Giá điện tăng 22%

Với khung giá bán lẻ mới vừa được phê duyệt, năm 2015, người sử dụng điện đến bậc thang cao nhất là trên 401 KWh/tháng sẽ phải trả 2.918 đồng/KWh.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2013-2015 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), có hiệu lực từ ngày 11-11. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.437 đồng/KWh và tối đa là 1.835 đồng/KWh.

Cao hơn hiện tại từ 323-489 đồng/KWh

Hiện giá bán lẻ điện bình quân là 1.508,85 đồng/KWh. Trong đó, ở bậc thang thứ nhất là dưới 100 KWh điện thì mức giá người sử dụng phải trả là 1.418 đồng/KWh, tăng tiến đến bậc thang cuối cùng là trên 401 KWh/tháng thì giá điện tăng lên 2.420 đồng/KWh. Như vậy, nếu giá điện bình quân tối đa được phê duyệt 1.835 đồng/KWh thì 2 năm nữa, giá điện bình quân sẽ tăng lên 22%. Tính toán cụ thể, nếu giá bán lẻ điện ở bậc thang đầu tiên được đặt ở mức tối đa cho phép là 1.835 đồng/KWh và áp dụng theo tỉ lệ tăng bậc thang hiện hành thì giá bán lẻ điện sinh hoạt có thể dao động từ 1.835 -2.918 đồng/KWh, cao hơn giá hiện nay từ 323-489 đồng/KWh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo căn cứ vào khung giá của mức bán lẻ điện, giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2013-2015 được điều chỉnh không thấp hơn mức giá tối thiểu và không cao hơn mức giá tối đa của khung giá, theo cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện do Thủ tướng quy định và phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh khung giá của mức bán lẻ điện bình quân phù hợp với biến động của chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán điện, Bộ Công Thương phải phối hợp với Bộ Tài chính tính toán và trình Thủ tướng quyết định.

Tăng giá vì cần vốn đầu tư

Đánh giá về quyết định điều chỉnh giá điện này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng đây là mức tăng hợp lý do áp lực đầu tư của ngành điện hiện nay quá lớn. "Ngành điện không đủ tiền để làm đối ứng, chưa nói đến tiền để đầu tư. Mức tăng theo lộ trình trong 2 năm như trên nhằm bảo đảm đủ tiền đối ứng để ngành điện có thể vay vốn thực hiện các dự án đầu tư về điện theo Tổng sơ đồ điện VII đã phê duyệt" - ông Ngãi lý giải.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc đầu tư phải căn cứ trên tất cả những tính toán về phát triển kinh tế; đến chương trình tiết kiệm điện, giảm thất thoát điện năng trong chính ngành điện; xem xét điều chỉnh việc sử dụng điện của các ngành trong nền kinh tế, nhất là những ngành tiêu thụ điện lớn. "Không thể chỉ tính toán 1 chiều, cho rằng với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay thì các ngành sẽ dùng nhiều điện nên phải đầu tư thêm mà không nghĩ đến chuyện tiết kiệm điện cũng như hạn chế những dự án tiêu tốn điện mà chưa biết lợi ích đến đâu" - bà Lan nói.

Bảng giá điện so sánh hiện hành và sau khi tăng giá.

Bảng giá điện so sánh hiện hành và sau khi tăng giá.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong đặt giả thuyết mức giá bán lẻ điện hiện hành hợp lý thì mức tăng 22% trong khoảng 2-3 năm nữa sẽ cân bằng với mức lạm phát được khống chế khoảng 7% mỗi năm. Tuy nhiên, giá điện hiện còn nhiều bất ổn do cơ chế độc quyền và thiếu minh bạch. Theo ông Phong, việc ngành điện cần vốn để đầu tư hoàn toàn hợp lý nhưng vấn đề cần quan tâm là lợi nhuận ra sao, đầu tư vào lĩnh vực gì thì không thấy ngành điện giải trình công khai. Hơn nữa, theo TS Phong, ngành điện đang độc quyền nên không so sánh, đánh giá được giá điện hiện hành cũng như giá điện được cho phép tăng đến 2015 liệu có hợp lý.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng yêu cầu cần minh bạch và bóc tách cụ thể các chi phí cấu thành giá điện đồng thời làm rõ những sai phạm trong việc đưa những khoản chi tiêu không đúng vào giá thành điện như kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa qua. "Nếu chưa làm rõ được những nội dung trên thì hoàn toàn chưa đủ cơ sở để phê duyệt cho tăng giá ở mức cao đến 22%" - bà Lan khẳng định.

Theo Người Lao Động

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast