Hà Tĩnh cơ bản hoàn thành chi trả bồi thường sự cố môi trường biển

(Baohatinh.vn) - Sự cố môi trường biển đã để lại hậu quả nặng nề cho 4 tỉnh miền Trung, trong đó có Hà Tĩnh. Tuy nhiên, bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ trung ương, tỉnh, huyện, xã đến thôn xóm, đến nay, người dân tỉnh ta đã khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, công tác chi trả bồi thường sự cố môi trường đã cơ bản hoàn thành.

ha tinh co ban hoan thanh chi tra boi thuong su co moi truong bien

Công tác chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Nhìn lại “núi” công việc ngổn ngang liên quan đến sự cố môi trường biển, chúng ta không khỏi giật mình, bởi địa bàn bị ảnh hưởng trên 360 thôn/xóm thuộc 67 xã, phường của 7 huyện, thị xã, thành phố. Số liệu kê khai thiệt hại, gồm: 6.489 tàu cá; 1.545 ha ao nuôi, hồ, bãi triều; 27.022 m3 nuôi lồng bè; 127 ha sản xuất muối; 47.960 lao động bị ảnh hưởng. Để giải quyết khối lượng công việc đồ sộ này, cả hệ thống chính trị tập trung cao độ làm việc vì mục tiêu bồi thường chính xác, khách quan, minh bạch, đúng tiến độ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho biết, ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn kê khai, xác định thiệt hại của Bộ NN&PTNT về công tác xác định thiệt hại, bồi thường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương vào cuộc. Quan điểm chỉ đạo chung của tỉnh trong việc kê khai, thống kê, xác định thiệt hại phải được tổ chức chặt chẽ, khách quan, dân chủ, đúng quy định của pháp luật, có sự tham gia trực tiếp của người dân, cộng đồng và chính quyền. Thống kê, đánh giá thiệt hại phải khẩn trương, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế, phạm vi, mức độ ảnh hưởng và được thực hiện theo đúng thẩm quyền.

ha tinh co ban hoan thanh chi tra boi thuong su co moi truong bien

Người dân đầu tư sửa sang lại thuyền bè để tiếp tục ra khơi bám biển

Để thực hiện việc kê khai, bồi thường, khôi phục sản xuất hiệu quả nhất, tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo ANTT sau sự cố môi trường, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; UBND tỉnh thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại, do một đồng chí phó chủ tịch tỉnh làm chủ tịch hội đồng. Ngay sau khi Bộ NN&PTNT ban hành Văn bản hướng dẫn số 6851/BNN-TCTS ngày 12/8/2016 về việc hướng dẫn kê khai, xác định thiệt hại, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.

Cùng đó, tỉnh phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức 5 lớp tập huấn tại 5 cụm cho trên 2.000 cán bộ từ cấp thôn, xóm đến cấp tỉnh về triển khai công tác kê khai, xác định thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại; thành lập hội đồng kiểm tra, soát xét, thẩm tra giá trị thiệt hại và thành lập 7 tổ công tác kiểm tra chỉ đạo, giám sát việc tổ chức thực hiện để tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương; thành lập hội đồng đánh giá, thẩm định thiệt hại các cấp; xác định đối tượng đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng đối tượng, số lượng thiệt hại, không để xảy ra tình trạng tiêu cực. Việc tổ chức thực hiện được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ càng, sâu rộng từ cấp huyện, xã đến tận thôn xóm, người dân, các tổ chức, cá nhân thiệt hại.

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo Chủ tịch Hội đồng thẩm tra, thẩm định và 7 tổ công tác cấp tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn việc kê khai, thẩm định, phê duyệt giá trị thiệt hại và việc tổ chức chi trả tiền cho các hộ dân; đồng thời, tổng hợp, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt giá trị thiệt hại. Song song với đó, chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã bị ảnh hưởng thành lập hội đồng chi trả; hoàn thiện các thủ tục tiếp nhận tiền và tổ chức chi trả theo tiến độ phê duyệt. Nhờ vậy, công tác kê khai, thẩm định, phê duyệt, chi trả được thực hiện một cách nhanh chóng, đúng yêu cầu, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

ha tinh co ban hoan thanh chi tra boi thuong su co moi truong bien

Diêm dân thôn Châu Hạ, xã Thạch Châu (Lộc Hà) bắt đầu làm muối trở lại sau sự cố môi trường biển

Theo số liệu từ Sở NN&PTNT, tính đến hết ngày 29/5, tỉnh đã phê duyệt 1.242 tỷ đồng, số còn lại đang được tiếp tục thẩm định, phê duyệt theo quy định. Trong tổng số 1.354 tỷ đồng đã nhận cấp ứng từ tỉnh, các địa phương tổ chức chi trả cho người dân 1.188 tỷ đồng. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Đức Nhân, mặc dù Chính phủ giao hoàn thành công tác chi trả trước 30/6 nhưng hiện nay, tỉnh và các địa phương đang tập trung cao độ để thẩm định, phê duyệt số tồn đọng còn lại, phấn đấu phê duyệt hoàn thành trong ngày hôm nay (31/5); các địa phương phấn đấu hoàn thành cơ bản chi trả trước ngày 5/6.

Cũng theo ông Lê Đức Nhân, một số đối tượng chưa thuộc diện chi trả đợt này, tỉnh đã kiến nghị với Chính phủ xem xét giải quyết. Hiện Chính phủ đã giao địa phương, ngành chức năng liên quan rà soát lại lần cuối cùng, tham mưu Chính phủ xác định đối tượng để tiếp tục thực hiện công tác bồi thường.

Sau hơn 1 năm xảy ra sự cố môi trường, bằng sự chỉ đạo sâu sát của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, công tác bồi thường thiệt hại đã cơ bản hoàn thành. Cùng với việc tập trung công tác chi trả bồi thường, cả hệ thống chính trị đang đồng hành cùng ngư dân phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống.

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast