Đẩy mạnh chuyển đổi ruộng đất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Chiều 9/10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì buổi làm việc nghe dự thảo báo cáo Tổng kết công tác chuyển đổi ruộng đất (CĐRĐ) nông nghiệp theo Nghị quyết số 01- NQ/TU ngày 12/6/2001 và Chỉ thị số 40- CT/TU ngày 26/3/2009 của Tỉnh ủy. Cùng dự có một số sở, ngành và địa phương liên quan.

Từ năm 2001 đến nay, sản xuất nông nghiệp chuyển dịch mạnh cơ cấu giống với việc đầu tư tập đoàn giống chủ lực năng suất, chất lượng; xuất hiện hàng trăm mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: mô hình sản xuất lúa- cá- vịt theo hướng trang trại, gia trại; sản xuất rau, hoa ở một số địa phương tại Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên; sản xuất giống lúa VTNA2 theo hình thức cánh đồng mẫu tại Cẩm Bình (Cẩm Xuyên); nuôi tôm trên cát; nuôi tôm lót ao bạt…

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 01 và Chỉ thị 40 của Tỉnh ủy, công tác CĐRĐ gắn với quy hoạch cải tạo đồng ruộng đạt được nhiều kết quả khá, làm thay đổi diện mạo của nông nghiệp, nông thôn. Số phường, xã tổ chức thực hiện tăng từ 148/240 xã (đạt gần 62% KH) trong giai đoạn I lên 179/220 xã (đạt 82%) trong giai đoạn II. Bình quân bình quân số thửa/hộ giảm từ 11,56 thửa/hộ xuống còn 3,45 thửa/hộ, giảm 8,11 thửa/hộ; diện tích thửa tăng 183% với thửa có diện tích lớn nhất đạt 1000 m2. Một số địa phương thực hiện tốt như: Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên.

Sau CĐRĐ, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm, nhất là hệ thống GTTL nội đồng; kiên cố hóa kênh mương. Bên cạnh đó, CĐRĐ tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu lao động. Các chính sách phát triển nông nghiệp được thực hiện một cách đồng bộ, khuyến khích đến từng sản phẩm hàng hóa chủ lực. Riêng kết quả đo đạc bản đồ địa chính gắn với cấp đổi Giấy chứng nhân QSD đất chưa được các địa phương quan tâm.

Đóng góp vào bản dự thảo báo cáo tổng kết, các đại biểu chú trọng vào các giải pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền; gắn quy hoạch CĐRĐ, tích tụ ruộng đất với lộ trình xây dựng nông thôn mới; có chính sách cho tích tụ ruộng đất và nên thực hiện thí điểm…

Sau khi nghe ý kiến đóng góp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn ghi nhận những ý kiến đóng góp của các ngành, địa phương nhằm hoàn chính bản báo cáo một cách đầy đủ, có chiều sâu và sát với thực tế. Yêu cầu các sở, ngành góp ý trực tiếp bằng văn bản và gửi về BCĐ Tổng kết CĐRĐ, đồng thời Sở Tài nguyên môi trường hoàn chỉnh báo cáo gửi về UBND tỉnh. Phó chủ tịch UBND lưu ý, nội dung của báo cáo tổng kết cần mang tính khái quát, trọng tâm và nêu bật được sự chuyển biến sau CĐRĐ. Về mục tiêu, giải pháp cần chú trọng nhóm tích tụ ruộng đất và đo vẽ bản đồ địa chính.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast