Đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với bình ổn thị trường cuối năm

Không đầy một tháng nữa, năm 2012 đầy khó khăn và có nhiều biến động sẽ trôi qua, và khoảng hơn 2 tháng nữa thì chúng ta đón Tết nguyên đán Quý Tị. Đây là khoảng thời gian quan trọng cho việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm trên các lĩnh vực cũng như chuẩn bị các điều kiện thiết yếu cho kỳ nghỉ Tết dài nhất từ trước đến nay (9 ngày). Với cách đặt vấn đề đó, có hai mảng nội dung cần tập trung từ lúc này là đẩy mạnh phát triển sản xuất và bình ổn thị trường cuối năm.

Vấn đề kỳ này:

Tham gia bình ổn thị trường, các tổ chức sản xuất - kinh doanh không chỉ được lợi nhờ sự hỗ trợ lãi suất vay vốn mà còn có thêm cơ hội để quản bá thương hiệu, sản phẩm
Tham gia bình ổn thị trường, các tổ chức sản xuất - kinh doanh không chỉ được lợi nhờ sự hỗ trợ lãi suất vay vốn mà còn có thêm cơ hội để quản bá thương hiệu, sản phẩm

Trước hết, về phát triển sản xuất, nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là chỉ đạo triển khai quyết liệt các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất vụ Xuân đảm bảo thắng lợi toàn diện; quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây trồng - vật nuôi - thủy sản, vật tư phân bón, thuộc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, đồng thời kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, chế biến, bảo quản.

Song song với phát triển sản xuất, khoảng thời gian này cũng cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình XDCB trên địa bàn, hoàn thành dứt điểm từng hạng mục công trình và công trình, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả vốn đầu tư; đồng thời rà soát các công trình đã ghi vốn nhưng triển khai chậm tiến độ, kiên quyết chuyển nguồn cho các công trình hoàn thành hoặc các công trình có khối lượng đảm bảo tiến độ.

Dĩ nhiên, muốn duy trì tốt các hoạt động trên không thể không kể đến việc thực hiện công tác tài chính - ngân sách; theo đó, cùng với đẩy mạnh các biện pháp tăng thu ngân sách, xử lý nợ đọng, ngành chức năng cần thực hiện tốt các chính sách miễn - giảm - giãn thuế theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ chuyên ngành để doanh nghiệp và người dân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế cũng như thụ hưởng các chính sách từ thuế mang lại.

Cuối năm luôn là thời điểm thị trường có nhiều biến động, tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng nên vấn đề đảm bảo nguồn hàng lẫn bình ổn giá cả trở nên cấp thiết. Nếu như trong sản xuất 2 nguồn hàng chính cần bình ổn (giống và phân bón) có phạm vi hẹp hơn thì ngược lại, nhóm hàng tiêu dùng lại khá phức tạp bởi sự phong phú của nó như: gạo các loại (gạo tẻ, gạo chất lượng cao), thực phẩm tươi sống (thịt lợn, thịt bò), thực phẩm công nghệ (mì chính, hạt nêm, bột canh, dầu ăn), thực phẩm chế biến (từ thịt các loại), rau củ quả, đường ăn…

Trên cơ sở phân tích, dự báo thị trường, UBND tỉnh đã thống nhất nhu cầu bình ổn 9 loại mặt hàng với doanh số dự trữ phục vụ bình ổn giá trên 90 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ (15%/năm) gần 3 tỷ đồng. Phương thức hỗ trợ áp dụng cho lãi suất vay vốn dự trữ hàng hóa theo danh mục đã duyệt và kinh phí vận chuyển, thuê kho, thuê gian hàng tại thời điểm đăng ký bán hàng bình ổn thị trường giá cả trong thời gian cuối năm 2012 và Tết nguyên đán Quý Tị 2013 (nhóm hàng tiêu dùng hỗ trợ 3 tháng, nhóm hàng phục vụ sản xuất hỗ trợ 2 tháng). Mức hỗ trợ tính bằng lãi suất phát sinh vay vốn ngân hàng để dự trữ hàng hóa bình ổn theo từng thời điểm hỗ trợ và định mức hợp lý về thuê kho, thuê gian hàng.

Như vậy, tham gia bình ổn thị trường, các tổ chức sản xuất - kinh doanh không chỉ được lợi kép nhờ sự hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng và hỗ trợ kinh phí vận chuyển, thuê kho, thuê địa điểm bán hàng mà còn có thêm cơ hội để quản bá thương hiệu, sản phẩm của mình đến đông đảo người dùng khi thị hiếu "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" ngày càng tăng. Đây còn là dịp để các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trước Đảng, trước Nhà nước và toàn thể nhân dân.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất giúp bình ổn thị trường, ngược lại bình ổn thị trường sẽ tạo điều kiện cho phát triển sản xuất. Đây là mối quan hệ biện chứng vốn tồn tại cố hữu nhưng đòi hỏi phải được chú trọng hơn vào những thời điểm thị trường nhạy cảm của dịp cuối năm.

Để thực hiện tốt các mục tiêu đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các Sở chuyên ngành như: NN&PTNT, Công thương, Tài chính cùng sự hỗ trợ đắc lực của các địa phương trong việc chỉ đạo các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các điểm bán hàng và tiếp cận kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast