Hàng chục hồ đập 2 huyện miền núi “uy hiếp” an toàn vùng hạ du

(Baohatinh.vn) - Trên địa bàn 2 huyện Hương Sơn và Vũ Quang hiện có hàng chục hồ đập bị xuống cấp, hư hỏng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công năng sử dụng của các công trình mà còn gây ra nỗi lo mất an toàn vùng hạ du trong mùa mưa bão sắp tới.

Hàng chục hồ đập 2 huyện miền núi “uy hiếp” an toàn vùng hạ du

Sụt lún đất đá từ đồi cao gây nứt tước, hư hỏng các hạng mục bảo vệ đập tràn phía phải của đập Khe Trảy, xã Hương Thọ (Vũ Quang)...

Đập Khe Trảy nằm trên địa bàn thôn 6, xã Hương Thọ (Vũ Quang), có dung tích 150.000 m3, phục vụ tưới cho 15 ha đất sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, quả đồi bên mái phải tràn xả lũ bị sụt lún hơn 1m, hàng ngàn m3 đất đá có thể sạt trượt từ trên xuống lấp cửa tràn bất cứ lúc nào. Hiện tượng sạt lở cũng bắt đầu xẩy ra ở quy mô nhỏ tại khu vực này. Việc mất an toàn của đập chứa nước gây nhiều lo lắng cho chính quyền địa phương và các hộ dân vùng hạ du.

Hàng chục hồ đập 2 huyện miền núi “uy hiếp” an toàn vùng hạ du

Theo ông Lành và các cơ quan chức năng, trên đỉnh đồi này (gần vạt keo lớn) đã xuất hiện vết nứt sâu hơn 1 m, kéo dài, nếu có mưa dài ngày hoặc mưa lớn thì rất dễ sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến đập tràn

Ông Phan Văn Lành - Trưởng thôn 6, xã Hương Thọ cho biết: Đập Khe Trảy được đầu tư nâng cấp cách đây khoảng 8 năm. Hiện nay, thân đập, cống xả và các hạng mục khác đang có thể sử dụng được nhưng phần đập tràn bị hư hỏng. Năm ngoái, ở phần thân đập tràn đã có nhiều chỗ lở, người có thể chui qua, buộc xã phải trích kinh phí, còn nhân dân trong thôn tham gia ngày công để khắc phục. Điều đáng lo ngại là nguy cơ sụt lún, đất đá có thể vùi lấp đập tràn nếu quả đồi bên phải sạt lở...

Hàng chục hồ đập 2 huyện miền núi “uy hiếp” an toàn vùng hạ du

Cống xả hư hỏng, thân đập xuống cấp, lòng đập trơ đáy nên đập Khu Su ở xã Sơn Bình (Hương Sơn) không thể phát huy hiệu quả, gây nguy cơ mất an toàn công trình và vùng hạ lưu khi có mưa lũ lớn...

Đập Khe Su ở thôn 5, xã Sơn Bình (Hương Sơn) được xây dựng cách đây khoảng 60 năm, cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Do không được duy tu, nâng cấp thường xuyên và đồng bộ nên công trình thủy lợi này ngày càng “rệu rã”. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, thân đập bị sụt lún, nứt ngang một số đoạn, cống đóng mở bị hư hỏng hoàn toàn. Nguy cơ mất an toàn công trình khi mưa lũ về luôn hiện hữu nhưng việc khắc phục nằm ngoài khả năng của chính quyền địa phương. Xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện...

Hàng chục hồ đập 2 huyện miền núi “uy hiếp” an toàn vùng hạ du

Ngoài vùng hạ lưu đập thị thấm thì Đập Bượm ở xã Hương Thọ(Vũ Quang) còn bị sạt lở mạnh ở bãi tràn, xói lở bể tiêu năng (ảnh sạt lở bãi tràn)..

Theo thống kê, ở Vũ Quang hiện có 60 hồ đập lớn nhỏ. Các công trình này đã được xây dựng từ lâu, hầu như thân đập được đắp bằng đất (chỉ có 8 đập kiên cố) lại thường xuyên phải hứng chịu ảnh hưởng của lũ lụt nên rất nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, chủ yếu tập trung ở hệ thống cống đóng mở, tràn xả lũ, thân đập...

Hàng chục hồ đập 2 huyện miền núi “uy hiếp” an toàn vùng hạ du

Hình ảnh cống xả của Đập Bượm ở xã Hương Thọ cũ kỹ, xuống cấp, mất an toàn....

Trong 114 hồ chứa, đập dâng ở huyện Hương Sơn, có 18 hồ đập đang có hiện tượng nước thấm qua thân đập; sạt lở mái thượng lưu, hạ lưu đập; các van điều tiết bị rò rỉ… đe dọa an toàn công trình. Tình trạng hư hỏng, xuống cấp đã diễn ra nhiều năm nhưng không thể khắc phục, sửa chữa dứt điểm do thiếu kinh phí...

Những biện pháp khắc phục hiện nay của chính quyền địa phương và người dân vùng hưởng lợi chỉ là giải pháp tình thế. Để đảm bảo an toàn về lâu dài, đề nghị tỉnh, ngành chức năng cân đối kinh phí, ưu tiên sửa chữa các hạng mục quan trọng đáp ứng yêu cầu phòng chống lụt bão, đồng thời phát huy công năng phục vụ tưới sản xuất nông nghiệp.

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast