Giá điện sinh hoạt: Phương án của EVN cần thuyết phục, có căn cứ

PGS. TS. Bùi Xuân Hồi có ý kiến về các phương án tính giá điện sinh hoạt do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt” với 3 phương án tính giá điện mới. Hiện đề án đang nhận được nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau.

Để có góc nhìn toàn diện và khách quan, phóng viên VOV đã trao đổi với PGS. TS. Bùi Xuân Hồi - Bộ môn Kinh tế Năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về vấn đề này.

PV: Mùa hè vừa qua, khi nắng nóng kéo dài làm hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng vọt. Chỉ khi đó, Bộ Công Thương mới yêu cầu EVN phải xây dựng đề án điều chỉnh giá điện. Xin PGS cho biết quan điểm của ông về vấn đề này.

PGS. TS. Bùi Xuân Hồi: Tôi nghĩ việc EVN xây dựng Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt” là một công việc hết sức bình thường. Bởi lẽ “nghiên cứu phát triển hoàn thiện các khung biểu giá, cơ chế chính sách giá điện” là một trong 3 nội dung chính của chính sách giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng.

Chúng ta nên có cái nhìn khách quan về việc này, phản ứng từ phía người tiêu dùng chỉ là một kênh thông tin, còn theo thời gian việc thực hiện biểu giá có thể lỗi thời, lạc hậu và nghiên cứu cải tiến khung biểu giá phù hợp hơn là việc làm cần thiết và thường xuyên.

Có thể có một sự trùng lặp ngẫu nhiên, vì thời điểm EVN đưa ra nghiên cứu hoàn thiện khung biểu giá điện lại cùng lúc có nhiều phản ứng từ phía hộ dùng điện sinh hoạt vào mùa hè, từ đó nảy sinh suy nghĩ EVN phải điều chỉnh biểu giá sinh hoạt vì phản ứng từ phía người tiêu dùng.

Giá điện sinh hoạt: Phương án của EVN cần thuyết phục, có căn cứ ảnh 1

PGS. TS. Bùi Xuân Hồi trao đổi về Đề án cải tiến biểu giá điện sinh hoạt do EVN đang đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

PV: Với 3 phương án tính giá điện được đưa ra trong đề án lần này, ông có nhận xét gì về các phương án mà EVN đã nghiên cứu?

PGS. TS. Bùi Xuân Hồi: Cần phải nói rõ là việc nghiên cứu điều chỉnh biểu giá điện được EVN xây dựng thành một “Đề án” với nhiều nội dung trong đó có biểu giá điện cho sinh hoạt. Vả lại đây mới là dự thảo các phương án, sau đó sẽ EVN phải lựa chọn, trình Bộ Công Thương và quyết định phê duyệt của Chính phủ mới có thể ban hành thực hiện.

Trở lại với các phương án giá điện sinh hoạt do EVN đã nghiên cứu, tôi cho rằng với đề án như hiện nay sẽ rất khó để có thể đánh giá đầy đủ phương án nào hợp lý phương án nào thiếu hợp lý. Vì về phương diện học thuật, có ít nhất 4 yếu tố cần phải xem xét kỹ lưỡng khi xây dựng biểu giá: Một là, chi phí cung ứng và phát triển hệ thống điện; Hai là, cơ cấu, tính chất và mục đích tiêu dùng; Ba là, hiệu quả sử dụng điện và Bốn là chính sách xã hội mà chính phủ theo đuổi.

Ở đây, trong Đề án của EVN các đề xuất thiếu nguyên sự liên hệ với chi phí cung ứng điện mà như tôi đã đề cập ở trên trong khi đây là điểm rất đặc thù. Như những đánh giá về nhược điểm của các biểu giá 6 bậc hiện nay (căn cứ để điều chỉnh), cũng không hề nhắc đến sự phù hợp hay không của biểu giá với chi phí cung ứng điện, chỉ nhấn mạnh về khía cạnh thực hiện nó gặp khó khăn hay hiểu sai từ phía khách hàng...

Tuy nhiên, nếu biểu giá đó phản ánh gần nhất, đúng nhất với chi phí cung ứng thì cái cần điều chỉnh, cần thay đổi là công tác quản lý kinh doanh điện năng chứ không phải là điều chỉnh biểu giá.

Tôi cũng phải khẳng định rằng, biểu giá sinh hoạt bậc thang là rất phù hợp trong mục tiêu của EVN là tính đúng, tính đủ, đảm bảo chi phí phát triển mở rộng hệ thống, hướng người sử tiêu dùng điện tới mục tiêu sử dụng hiệu quả - tiết kiệm điện năng và đảm bảo tối đa các chính sách xã hội của Đảng và nhà nước.

Nhưng việc duy trì 6 hay điều chỉnh thành 3 bậc thang, những phương án tính toán của EVN cần thuyết phục hơn, có căn cứ hơn. EVN là người đề xuất, tiếp cận định giá cần đa chiều nhưng cốt lõi vẫn phải là chi phí cung ứng - điều này tôi chưa nhìn thấy trong đề án, hoặc có thể EVN đã có những tính toán nhưng họ không nêu ra trong đề án.

PV: Ông có suy nghĩ gì về phương án một mức giá điện sinh hoạt là 1.747 đồng/kWh do EVN đưa ra?

PGS. TS. Bùi Xuân Hồi: Trong đề án của EVN, Phương án 2 quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt. Chưa đề cập đến ai hưởng lợi, ai chịu thiệt khi áp dụng biểu giá này, nhưng tôi cũng không hiểu lắm vì sao EVN lại nghiên cứu phương án này vì nó cũ kỹ, lạc hậu và chính EVN đã từng từ bỏ biểu giá này từ rất lâu.

Tính đồng giá điện thực chất là hệ thống giá bán theo “chi phí trung bình”, áp dụng một biểu giá duy nhất cho các hộ tiêu thụ bất kể tính chất sử dụng, vị trí địa lý, thời điểm và thời gian tiêu thụ. Vì vậy, có thể thấy ngay những hạn chế không phải bàn cãi của phương án đồng giá: Đánh đồng giữa việc cung cấp điện vào giờ cao và thấp điểm, không phân biệt tính chất cũng như mục tiêu sử dụng điện giữa các hộ tiêu thụ; không góp phần san phẳng đồ thị phụ tải. Vì vậy quan điểm của tôi là EVN không nên đưa phương án này vào đề án, với những hạn chế như trên giá điện đồng giá không ổn cho chính EVN và cho người sử dụng.

Trong đề án EVN không nói đến việc hỗ trợ cho hộ nghèo và cận nghèo đối với đề xuất bán điện đồng giá. Tuy nhiên ngay cả khi duy trì các hỗ trợ như hiện nay thì các hộ nghèo và cận nghèo vẫn phải chi phí tiêu dùng điện cao hơn, do mức giá bình quân mà họ phải trả cao hơn so với trước đây, nếu họ tiêu dùng dưới 100kWh/tháng (trước đây 50 kWh đầu đơn giá 1.484 đồng, 50 kWh tiếp theo đơn giá là 1.533 đồng, nếu đồng giá thì ngay từ kWh đầu tiên đã phải trả 1.747 đồng).

PV: Phần lớn các hộ tiêu dùng điện chưa hiểu thấu đáo về biểu giá điện sinh hoạt bậc thang. Theo logic thông thường là sản phẩm hàng hóa dùng càng nhiều sẽ càng rẻ, vậy vì sao dùng điện càng nhiều giá càng đắt thưa ông?

PGS. TS. Bùi Xuân Hồi: Về phương diện truyền thông, lẽ ra EVN - người bán điện duy nhất phải có trách nhiệm giải thích rõ hơn biểu giá mà họ thực hiện thay vì lấy ý kiến cộng đồng.

Về giá điện bậc thang: Trên quan điểm cung ứng, điều mà cả người bán và người mua đều thấy hợp lý khi giá cả của hàng hóa cung ứng/tiêu dùng được tính đúng, tính đủ và phù hợp. Giá điện bậc thang nằm trong logic này. Khác với hầu hết các hàng hóa thông thường khác là chi phí cung ứng ít khi thay đổi theo thời gian, với sản phẩm điện năng việc cung ứng điện vào các thời điểm khác nhau sẽ gây ra chi phí rất khác nhau cho hệ thống.

Cụ thể là: Nếu sau 22 giờ hàng ngày, lượng cầu ít, EVN chỉ huy động nhà máy thủy điện và rõ ràng chi phí cung ứng là rất thấp. Nhưng nếu vào thời gian cao điểm 19 giờ tối, khi lượng cầu tăng cao, EVN phải huy động các nhà máy điện có chi phí cung ứng cao vào để đáp ứng lượng cầu, khi đó hộ tiêu dùng phải trả giá điện cao theo đúng chi phí họ gây ra cho hệ thống. Đó là sự khác biệt về cung - cầu trong ngành điện.

Với các hộ tiêu dùng sinh hoạt có thể nhận thấy rằng, phụ tải sinh hoạt khá đồng nhất, sự gia tăng tiêu dùng điện cho sinh hoạt đều nằm ở thời kỳ cao điểm. Vì vậy càng sử dụng nhiều, chi phí hộ tiêu dùng gây ra cho hệ thống điện càng lớn. Đây chính là lý do của việc xây dựng giá điện bậc thang cho mục đích sinh hoạt và giá điện theo hướng lũy kế, tức là dùng càng nhiều người sử dụng càng phải trả giá cao.

Ngoài ra, thông qua hiệu ứng giá, biểu giá bậc thang hướng người tiêu dùng tới việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng. Điều này là phù hợp, nhiều nước đã áp dụng biểu giá bậc thang cho hộ tiêu dùng sinh hoạt chứ không riêng ở Việt Nam.

PV: Vậy thì với các phương án như trong đề xuất của EVN đã là cách tính tối ưu nhất hay chưa, trong bối cảnh EVN đang dần triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh thưa ông?

PGS. TS. Bùi Xuân Hồi: Đây là một câu hỏi rất khó mà có lẽ còn lâu nữa, còn nhiều trải nghiệm nữa của công nghiệp điện lực thế giới mới có thể trả lời chính xác được. EVN đâu phải là người triển khai thị trường bán buôn, một khi là thị trường thì EVN và các đơn vị của EVN sẽ chỉ là các chủ thể tham gia thị trường mà thôi.

Biểu giá mà EVN đưa ra là biểu giá áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng do nhà nước quy định chứ không phải giá của thị trường. Và với một ngành đặc thù như ngành điện - một ngành mang đặc trưng kinh tế theo quy mô, đừng vội nghĩ khi “thị trường hóa” người tiêu dùng sẽ nhận được giá điện rẻ.

Tôi nghĩ rằng, với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội như ở nước ta, biểu giá áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng vẫn phải được kiểm soát của nhà nước. Và khi đó các nghiên cứu hoàn chỉnh biểu giá điện hài hòa lợi ích, phù hợp với hạ tầng điện lực, đảm bảo an ninh trong cung cấp điện năng là điều phải được triển khai thường xuyên chứ không có một cách tính tối ưu duy nhất.

Khi EVN xây dựng các phương án tính giá, việc lấy ý kiến cộng đồng tôi cho rằng sẽ không thực sự hiệu quả về phương diện thông tin. Hộ tiêu dùng rất đa dạng, một hay hai phương án giá đề xuất chắc phương án này có lợi cho hộ tiêu dùng này, phương án kia có lợi cho hộ tiêu dùng khác, rất khó có thể tìm được sự đồng thuận từ cộng đồng.

Điều quan trọng là EVN phải có đầy đủ căn cứ cho các phương án của mình. Đấy sẽ là cơ sở để trình Chính phủ một phương án giá điện được tính đúng, tính đủ, đảm bảo an ninh trong cung cấp, đã xét tới tính chất và mục đích tiêu dùng điện và các chính sách xã hội mà Đảng và Nhà nước đưa ra.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS. TS về những trao đổi này.

Giá điện sinh hoạt: Phương án của EVN cần thuyết phục, có căn cứ ảnh 2

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast