“Đánh đu” cùng tử thần... khi qua cầu sắt, cầu treo!

(Baohatinh.vn) - Nhiều người nói, khi lưu thông qua cầu sắt Thọ Tường và các cây cầu treo: Nầm, chợ Bộng, Hương Giang, Hà Linh... là đang “đánh đu” với tử thần. Theo thống kê của các ngành chức năng, hiện trên địa bàn Hà Tĩnh có hàng trăm cây cầu bị hư hỏng nặng, thậm chí sập bất cứ lúc nào đang khiến hàng ngàn người dân ngày đêm lo thon thót!

danh du cung tu than khi qua cau sat cau treo

Cầu treo chợ Bộng, Vũ Quang đã xuống cấp nghiêm trọng

Cầu treo Nầm được xây dựng từ thập niên 80 của thế kỷ trước, hệ thống cáp treo lại được tận dụng từ cầu treo Chợ Bộng (Vũ Quang). Cầu treo Nầm nối 2 bờ sông Ngàn Phố, mỗi ngày có hàng ngàn người và phương tiện, chủ yếu là người dân các xã trong khu vực qua lại làm ăn, sinh sống.

Sau nhiều năm khai thác, sử dụng, cầu treo Nầm (Hương Sơn) gần như đã hết “đát” và có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào. Hằng ngày, vì mưu sinh, hàng ngàn lượt người cùng phương tiện lưu thông qua cây cầu treo này đang “đánh đu” mạng sống của mình với tử thần mà không còn sự chọn lựa nào khác.

Từ “lời kêu khẩn thiết” của người dân, chúng tôi có mặt tại cầu treo Nầm cùng ông Lê Doãn Thức - Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng giao thông Hà Tĩnh. Người dân sống hai đầu cầu kéo ra bày tỏ sự bức xúc, bất an và chỉ dẫn cụ thể những điểm hoen gỉ.

Dù là người “ngoại đạo”, không có chuyên môn về cầu đường nhưng dõi theo hướng chỉ tay của ông Vinh (một người dân sống nhiều năm ở đây), tôi cũng cảm nhận được nguy cơ mất an toàn của cây cầu treo này: Thành cầu xiêu vẹo; mặt cầu bằng bê tông nhiều nơi gãy vỡ, tách khỏi nhau tạo thành khe rãnh rộng 5-7 cm, có thể lọt bàn chân người hoặc bánh xe máy, xe đạp... Một người dân địa phương co chân đứng nhún bập bênh trên những tấm bản mặt cầu kêu sầm sập. Hết nhún, ông lại đút chân xuống những lỗ hổng trên mặt cầu, trông ớn lạnh. Chốc chốc, phương tiện chạy qua khiến thân cầu chao võng...

Theo chân ông Thức xuống gầm cầu mới thấy người dân, các nhà chuyên môn lo “sập bất cứ lúc nào” đối với cầu treo Nầm là không hề quá. Trước câu hỏi về hiện trạng của cây cầu, ông Thức liệt kê: Một số dầm dọc, dầm ngang, hệ giằng gió bị han gỉ nặng phá vỡ các mối liên kết; một số bản mặt cầu bằng bê tông bị vỡ, gây mất an toàn giao thông; quang treo cáp bị han gỉ nặng; nhiều mối hàn bị bong bật; hệ thống lan can, đặc biệt là từ cầu dẫn đến nhịp số 8 hoen gỉ nghiêm trọng; dầm dọc số 3, từ hạ lưu (phía Sơn Ninh) đã dịch chuyển về hạ lưu khoảng 30 cm... “Nói chung, cầu có nguy cơ mất an toàn rất cao, cần gác trực cẩn thận...”, giọng ông Thức đã trở nên nghiêm trọng.

Trước thực trạng trên, Sở GTVT tỉnh chỉ đạo thực hiện trực 24/24h, thông báo giảm tải trọng từ 10 tấn xuống 5 tấn và tổ chức nhiều đợt đi thực tế khảo sát, đánh giá thực trạng cầu. Kế hoạch xây dựng cầu mới nhằm đảm bảo an toàn, tiện lợi cho việc đi lại của người dân nhưng đến nay vẫn dừng lại trên bàn giấy vì chưa có nguồn.

danh du cung tu than khi qua cau sat cau treo

Bản mặt cầu treo Nầm nứt gãy, tạo lỗ lớn gây mất ATGT

Không chỉ cầu treo Nầm, những cây cầu treo khác, như: Chợ Bộng (Vũ Quang), Hương Giang, Hà Linh (Hương Khê) được xây dựng và đưa vào sử dụng từ thập niên 80-90, nối liền các tuyến giao thông huyết mạch, nối các vùng miền, cộng đồng dân cư đông đúc của các địa phương vùng miền núi, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh cũng đều có chung hiện trạng xuống cấp nghiêm trọng: một số gióng treo và bu lông quang treo bị gỉ sắt ăn gần đứt; nhiều bu lông cùm bản Robinson bị gỉ sắt ăn đứt gãy; một số giằng gió bị nhả mối hàn; dầm dọc, dầm ngang bị hoen gỉ, cáp treo bị cọ xát vào thành mố néo, bị võng giữa cầu…

Theo đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hương Khê, trước nguy cơ mất an toàn cao, cơ quan chức năm đã đã cấm ô tô qua cầu treo Hà Linh. Tuy nhiên, do “bí” đường hay liều lĩnh, nhiều chủ phương tiện ô tô, công nông... vẫn “nhắm mắt đưa chân”, lén lút qua cầu!.

Cầu Thọ Tường luôn có mật độ người và phương tiện qua lại đông đúc. Thế nhưng, ít ai biết cây cầu sắt này cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Qua 17 năm “gánh” hàng triệu triệu lượt người và phương tiện, cây cầu sắt nối 2 bờ sông La hiện đã xuống cấp, cần được thay thế. “Ngần ấy năm chưa được đại tu, giờ đây, dầm, giàn của cây cầu sắt này đã han gỉ nặng. Nguy hiểm hơn, nhiều mối nối đã bị ăn mòn theo thời gian nên... có thể gãy bất cứ lúc nào. Đoạn đường ở 2 đầu cầu cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao”, một cán bộ Sở GTVT tỉnh lo lắng.

Nguy hiểm là thế nên công tác trực cầu, canh cầu được tổ chức rất chặt chẽ, nghiêm túc 24/24h trong tất cả các ngày. Nhưng qua tìm hiểu, 9 tháng đầu năm 2017, đơn vị quản lý các cây cầu này vẫn chưa được bố trí một đồng kinh phí nào (năm 2016, kinh phí trực 4 cây cầu trên gần 1,7 tỷ đồng), dù trước mắt đây là giải pháp tốt nhất để đảm bảo giao thông, tính mạng và tài sản của người dân khi lưu thông qua các cây cầu này.

Chủ đề Khai thác tài nguyên trái phép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast