Giảm lãi suất - cơ hội mới khơi thông nguồn vốn

Ngày 13/5, các quyết định điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam bắt đầu có hiệu lực, tạo đà cho làn sóng giảm lãi cả đầu vào và đầu ra của các tổ chức tín dụng (TCTD). Sâu rộng hơn, mạnh mẽ hơn - những tín hiệu bước đầu đang mang đến nhiều kỳ vọng cho đợt giảm lãi suất lần này...

Chủ động hạ lãi đầu vào

Huy động vốn tăng, đầu tư tín dụng nhỏ giọt - thực trạng này kéo dài nhiều năm đã khiến dòng vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM) tắc nghẽn. Cùng đó, diễn biến không thuận lợi của nền kinh tế kéo dài khiến các ngân hàng càng khó tìm đầu ra cho nguồn vốn nhàn rỗi huy động được. Bởi vậy, giảm lãi suất đầu vào là lời giải cần thiết cho bài toán kinh doanh của chính bản thân các TCTD ở thời điểm này.

Hạ lãi suất sẽ giúp ngân hàng khơi thông nguồn vốn ứ đọng.
Hạ lãi suất sẽ giúp ngân hàng khơi thông nguồn vốn ứ đọng.

Từ ngày 6 đến 8/5, cả 4 NHTM lớn đều đã chủ động đưa ra các mức lãi huy động thấp hơn cho các kỳ hạn tiết kiệm. Mở đầu là bước đột phá của Vietcombank; tiếp đó, BIDV, Agribank, Vietinbank đều lần lượt giảm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn xuống mức thấp nhất là 5% và cao nhất là 8%/năm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại Vietcombank Hà Tĩnh, sau những ngày đầu áp dụng lãi suất mới, nguồn tiền gửi tiết kiệm đang tăng trưởng ổn định. Trưởng phòng Giao dịch Kỳ Anh - Đặng Xuân Hùng cho biết: “Lượng tiền gửi tiết kiệm những ngày này của chúng tôi không những giữ vững mà còn nhích hơn. Qua nhiều lần giảm lãi suất, từ đầu năm đến nay, nguồn vốn huy động của phòng giao dịch vẫn tăng trưởng khá - 30 tỷ đồng so với đầu năm, chứng tỏ tiền gửi tiết kiệm đang là kênh đầu tư an toàn mà người dân lựa chọn trong thời điểm hiện nay. Bởi vậy, nếu các TCTD khác đều đồng thuận thực hiện lộ trình giảm lãi thì vấn đề sụt giảm nguồn vốn huy động với chúng tôi sẽ không đáng ngại”.

Đồng thuận giảm lãi đầu ra

Cùng với hạ lãi suất huy động, các NHTM lớn cũng đồng thời thực hiện các bước giảm lãi suất cho vay. Lộ trình này đã được thúc đẩy nhanh hơn khi ngày 10/5, NHNN Việt Nam đồng thời có các quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Sản xuất nông nghiệp là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 10%/năm.
Sản xuất nông nghiệp là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 10%/năm.

Quyết định giảm các mức lãi suất điều hành của NHNN đã tiếp thêm động lực để các TCTD mạnh dạn thực hiện lộ trình giảm lãi suất. Đặc biệt, hiệu lệnh giảm lãi suất cho vay đã được thể hiện khá rõ nét với việc NHNN quy định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn của các NHTM tối đa dành cho các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) từ 11% giảm xuống 10%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 12% xuống 11%/năm.

Cũng tại buổi công bố hạ lãi suất của NHNN, các NHTM lớn đã đồng thuận sẽ điều chỉnh giảm các khoản vay cũ về mức 13%/năm, kể từ ngày 13/5.

Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày đầu thực hiện các quyết định của NHNN, phần lớn các chi nhánh NHTM lớn trên địa bàn đã triển khai nghiêm túc và xem đây là cơ sở cho việc giảm lãi cho vay một cách sâu rộng để đồng hành cùng khách hàng. Đi đầu trong lộ trình này là

Vietcombank Hà Tĩnh với việc đồng loạt hạ 100% món vay có lãi suất trên 13-15%/năm xuống còn 13%/năm. Các món vay này hiện đang chiếm hơn 1/4 tổng dư nợ của toàn chi nhánh. Đồng thời biểu giá lãi suất cho vay mới cũng đã được giảm xuống ở mức 9,69% đối với cho vay ngắn hạn ở các lĩnh vực ưu tiên. Ngay ngày đầu hạ lãi suất, nhiều khách hàng đã tiếp cận nguồn vốn rẻ.

Ông Nguyễn Hà Thạch - Giám đốc Công ty CP Đầu tư & Xây dựng số 1 cho biết: “Vietcombank Hà Tĩnh đã chủ động tư vấn cho chúng tôi về việc giảm lãi suất và các thủ tục đã được hoàn tất nhanh chóng để giải ngân vốn vay với lãi suất 0,82%/tháng. Đây thực sự là một mức lãi suất hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay”.

Tại Chi nhánh BIDV Hà Tĩnh - một trong những ngân hàng tiên phong trong việc thực hiện các quyết định về lãi suất, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp Nguyễn Bá Phong cho biết: Chi nhánh đã đánh giá, rà soát dư nợ các khoản vay cũ (gồm cả ngắn, trung và dài hạn) có mức lãi cao hơn 13%/năm để điều chỉnh giảm lãi về mức 13% từ ngày 13/5. Số dư nợ phải điều chỉnh là 517 tỷ đồng với hơn 120 khách hàng doanh nghiệp. Lãi suất cho vay ngắn hạn các món vay mới cao nhất chỉ còn 10%; một số khoản vay ở mức 8-9%/năm.

Còn Giám đốc Agribank Hà Tĩnh Nguyễn Thị Diên khẳng định: phần lớn các món vay của Ngân hàng Nông nghiệp đều thuộc đối tượng ưu tiên với lãi suất tối đa hiện chỉ còn 10%/năm. Ngay trong ngày 13/5, Chi nhánh đã có công văn chỉ đạo các ngân hàng cấp dưới thực hiện nghiêm túc mức lãi suất mới, đồng thời tiếp tục phát huy hiệu quả Quyết định 26 của UBND tỉnh về hỗ trợ lãi suất cho vay phát triển các mô hình sản xuất để mở rộng cơ hội đầu tư tín dụng.

Đợt giảm lãi suất lần này dù mới bắt đầu nhưng được kỳ vọng sẽ diễn ra sâu rộng và tạo nên sự chuyển biến đối với kết quả đầu tư tín dụng trong thời gian tới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast