Đổi thay trên những cung đường lịch sử

(Baohatinh.vn) - Những ngày tháng 4, chúng tôi tìm về các địa danh trên con đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Đường 15A, 21, 22 - các cung đường từng gồng mình gánh chịu những trận mưa bom, bão đạn của máy bay giặc, giờ đang vươn mình trong nắng mới với những cánh rừng xanh, đồi cây ăn quả bạt ngàn, giàu sức sống.

Một thời đạn bom

Tại địa phận Hà Tĩnh, các cung đường 15A, 21 và 22 đều là huyết mạch giao thông trong hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại. Năm 1959, đường 15A, hay còn gọi là đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn được khai thông cùng với đường 21, 22 làm nên một mạng lưới giao thông chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam và trở thành tuyến lửa mang đầy chứng tích hào hùng mà bi tráng. Trên cung đường 15A ngày ấy, cùng với Ngã ba Đồng Lộc, Hương Đô đã trở thành điểm bắn phá ác liệt của giặc Mỹ trong giai đoạn 1967-1972.

Đổi thay trên những cung đường lịch sử ảnh 1

Đập dâng Lạc Tiến - một trong những hạng mục của dự án thủy lợi Rào Trổ mở ra bức tranh mới cho các xã vùng thượng.

Tháng 6/1966, cơ quan Tiền phương Tổng cục Hậu cần được thành lập để tăng cường chỉ đạo tuyến nam Khu IV và làm chân hàng cho tuyến 559. Thời gian đó, Hương Đô (Hương Khê) trở thành hậu cứ quan trọng của Bộ Tư lệnh Trường Sơn để thực hiện nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Cùng với quân dân cả nước hoàn thành sứ mệnh lịch sử thống nhất non sông, nhân dân Hương Đô đã không tiếc máu xương, che chở, đùm bọc các lực lượng của Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Bà Mai Thị Hiên - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hương Đô xúc động: “Khi bộ đội về đóng quân, để đảm bảo bí mật, an toàn lực lượng, các tầng lớp nhân dân Hương Đô đều thực hiện phương châm 3 không: “không biết, không lấy, không làm”. Hơn 70% nhà cửa, nương vườn đều dành cho bộ đội, việc ra vào làng được kiểm tra nghiêm ngặt. Giai đoạn từ 1968 đến đầu 1970, địch đánh phá ác liệt, rất nhiều người hy sinh. Dù vậy, quân và dân Hương Đô không hề nao núng, vẫn vững tay cày, tay súng, giữ vững trận địa, bảo vệ mạch máu giao thông, bảo đảm an toàn hậu cứ”.

Đầu những năm 1970, khi giặc Mỹ điên cuồng đánh phá ác liệt trên tuyến QL 1A và 15A , việc vận chuyển lương thực, đạn dược chi viện cho tiền tuyến miền Nam gặp nhiều khó khăn. Nhằm góp phần chia lửa cho QL 1A và 15A, khơi thông mạch máu giao thông Bắc - Nam, Ty Giao thông vận tải Hà Tĩnh đã chỉ đạo các lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến các huyện mở tuyến đường chiến lược 21 và 22. Đường khởi phát từ ngã ba Thình Thình, chạy qua hồ Kẻ Gỗ vào Kỳ Thượng, qua Kỳ Lạc (Kỳ Anh) đến Quảng Bình. Trong đó, Ngã ba Thình Thình (nay thuộc xã Thạch Điền, Thạch Hà) là nơi giao nhau của 2 con đường chiến lược.

Những năm tháng ấy, với khẩu hiệu “Tất cả vì tiền tuyến lớn miền Nam”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, các tầng lớp nhân dân đã nêu cao tinh thần tự giác, hiến đất, hiến nhà cùng các lực lượng TNXP, dân công hỏa tuyến của các huyện trong tỉnh và tỉnh bạn, các đơn vị khác dồn sức người, sức của mở 2 con đường huyết mạch, giúp bộ đội vận chuyển thành công hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Không ít TNXP, dân công hỏa tuyến ngã xuống, hòa mình vào lòng đất mẹ cho những chuyến xe qua. Chiến công của các tầng lớp nhân dân trên cung đường 15A, 21, 22 huyền thoại đã góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, thu non sông về một mối.

Sức sống mới trên những cung đường

Chiến tranh đã lùi xa, những dấu tích của một thời lửa đạn đã được phủ lấp, xóa nhòa bằng những đồi chè, đồi cây ăn quả, những cánh rừng thông, tràm bạt ngàn, xanh ngút, vươn mình trong nắng. Đồng Lộc, Thạch Điền, Cẩm Mỹ, Kỳ Lạc, Kỳ Thượng,... những địa danh trên các cung đường máu lửa đang từng ngày thay da, đổi thịt.

Đổi thay trên những cung đường lịch sử ảnh 2

Khu căn cứ hậu phương Bộ Tư lệnh Trường Sơn đặt tại xã Hương Đô, nay trở thành di tích quốc gia đặc biệt, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bí thư Đảng ủy xã Hương Đô - Nguyễn Hồng Sơn phấn khởi: Phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân Hương Đô đoàn kết, vượt khó, xây dựng quê hương giàu mạnh. Với lợi thế về đất đai, những năm qua, Hương Đô đã tập trung phát triển các mô hình trang trại, trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, đến nay, xã đã có hơn 120 ha bưởi Phúc Trạch, 170 ha cam và hàng chục ha dó trầm, keo tràm, hàng năm, mang lại giá trị gần 20 tỷ đồng. Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới làm cho bộ mặt làng quê đổi thay từng ngày. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân Hương Đô được nâng lên rõ rệt.

Dọc theo những con đường huyết mạch, chúng tôi tiếp tục hành trình đến các xã vùng thượng Kỳ Anh. Những vùng đồi trọc cằn khô xưa, giờ đã mướt xanh chè, keo tràm, cao su và các loại cây ăn quả, cùng với những ngôi nhà cao tầng, mái ngói đỏ tươi là minh chứng cho sự đổi thay kỳ diệu trên mảnh đất một thời bom cày, đạn xới.

Giờ đây, nhắc đến Kỳ Trung, người ta nghĩ ngay đến những đồi chè xanh mướt cho hiệu quả kinh tế cao. Với Kỳ Hợp là các mô hình chăn nuôi bò lai sind, lợn hướng nạc. Các xã: Kỳ Lạc, Kỳ Thượng, Kỳ Tây, Kỳ Lâm, Kỳ Sơn… chú trọng xây dựng nhiều mô hình trồng rừng nguyên liệu và cây công nghiệp ngắn ngày; đồng thời, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Cả vùng thượng có hàng trăm khu vườn, trang trại cho thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Đào Xuân Sáu (thôn Minh Châu, xã Kỳ Hợp) - một trong những hộ dân xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản kết hợp trồng cỏ và nuôi dê cho biết: “Vài năm trở lại đây, không chỉ gia đình tôi, mà nhiều hộ dân khác trong xã đã mạnh dạn vay vốn xây dựng chuồng trại, cải tạo vườn đồi, phát triển kinh tế. Cùng với sự hỗ trợ tích cực về giống, KHKT của các cấp, bước đầu, các mô hình đã mang lại thành công, đời sống bà con được nâng lên rõ rệt”.

Đổi thay trên những cung đường lịch sử ảnh 3

Những đồi chè xanh mướt ở Kỳ Trung (Kỳ Anh) mang lại hiệu quả kinh tế cao

Đặc biệt, dự án hệ thống thủy lợi Rào Trổ với dung tích 162,4 triệu m3, ngoài nhiệm vụ cấp nước cho KKT Vũng Áng, sau cống lấy nước dưới đập hồ chứa thượng nguồn sông Trí và cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Kỳ Anh, cảng Vũng Áng, sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ cấp nước tưới ổn định cho 1.335 ha đất canh tác và 300 ha nuôi trồng thủy sản của các xã: Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Kỳ Lâm và các xã hạ du Kỳ Anh; mở ra nhiều cơ hội cho các xã vùng thượng. Hơn nữa, cả khu vực Rào Trổ rộng hàng ngàn ha sẽ trở thành khu du lịch sinh thái lý tưởng, tạo động lực cho các xã vùng thượng phát triển kinh tế.

Cuộc sống đã hồi sinh ngay trên “điểm lửa” năm xưa. Thời gian có thể làm người ta quên đi các con đường, lối đi trong cuộc đời nhưng khó có ai quên được những cung đường 15A, 21, 22 in đậm dấu chân lịch sử. Con đường ngày ấy, hôm nay và mai sau vẫn rộng mở, tràn sức sống…

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast