Đề xuất thứ tự ưu tiên bố trí vốn NSNN 2016-2020

Tại dự thảo Quyết định ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất thứ tự ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực, chương trình của các bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ưu tiên đầu tiên bố trí vốn hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Các bộ, ngành và địa phương căn cứ các quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, lựa chọn dự án và dự kiến sơ bộ số vốn hỗ trợ của nhà nước, cân đối trong tổng vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực, chương trình và vốn cân đối ngân sách địa phương.

Ưu tiên thứ hai là bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, bao gồm các dự án chuyển tiếp và dự án sẽ thực hiện trong 5 năm tới. Riêng đối với danh mục các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016-2020 sử dụng nguồn vốn này phải được kiểm soát chặt chẽ về sự cần thiết, chỉ thực hiện các dự án thực sự hiệu quả và xác định được khả năng trả nợ.

Ưu tiên thứ ba là thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn vốn đã ứng trước.

Ưu tiên thứ tư là bố trí vốn cho những công trình hoàn thành trước ngày 31/12/2015, nhưng còn thiếu vốn, các công trình chuyển tiếp của giai đoạn 2011-2015 chuyển sang giai đoạn 2016-2020.

Cuối cùng, số vốn còn lại mới bố trí cho các dự án khởi công mới.

Nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước phải đảm bảo các nguyên tắc như: Trong việc xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước phải quán triệt và thực hiện đúng các quy định của Luật Đầu tư công. Việc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phải hướng vào thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 của quốc gia, của các ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt. Phù hợp với khả năng cân đối đầu tư nguồn ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác của cả nước, cũng như của từng ngành, lĩnh vực và địa phương; bảo đảm các cân đối vĩ mô, ưu tiên an toàn nợ công.

Bên cạnh đó, bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Chỉ bố trí vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật khác có liên quan; đã được thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn của các cấp có thẩm quyền. Bảo đảm tính công khai, minh bạch và công bằng trong việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, góp phần cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo dự thảo, trong tổng số vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, các bộ, ngành và địa phương dự kiến dự phòng theo ngành, lĩnh vực, chương trình khoảng 15% ở cấp trung ương và các cấp chính quyền địa phương, để xử lý: Các biến động do trượt giá quá mức dự phòng trong tổng mức đầu tư của dự án; bổ sung vốn đầu tư các dự án khẩn cấp theo quy định tại khoản 14, Điều 4 của Luật Đầu tư công; xử lý các vấn đề phát sinh theo quy định tại khoản 6, Điều 54 của Luật Đầu tư công trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn vào từng năm cụ thể…

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Tuệ Văn/VGP News

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast