Dân Kỳ Thượng “điêu đứng” vì trâu, bò chết hàng loạt

(Baohatinh.vn) - Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục con trâu, bò thuộc 2 thôn Phúc Lập và Phúc Thành 2, xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh) bỗng dưng bị chết, gây thiệt hại lớn cho nhiều hộ dân.

Về xã miền núi Kỳ Thượng những ngày này, không khó để nhận ra vẻ hoang mang, lo lắng của người dân bởi hàng chục con trâu, bò khỏe mạnh bỗng dưng lăn đùng ra chết. Hộ ít thì 1 con, hộ nhiều thì có đến 4 con. Ước tính thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Theo Trưởng thôn Phúc Lập - Nguyễn Văn Phương, trong tổng số 10 con trâu, bò của bà con trong thôn bị chết thì gia đình ông Lê Đức Báp có đến 4 con.

Ông Hoàng Văn Thường bần thần bên con trâu đang mắc bệnh, còn sót lại trong nạn dịch vừa qua.

Ông Hoàng Văn Thường bần thần bên con trâu đang mắc bệnh, còn sót lại trong nạn dịch vừa qua.

“Gia đình tôi có 11 con trâu, bò thì đợt này đã chết mất 4 con, thiệt hại hơn 100 triệu đồng”. Cứ tiếp tục như thế này chắc gia đình tôi khánh kiệt mất - ông Báp ngậm ngùi.

Mặc dù số trâu, bò bị chết ít hơn so với ông Báp nhưng gia đình ông Hoàng Văn Thường (thôn Phúc Thành 2) lại lâm vào hoàn cảnh bi đát hơn. “Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo, vào năm 2014 được hỗ trợ vay 30 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi. Sau đó, vợ chồng tôi vay thêm người thân 12 triệu đồng để mua một cặp trâu, vừa rồi lại mua thêm 1 con trâu nữa. Thế nhưng, cách đây chưa đầy 1 tuần, 2 con trâu của gia đình đang ăn trên bìa rừng bỗng lăn ra chết. Giờ không biết lấy tiền đâu để trả nợ” - ông Thường buồn bã.

Theo lãnh đạo xã Kỳ Thượng, chỉ tính riêng hai thôn Phúc Thành 2 và Phúc Lập hiện đã có 16 con trâu, bò bị chết. Được biết, xã Kỳ Thượng là địa phương có tổng đàn trâu, bò nhiều nhất huyện Kỳ Anh (2.200 con). Tuy nhiên, do tập quán chăn thả rông nên việc tiêm phòng, quản lý dịch bệnh ở đàn gia súc rất khó khăn.

Ông Lê Văn Trọng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh cho biết: Việc trâu, bò tại Kỳ Thượng chết hàng loạt là do bị dịch tụ huyết trùng cấp. Hiện phòng đang chỉ đạo các địa phương rà soát và tiêm phòng cho đàn gia súc trên địa bàn và cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn Kỳ Thượng để có hướng xử lý, hạn chế thiệt hại cho người dân.

Việc tiêm phòng muộn có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trâu bò bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt.

Việc tiêm phòng muộn có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trâu bò bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt.

Được biết, trong đợt tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng và lở mồm long móng cho trâu, bò năm 2015, xã Kỳ Thượng có tỷ lệ tiêm phòng thấp nhất huyện. Riêng đợt tiêm phòng đầu năm 2016, tỷ lệ tiêm cả 2 bệnh này ở Kỳ Thượng chỉ đạt khoảng 33%.

Cũng theo phản ánh của các hộ dân, hiện nay, dịch tụ huyết trùng cấp ở trâu, bò vẫn chưa được khống chế. Hàng chục hộ nghèo, cận nghèo ở đây vẫn đang phải gánh chịu những thiệt hại do hiện tượng trâu, bò chết hàng loạt.

Từ thực tế trên, các cấp chính quyền ở Kỳ Anh cần sớm có giải pháp khống chế dịch bệnh; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch đối với đàn gia súc, gia cầm, đồng thời, có phương án hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn.

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast