Gỡ khó vốn tín dụng cho khu vực “Tam nông”

Việc hỗ trợ vốn cần các chính sách cụ thể để lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân có điều kiện tiếp cận vốn.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) - Nguyễn Văn Bình đề xuất một chương trình mới để hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân và nhận được sự đồng thuận của Chính phủ.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức như hiện nay, đây là tín hiệu tốt để gỡ khó vấn đề vốn cho khu vực nông thôn, góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn hay còn gọi là “Tam nông”.

Việc hỗ trợ tín dụng cho lĩnh vực “Tam nông” được các ngân hàng đón nhận khá tích cực.
Việc hỗ trợ tín dụng cho lĩnh vực “Tam nông” được các ngân hàng đón nhận khá tích cực.

Theo NHNN, chính sách tín dụng trong năm nay vẫn là ưu tiên 5 lĩnh vực: “Tam nông”, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, công nghiệp chế biến. Để làm được điều này, NHNN xác định: Đẩy mạnh tín dụng ở các địa phương ngay từ đầu năm.

Ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên trên, các ngân hàng sẽ mở rộng cho vay ở nhiều lĩnh vực khác. Trong đó, chú trọng nhiều hơn đối với những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, do dư nợ cho vay ở nhóm doanh nghiệp này vẫn còn thấp.

Ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng - NHNN khẳng định: Hiện nay, mặt bằng lãi suất thị trường đang ổn định và có xu hướng giảm. Vấn đề là làm sao để khu vực nông nghiệp, nông thôn hấp thụ được vốn nếu các ngân hàng tung tiền ra khi thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng.

“Quyết định cho vay phải được ngân hàng thẩm định kỹ càng, đủ điều kiện. Ngay khi thiết kế các điều kiện cho vay vốn, các ngân hàng cũng phải đưa các yếu tố thu hồi nợ lên hàng đầu để tránh nợ xấu sau này”, ông Mạnh chia sẻ.

Thông điệp của Chính phủ và NHNN về hỗ trợ tín dụng cho lĩnh vực “Tam nông” được các ngân hàng đón nhận khá tích cực. Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương, cho biết: Lãi suất cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được thực hiện theo biểu lãi suất hiện hành của OceanBank, căn cứ vào thời gian sinh trưởng vật nuôi, cây trồng, thời gian luân chuyển vốn, khả năng trả nợ của khách hàng, OceanBank sẽ thoả thuận với khách hàng thời hạn vay vốn phù hợp.

“Song song với việc cấp tín dụng, OceanBank vẫn yêu cầu trên hệ thống phải rà soát các tiêu chuẩn theo quy định của NHNN và quản trị rủi ro một cách chặt chẽ”, ông Hoàn cho hay.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: Năm nay, NHNN sẽ tích cực chỉ đạo các NHNN địa phương phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng một cách có hiệu quả.

“Trước mắt, NHNN có thể chủ động được ở một số khâu như xây dựng cơ chế để các Tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp kể cả công nghiệp mà áp dụng công nghệ cao. Trong khi đó, đầu tư ban đầu cho ứng dụng công nghệ cao rất lớn, cộng với kinh nghiệm chưa có nên rất dễ dẫn đến rủi ro. Trên cơ sở này, NHNN sẽ xây dựng cơ chế để các Tổ chức tín dụng yên tâm đầu tư, trong thời gian sớm nhất NHNN sẽ trình Chính phủ thông qua”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

Đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta với nhiều chính sách, đã và đang mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Hiện tín dụng cho nông nghiệp định hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, nên vấn đề quan trọng nhất là phải đưa được khoa học - công nghệ vào sản xuất, đưa thị trường, quan hệ thị trường đi vào mô hình tổ chức sản xuất để lĩnh vực này thu hút được vốn đầu tư lẫn vốn tín dụng. Vì vậy rất cần sự hỗ trợ bằng các chính sách cụ thể để lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có điều kiện tiếp cận vốn./.

Văn Hiếu

Nguồn: VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast