là hỗ trợ phát triển thể chế của tỉnh Hà Tĩnh về quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị liên quan đến BĐKH tại Hà Tĩnh. Dự án đã thiết kế các nội dung hoạt động và các bước đi một cách khoa học, thiết thực nhằm tạo nên những tác động rộng lớn và bền vững cho việc nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, gắn với việc giải quyết các vấn đề đặt ra cho đô thị trước thách thức của BĐKH, ưu tiên các hoạt động và nguồn lực cho các địa bàn: thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và vùng phụ cận. Trong thời gian 6 năm, Dự án tiến hành nhiều hoạt động để hướng tới 4 mục tiêu cụ thể là: Tăng cường năng lực của chính quyền về lĩnh vực BĐKH, quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quy hoạch đô thị; xây dựng chiến lược tổng thể về BĐKH; triển khai các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng thí điểm ưu tiên thích ứng với BĐKH; huy động sự tham gia của cộng đồng vào việc ứng phó với BĐKH.

Theo đó, để tăng cường năng lực của chính quyền về lĩnh vực BĐKH, quản lý tài nguyên nước và phát triển đô thị, Dự án sẽ tiến hành nghiên cứu các cơ chế, chính sách hiện tại trong công tác quản lý về BĐKH, quản lý nguồn nước tổng hợp và quy hoạch đô thị giữa các sở, ban, ngành để từ đó đề xuất cơ chế chính sách mới nhằm giảm đến mức tối đa hiện tượng chồng chéo trách nhiệm giữa các bên liên quan. Cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan, khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương trong lĩnh vực quản lý nước và phát triển quy hoạch không gian. Cải thiện nhận thức về các tác động của BĐKH, các biện pháp thích ứng và giảm thiểu cho các cấp chính quyền, khu vực tư nhân và cộng đồng. Hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp tất cả các thông tin. Cung cấp thiết bị và tập huấn sử dụng, khai thác, vận hành, bảo dưỡng cho các trạm quan trắc khí tượng thủy văn nhằm tăng độ tin cậy phục vụ nghiên cứu thủy lực và dự báo thời tiết. Cải thiện nhận thức về các tác động khác nhau của BĐKH đến người dân và vấn đề giới trong lĩnh vực BĐKH. Hỗ trợ một số sở ngành thiết kế, cập nhật website tích hợp các vấn đề về quản lý tổng hợp nguồn nước, quy hoạch đô thị và BĐKH, chia sẻ kinh nghiệm tốt nhất rút ra từ các dự án tương tự.

Chiến lược tổng thể về BĐKH ở Hà Tĩnh gắn với chương trình hành động cụ thể sẽ được xây dựng từ các giải pháp ứng phó linh hoạt và năng động, phù hợp với chiến lược quốc gia và chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, gắn với chiến lược này, Dự án sẽ tiến hành nghiên cứu thủy văn và mô hình hóa lưu vực sông Rào Cái với tất cả các tác nhân tác động đến điều kiện ngập lụt của thành phố Hà Tĩnh, đồng thời phân tích tác động của BĐKH ảnh hưởng đến tài sản và sinh kế của cộng đồng dân cư tại lưu vực sông Rào Cái để xây dựng các mô hình dự báo cho kịch bản phát thải trung bình trong các khung thời gian dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; điều chỉnh quy hoạch tổng thể thành phố Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh trên cơ sở quy hoạch sẵn có.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Bruno Angelet và Phó Đại sứ Lucde Backer vương quốc Bỉ (tháng 10/2011). Ảnh: Hoài Nam
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Bruno Angelet và Phó Đại sứ Lucde Backer vương quốc Bỉ (tháng 10/2011). Ảnh: Hoài Nam

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Dự án sẽ tiến hành các hoạt động xây dựng công trình theo thứ tự ưu tiên như hồ điều hòa, kênh tiêu thoát nước, trạm bơm, đê bao, trồng rừng ngập mặn và xây dựng mô hình thí điểm công viên bảo tồn rừng ngập mặn..., đồng thời, hỗ trợ xây dựng quy chế quản lý, vận hành và bảo trì các công trình.

Để thực hiện mục tiêu xuyên suốt là thu hút, tăng cường sự tham gia của cộng đồng đối với việc nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, Dự án sẽ tuyển chọn các sáng kiến nhằm giảm thiểu và thích ứng với BĐKH; thông tin truyền thông về các sáng kiến, các kết quả đạt được; triển khai hệ thống cảnh báo sớm thảm họa; thành lập Ủy ban lưu vực sông Rào Cái (với sự tham gia của các đại diện từ các cơ quan địa phương, cộng đồng và các doanh nghiệp hưởng lợi từ lưu vực sông) và triển khai chương trình tín dụng- tiết kiệm hỗ trợ cộng đồng dân cư cải thiện môi trường sống.

Dự án IWMC Hà Tĩnh chính thức khởi động vào tháng 10/2013 là cơ hội tốt để Hà Tĩnh tiếp tục tranh thủ nguồn đầu tư ODA của Chính phủ Bỉ; do vậy, Ban Điều phối Dự án "Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Hà Tĩnh" và Dự án " Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hà Tĩnh" (viết tắt là: SRDP - IWMC) và các sở, ngành, địa phương hưởng lợi theo chức năng, nhiệm vụ của mình, cần phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực thực hiện dự án đúng lộ trình, nội dung, đảm bảo hiệu quả cao nhất, đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm và sự tham gia tích cực của người dân để hoàn thành mục tiêu của Dự án theo cam kết với nhà tài trợ, tiếp tục xây dựng niềm tin với cộng đồng quốc tế trong quá trình đầu tư các dự án ODA, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà với tốc độ cao và bền vững./.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Dự án IWMC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast