Doanh nghiệp xây dựng cơ bản: Cuộc đào thải khốc liệt!

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh đang trở thành một “đại công trường”, thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) trên lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB). Tuy nhiên, cuộc đào thải khốc liệt của lạm phát kinh tế và thắt chặt đầu tư công đã loại những DN yếu khỏi “cuộc chơi”.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh - “lửa thử vàng” (bài cuối):

Bài 1: Sản xuất vật chất - bắt nhịp “cuộc chơi”

Bài 2:Thương mại, dịch vụ - cơ hội ở “đất vàng” Vũng Áng

Theo kết quả đánh giá của Cục Thuế tỉnh, trong số 844 DN tham gia XDCB trên toàn tỉnh, chỉ 514 DN có thuế, 330 DN (chiếm 39,1%) không có thuế phát sinh. Điều đó có nghĩa trong lĩnh vực XDCB có 330 DN ngừng hoạt động. Theo nhận định chủ quan của Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hà Tĩnh - Phạm Ngọc Thanh thì ngay cả số DN đang hoạt động cũng chỉ khoảng 1/2 thực sự hiệu quả.

Doanh nghiệp xây dựng cơ bản: Cuộc đào thải khốc liệt! ảnh 1
Các đơn vị thi công hệ thống kênh dẫn đập dâng Lạc Tiến thuộc dự án cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng.

Đầu năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 về thắt chặt đầu tư công, mở đầu một giai đoạn đầy gian nan của các DN hoạt động trên lĩnh vực XDCB. Sau hơn 3 năm siết chặt nguồn đầu tư công, những DN XDCB nhỏ dần bộc lộ yếu kém: làm ăn tự phát, manh mún, thiếu chiến lược dài hạn, thiếu vốn, năng lực quản trị thấp, điều hành theo kiểu gia đình... Thêm vào đó là tình trạng chủ đầu tư nợ nhà thầu, DN này nợ DN khác diễn ra hết sức phổ biến và kéo dài, trong khi đó, DN phải còng lưng trả lãi ngân hàng, nợ thuế và thực hiện nghĩa vụ với người lao động. Những DN nhỏ, đặc biệt là DN phụ thuộc lớn vào vốn vay dần đuối sức với những món nợ khổng lồ.

So với thực trạng chung của cả nước, Hà Tĩnh vẫn còn “đất diễn” từ những công trình, dự án trọng điểm đang triển khai sôi động trên địa bàn. Tuy nhiên, chỉ những DN đủ tầm, đủ lực, nhạy bén trước thời cuộc mới có thể tìm được chỗ đứng. Trong số 11 DN thi công hệ thống kênh chính thuộc dự án hệ thống công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Hà Tĩnh chỉ có 2 công ty là: TNHH Mai Thành Huy và TNHH Thành Vinh tham gia, số còn lại là những “ông lớn” đến từ các tỉnh, thành khác.

Ở một “sân chơi” sôi động khác là Khu kinh tế Vũng Áng với tâm điểm là dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu FORMOSA, một số DN tỉnh nhà đã năng động tìm cơ hội mới. Tiêu biểu như Công ty CP Phát triển thương mại Hà Tĩnh (Haindeco) đã chớp thời cơ, triển khai chiến lược đầu tư SXKD đúng hướng; nâng cao năng lực cạnh tranh để tiếp cận các gói thầu thi công đường giao thông theo đúng quy chuẩn nhà đầu tư nước ngoài. “Riêng năm 2014, nhờ triển khai nhiều công trình tại FORMOSA nên doanh thu của công ty ước đạt 314 tỷ đồng” - Giám đốc Haindeco Lê Đức Thắng cho biết. Tại Khu kinh tế Vũng Áng, rất nhiều nhà thầu phụ tham gia thi công, song, không phải DN nào cũng được lựa chọn. Giám đốc Công ty TNHH Hoành Sơn - Mai Quốc Tế cho rằng: “Tiến độ, chất lượng công trình là ưu tiên số 1, vì vậy, chỉ có DN đủ năng lực, trình độ mới đáp ứng yêu cầu. DN tạo được uy tín, việc làm sẽ không thiếu, nhưng nếu vi phạm cam kết sẽ phải gánh chịu hậu quả. Muốn vậy, DN XDCB phải đổi mới cách quản lý, thi công, thậm chí, giám đốc phải “lăn” cùng công nhân trên công trường mới mong có được thành quả.”

Đối với những DN XDCB lớn với bộ máy hoạt động bài bản, người đứng đầu có năng lực và tâm huyết; chủ động về nguồn vốn… trong điều kiện thị trường càng khắt khe, DN đó càng trở nên “đắt giá”. Một ví dụ: Công ty CP Tư vấn ĐT&XD Miền Trung với gần 15 năm hoạt động trên lĩnh vực xây dựng, nơi tập trung những cựu chiến binh có bản lĩnh, trí tuệ, 3 năm qua, mỗi năm, công ty thi công hàng chục công trình trị giá hơn 200 tỷ đồng. Riêng năm 2014, giá trị nhận thầu của đơn vị đạt 250 tỷ đồng, doanh thu dự kiến 150 tỷ đồng. Theo Giám đốc Công ty Lê Văn Đàm thì “bí quyết” để công ty phát triển trong giai đoạn khó khăn là tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng phải đảm bảo chất lượng để tạo niềm tin với chủ đầu tư và sớm được giải ngân nguồn vốn; tăng cường hợp tác với các đối tác để tranh thủ nguồn lực, thế mạnh; giữ vững kỷ luật, đồng thời có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để phát huy năng lực, sở trường của từng lao động, đặc biệt lao động có tay nghề cao...”.

Khó khăn, thách thức những năm gần đây đã loại khỏi “cuộc chơi” hàng trăm DN XDCB, nhưng bên cạnh đó, những DN mới ra đời đã tìm được lối đi. Đó là quy luật tất yếu của phát triển kinh tế thị trường. Theo nhận định của những DN có kinh nghiệm, hoạt động XDCB sẽ “ấm” dần lên cùng với tín hiệu khả quan của nền kinh tế. Những DN đang tồn tại sẽ có cơ hội phát triển nếu biết nâng cao năng lực hoạt động ngang tầm với yêu cầu ngày càng cao của sự hội nhập sâu kinh tế thế giới và khu vực.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast