Gạch không nung và những thách thức

(Baohatinh.vn) - Sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) thay thế gạch nung truyền thống là xu thế tất yếu trong sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, mặc dù có những tính năng vượt trội nhưng “đầu ra” của VLXKN đang lâm vào thế bế tắc. Vấn đề đặt ra là làm thế nào khơi thông “dòng chảy” để lộ trình thực hiện không bị gián đoạn?

Ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 567/QĐ-TTg về “Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020”. Đây được coi là chủ trương lớn nhằm hiện thực hóa mục tiêu tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường… do các nhà máy sản xuất tuynel gây ra.

Gạch không nung đang đối mặt với khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Gạch không nung đang đối mặt với khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Năm 2013, Công ty CP Đầu tư xây dựng & Thương mại Hoàng Long (cụm công nghiệp Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) bằng việc đi trước chiếm lĩnh thị trường, mạnh dạn đầu tư 16 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất VLXKN. Song, thực tế lại không như mong đợi. “Từ chỗ 40 lao động ban đầu, nay chỉ còn 5 người. Lượng gạch tồn đọng ngày càng nhiều, tương đương 5 tỷ đồng khiến chúng tôi điêu đứng”, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng & Thương mại Hoàng Long - Trần Mạnh Cường thất vọng cho biết.

Mặc dù rất thận trọng trong đầu tư, song nhận thấy cơ hội rất lớn nên giữa năm 2015, Công ty CP Xây dựng Hợp Thành (Kỳ Phong - Kỳ Anh) mới cho xuất xưởng mẻ gạch đầu tiên, thế nhưng, theo Giám đốc Nguyễn Hữu Quý thì “đầu ra đến nay vẫn còn rất… nhỏ giọt”. Ngoài 2 đơn vị này, còn có thêm 2 nhà máy khác đã có sản phẩm xuất xưởng là Công ty Kinh doanh tổng hợp Loan Thắng (Thạch Liên - Thạch Hà) và Công ty CP Vật liệu xây dựng TX Hồng Lĩnh. Song chỉ có sản phẩm của Công ty Loan Thắng là tiếp cận được công trình trú sở UBND huyện Thạch Hà.

Vấn đề đặt ra là tại sao người tiêu dùng lại không mặn mà với loại VLXKN dù nguyên liệu sản xuất dồi dào. Đặc biệt, VLXKN còn giảm tải trọng công trình xây dựng, do đó, tiết kiệm được vật liệu móng và khung chịu lực, đẩy nhanh tiến độ thi công. Hơn nữa, giá thành chỉ bằng 65-75% gạch nung cùng loại.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hậu Thành cho rằng: “Việc đầu tư sản xuất VLXKN trên địa bàn tỉnh ta đang ở quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát, công nghệ, trang thiết bị không đồng bộ, tự động hóa thấp nên chất lượng sản phẩm chưa cao”.

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, sở dĩ các chủ đầu tư, nhà thầu và người tiêu dùng không mặn mà bởi thiếu thông tin về loại sản phẩm này. Trong khi đó, việc sử dụng vật liệu bằng đất sét nung truyền thống đã ăn sâu bám rễ vào suy nghĩ của họ. Đặc biệt, yếu tố gây trở ngại nhất là công tác thiết kế và thi công.

Sản xuất gạch không nung tại Công ty kinh doanh VLXD Loan Thắng (Thạch Liên – Thạch Hà)

Sản xuất gạch không nung tại Công ty kinh doanh VLXD Loan Thắng (Thạch Liên – Thạch Hà)

Về thiết kế, các tiêu chuẩn sản phẩm, quy phạm xây dựng, kết cấu kiến trúc, đơn giá xây dựng của các loại VLXKN chưa được các cơ quan quản lý ban hành đồng bộ, đầy đủ. Do đó, kiến trúc sư, kỹ sư thiết kế chưa tự tin và khó chỉ định thiết kế, dự toán khối lượng VLXKN cho công trình. Các đơn vị tư vấn thiết kế vẫn quen dùng thông số kỹ thuật của gạch nung, do đó, khi đưa VLXKN vào các công trình thì ngại thay đổi thiết kế.

Bên cạnh đó, VLXKN cũng đòi hỏi kỹ năng xây, tô, lắp đặt khác với truyền thống nên các nhà thầu và thợ xây gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, hiện vẫn chưa có chính sách khuyến khích mạnh mẽ từ phía Chính phủ dành cho các nhà đầu tư sản xuất và các công trình sử dụng VLXKN.

Theo lộ trình phát triển vật liệu xây dựng của Chính phủ từ năm 2016 về sau tại các đô thị, tất cả các công trình xây dựng được đầu tư bằng ngân sách nhà nước phải sử dụng 100% VLXKN và đến 2020, sản lượng thay thế đảm bảo từ 50-60%, tương ứng khoảng 400 triệu viên/năm. Hiện trên địa bàn tỉnh, ngoại trừ 4 nhà máy đã sản xuất sản phẩm, 6 nhà máy khác đang được đầu tư xây dựng; dự kiến đến đầu năm 2017 sẽ đi vào sản xuất.

Chưa nói đến việc thiếu hụt nhiều nhà máy (dự kiến 17 nhà máy, công suất 350-400 triệu viên/năm), với đà tiêu thụ nhỏ giọt như hiện nay, chắc chắn tiến độ thi công các nhà máy đang bị chững lại do lo ngại đầu ra. Khi đó, lộ trình của Chính phủ rất khó đạt được.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast