Dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê (bài 5): Khi nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính!

(Baohatinh.vn) - Các chuyên gia của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cũng đồng quan điểm với tỉnh Hà Tĩnh rằng, năng lực của Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) - chủ đầu tư dự án chưa đáp ứng được điều kiện để khai thác, kể cả với giai đoạn I là bóc đất tầng phủ, bồi thường giải phóng mặt bằng. Không những yếu, thiếu năng lực tài chính, mà khả năng huy động vốn vay đáp ứng tiến độ triển khai dự án TIC cũng chưa xác định được.

dung khai thac mo sat thach khe bai 5 khi nha dau tu thieu nang luc tai chinh

Dự án hai thác mỏ sắt Thạch Khê do thiếu vốn dẫn đến hàng loạt hệ lụy như: chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, thiếu tiền xây dựng khu tái định cư... Trong ảnh: Sau gần 8 năm xây dựng, Khu TĐC Thạch Đỉnh vẫn chỉ là bãi đất hoang, không có người ở vì hạ tầng chưa đảm bảo, đặc biệt là thiếu nước sạch…

Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê được triển khai năm 2008 với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, do Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư. Tháng 9/2009, TIC chính thức khởi động dự án bằng việc thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ. Sau 2 năm kể từ ngày khởi công, đến tháng 7/2011, TIC thực hiện bóc đất tầng phủ đến độ sâu -28m, đạt 12,7 triệu m3.

dung khai thac mo sat thach khe bai 5 khi nha dau tu thieu nang luc tai chinh

Sau 2 năm kể từ ngày khởi công, đến tháng 7/2011, TIC thực hiện bóc đất tầng phủ đạt 12,7 triệu m3.

Ảnh: Trên khai trường bóc đất tầng phủ tháng 9/2010

Tuy nhiên, trong quá trình bóc đất tầng phủ, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê không chỉ xuất hiện những bất cập trong thiết kế kỹ thuật, công nghệ khai thác mà còn đối mặt với những khó khăn tài chính bởi một số cổ đông không góp vốn đúng cam kết.

Cụ thể, TIC được thành lập ban đầu với 9 cổ đông sáng lập, trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chiếm tỷ lệ góp vốn lớn nhất (30%). Các cổ đông còn lại hầu hết năng lực tài chính yếu, việc góp vốn điều lệ chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Đến tháng 11/2011, tổng số vốn các cổ đông đóng góp mới chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng, bằng 42,08% vốn điều lệ. Từ đó, dẫn đến hàng loạt hệ lụy như: chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật, thiếu tiền xây dựng khu tái định cư. Do đó, tháng 11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phải cho tạm dừng dự án, để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông.

dung khai thac mo sat thach khe bai 5 khi nha dau tu thieu nang luc tai chinh

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Anh Tuấn chia sẻ những băn khoăn, trăn trở của lãnh đạo, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh về dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê tại buổi làm việc giữa Bộ Công thương với tỉnh Hà Tĩnh (tháng 11/2017)

Sau 3 năm, mặc dù TIC đã điều chỉnh dự án và tái cơ cấu cổ đông theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu cổ đông chỉ là “bình mới, rượu cũ”, dự án vẫn bộc lộ nhiều khó khăn về tài chính từ các cổ đông.

Cụ thể, sau khi tái cơ cấu cổ đông và cơ cấu vốn, tổng giá trị vốn góp của các cổ đông là 1.809 tỷ đồng/2.033 tỷ đồng, còn thiếu 244 tỷ đồng. Trong 5 cổ đông của TIC (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco), Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty TNHH Tập đoàn BITEXCO, Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long) chỉ có TKV góp đủ vốn huy động 1.076 tỷ đồng, 3 cổ đông không thực hiện góp đủ vốn cam kết và 1 cổ đông còn thiếu 10 tỷ đồng.

Năm 2015, Mitraco đã có văn bản xin rút vốn khỏi dự án. Bản thân TKV cũng đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, mặc dù TKV và Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long khẳng định sẽ góp thay 3 cổ đông trên khi Dự án khởi động trở lại. Nhưng thực tế cho thấy, tiềm lực tài chính của các cổ đông đang là vấn đề lớn so với yêu cầu năng lực của chủ đầu tư.

Tại thông báo kết luận số 52/TB-VPCP, ngày 17/2/2012 của Văn phòng Chính phủ về triển khai thực hiện Dự án mỏ sắt Thạch Khê, đã khẳng định: Dự án mỏ sắt Thạch Khê và Dự án Nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu tấn/năm là một tổ hợp dự án, đòi hỏi công nghệ phức tạp, giải phóng mặt bằng lớn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều bất cập, chậm, kéo dài; một số đơn vị tham gia góp vốn chưa thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc góp vốn và thoái vốn tại Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê làm ảnh hưởng tiến độ của dự án; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng thiết yếu tại khu tái định cư không đồng bộ, gây khó khăn đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

"Theo quy định, về điều kiện cấp Giấy phép khai thác khoáng sản tại Điểm c, Khoản 2, Điều 53 Luật Khoáng sản 2010, tổ chức, cá nhân phải có đủ điều kiện “có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản”. Vì vậy, nếu TIC vẫn bảo lưu quan điểm triển khai dự án thì trước hết cần chứng minh năng lực tài chính của mình để đảm bảo tính khả thi của dự án" - Chủ tịch VUSTA Đặng Vũ Minh đề xuất.

Chủ đề Mỏ sắt Thạch Khê

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast