Dự án nâng cấp quốc lộ 15A: “Đầu đã xuôi nhưng đuôi… khó lọt”

Sau một thời gian dẫm chân tại chỗ, Dự án nâng cấp quốc lộ 15A từ TP Hà Tĩnh nối đường Hồ Chí Minh đã tái khởi động bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Có vốn và mặt bằng sạch, tưởng rằng thế bế tắc được khơi thông, mọi việc cứ thế thẳng tiến. Nhưng không, đến nay mới chỉ có khoảng hơn 2/3 khối lượng được các nhà thầu hoàn thành. Bởi vậy, thời gian hoàn thành dự án vào tháng 6/2013 theo cam kết giữa chủ đầu tư và Bộ GTVT hiện vẫn đang là dấu chấm lửng.

Tận dụng tối đa cơ hội “vàng”…

Đầu năm 2012, dự án nâng cấp quốc lộ 15A được Chính phủ bố trí nguồn vốn 140 tỷ đồng. Thêm 86 tỷ đồng nhận được vào tháng 10 vừa qua, cơn “khát” vốn của chủ đầu tư là Sở GTVT Hà Tĩnh phần nào được… giải nhiệt. Sở GTVT lập tức yêu cầu các nhà thầu tập trung tối đa nhân lực, phương tiện máy móc để triển khai thi công một cách ồ ạt trên toàn tuyến nhằm tận dụng triệt để các lợi thế có vốn, có mặt bằng sạch.

Công trường vắng bóng công nhân và thiết bị, xe máy
Công trường vắng bóng công nhân và thiết bị, xe máy

Đặc biệt, thời tiết trong năm 2012 là điều kiện lý tưởng để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Một số nhà thầu đã tận dụng triệt để cơ hội “vàng” để cán đích trước thời gian như: Công ty CPXD Miền Trung Hà Tĩnh, Công ty CPXD 666 Hà Tĩnh, Cty XD 185 Bộ Quốc phòng. Những DN này làm hài lòng chủ đầu tư bằng chất lượng và tiến độ thi công như đã cam kết theo hợp đồng. Ở thời điểm hiện tại các DN đã hoàn thành đến thảm 1 lớp bê tông nhựa (hạt trung), trong đó có nhiều đoạn đã thảm bê tông nhựa lớp 2 (hạt mịn).

… Hờ hững của nhà thầu và điều “khó xử” của chủ đầu tư

Trong khi một số gói thầu đã về đích trước thời gian quy định và chờ bàn giao công trình cho chủ đầu tư thì còn một số gói thầu vẫn đang ì ạch thi công.

Nhiều đoạn thuộc gói thầu số 14, đơn vị thi công chưa đào đắp được khối đất nào
Nhiều đoạn thuộc gói thầu số 14, đơn vị thi công chưa đào đắp được khối đất nào

Đặc biệt là gói thầu số 14, từ km 408+00- km413+756 có chiều dài 5,7km (từ Hà Linh đến Phúc Đồng nối đường Hồ Chí Minh) do công ty CPXD 126 Hà Nội trúng thầu với tổng kinh phí lên đến 64 tỷ đồng. Đến nay, gói thầu này chỉ mới đạt khoảng 25% khối lượng công việc, thậm chí có nhiều đoạn nhà thầu chưa hề đả động đến phần nền đường. Nói một cách công bằng thì trong suốt 3 năm từ 2009 - 2011, công ty không thể bắt tay vào thi công được vì do thiếu vốn và vướng mặt bằng. Nhưng điều khó hiểu là từ đầu năm đến nay mọi việc đã “thuận buồm xuôi gió” nhưng việc triển khai vẫn ì ạch.

Trên tuyến đường dài 5,7 km hàng ngày chỉ lèo tèo vài chiếc máy xúc, máy ủi và vài ba chiếc ô tô thi công. Quá sốt ruột vì tiến độ “rùa” từ tháng 3 - 2012, chủ đầu tư đã tổ chức họp với các đơn vị thi công hờ hững để đốc thúc tiến độ, trong đó có Công ty CPXD 126 Hà Nội. Đồng thời đề nghị nhà thầu cam kết với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công trong mùa khô. Mặc dù đã cam kết nhưng từ tháng 4 đến tháng 8- 2012 gói thầu số 14 vẫn dẫm chân tại chỗ.

Trước thực trạng đó, chủ đầu tư buộc lòng phải đưa ra các giải pháp xử lý mạnh tay, trong đó có việc chấm dứt hợp đồng nếu không đáp ứng được tiến độ như đã cam kết. Nhà thầu bấy giờ mới chạy đôn chạy đáo tăng cường thêm phương tiện máy móc và nhân lực vào để đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình. Trớ trêu là thời điểm này đã xuất hiện những cơn mưa nặng hạt nên công việc thi công bị gián đoạn.

“Do không đứng chân trên địa bàn nên chủ đầu tư cũng không nắm được cụ thể về năng lực của Công ty nên đã gặp không ít khó khăn trong công tác điều hành và chỉ đạo”, ông Trần Văn Tùng - Giám đốc Ban Điều hành Dự án xây dựng công trình giao thông (Sở GTVT Hà Tĩnh) thành thật chia sẻ.

Chậm tiến độ chỉ là chuyện nhỏ so với việc nhà thầu này không thể đảm đương nổi phần việc còn lại và hệ lụy là nhà thầu nào lại gánh vác phần việc…”đổ vỏ”. Theo nhận định của những người trong cuộc, trong số 5,7 km mà công ty 126 trúng thầu, chỉ có 3,7 km công ty có thể đảm nhận; phần còn lại sẽ vượt ngoài tầm với vì không đủ năng lực thi công. Hơn thế trong quá trình tham gia đấu thầu, công ty đã giảm giá xuống thấp để mong… trúng thầu (giá bỏ thầu ở thời điểm đó là 26.000 đồng/m3 đắp đất, còn hiện nay là 100.000 đồng/m3) vì vậy nếu chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng thi chẳng có công ty nào dám nhận vì không thể lấy “lỗ bù lãi”.

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, hiện chủ đầu tư đang đệ trình lời khẩn cầu lên Công ty CPXD 185 Bộ Quốc phòng đảm nhận thi công “giúp” 2 km đường còn lại của gói thầu 14. Tuy nhiên, câu trả lời vẫn là một ẩn số.

Bí thư huyện ủy huyện Hương Khê Hà Văn Hùng bức xúc nói rằng: “Khi huyện chưa bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư và nhà thầu cứ ì xèo kêu ca không mặn mà và vô trách nhiệm. Nhưng tháng 8 -2012, mặt bằng sạch đã được bàn giao xong mọi việc vẫn chẳng thấy tiến triển thêm một chút nào. Bao giờ thông đường, chúng tôi tôi chưa rõ chỉ biết là hiện tại nhiều hộ dân sống ven đường phải điêu đứng vì bụi và việc đi lại làm ăn của người dân gặp rất nhiều khó khăn”.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Giao thông & Vận tải Hà Tĩnh Trần Quang Tuấn lại phân trần: “Do không nắm được thông tin là có thêm 86 tỷ đồng được cấp trong năm nay nên chúng tôi mới chỉ cho triển khai thi công 20/33km và 13/16 cầu trên toàn tuyến nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách trong việc đi lại của người dân và các phương tiện tham gia giao thông. Bên cạnh đó, cũng không biết thời tiết năm nay khác mọi năm nên chúng tôi không dám cho triển khai một cách ồ ạt như năm ngoái. Vẫn còn thời gian nhưng cam kết của Sở với Bộ GTVT là hoàn thành tuyến đường vào tháng 6-2013, khó có thể thực hiện được”.

Lời kết

Khách quan mà nói thì cũng có những giai đoạn công trình bị ngưng trệ vì không được bố trí đủ nguồn vốn. Thêm vào đó là tại một số đoạn còn vướng mặt bằng nên việc triển khai thi công bị gián đoạn. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì Dự án QL15A cũng có những lợi thế mà không có dự án nào có thể sánh nổi. Đó là việc nhà thầu chỉ cần mang hồ sơ hoàn công,chủ đầu tư sẽ thanh toán sòng phẳng theo khối lượng. Tiếc rằng, điều đó đã không xảy ra. Chủ đầu tư cứ việc “ôm” vốn và ngồi đợi.

Bước vào mùa mưa nên việc thi công các gói thầu 13,14 gặp nhiều khó khăn
Bước vào mùa mưa nên việc thi công các gói thầu 13,14 gặp nhiều khó khăn

Còn nữa, chưa năm nào thời tiết lại diễn biến thất thường như năm nay. Nắng nóng kéo dài cho đến nay chính là điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng chẳng hiểu vì lý do gì nhà thầu lại thờ ơ.

Năng lực của nhà thầu như thế nào chắc hẳn nhiều người cũng đã biết như đã phân tích và đề cập ở trên. Vấn đề là trách nhiệm của chủ đầu tư như thế nào là điều đáng quan tâm?. Phải chăng đã có những bất cập và lổ hổng trong quá trình quản lý, từ tổ chức mời thầu đến xem xét năng lực và quá trình giám sát thực hiện của chủ đầu tư đối với những gói thầu chậm tiến độ. Đặc biệt là đối với gói thầu số 14 không chỉ dừng lại ở chỗ chậm tiến độ mà nếu nhà thầu “bỏ của chạy người”, đơn vị nào sẽ tiếp tục đảm nhận và bao giờ mới xong khi thời gian còn lại không còn nhiều. Nhiều người đặt vấn đề liệu ngành giao thông Hà Tĩnh có nhận được sự hỗ trợ từ Bộ GTVT nữa hay không khi mà một công trình trọng điểm đang đứng trước nguy cơ “đầu đã xuôi đuôi... khó lọt".

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast