Kỳ Tân anh hùng và đổi mới

(Baohatinh.vn) - Lấy truyền thống anh hùng làm nền tảng, trong mọi hoàn cảnh, người dân xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh) luôn biết cách vươn lên để thích ứng và làm chủ cuộc sống. Bề dày truyền thống và sự bứt phá trong hiện tại đang thôi thúc Kỳ Tân tiếp bước giành những thành quả mới.

2 lần được phong tặng anh hiệu anh hùng

Theo sử sách để lại, ngay từ các triều đại phong kiến (Lý, Trần, Lê), Kỳ Tân đã trở thành nơi đóng đồn binh trấn giữ biên giới phía Nam của vùng biên viễn Đại Việt. Trải qua thăng trầm của lịch sử, di duệ của các thế hệ binh lính cùng với người dân từ miền Bắc vào đã định cư tại đây và lập nên những xóm làng trù phú. Được hình thành trong những hoàn cảnh đặc biệt, con người Kỳ Tân luôn mang trong mình dòng máu kiên cường, bất khuất, nêu cao tinh thần yêu nước, cách mạng.

Chính vì lẽ đó, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, những “hạt giống đỏ” đầu tiên đã được “gieo mầm” xuống mảnh đất Kỳ Tân. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Kỳ Tân đã đứng lên đánh đuổi kẻ thù, giành độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất non sông. Ghi nhận những cống hiến lớn lao của Đảng bộ và nhân dân xã Kỳ Tân, năm 1970, Hội đồng Bộ trưởng đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Kỳ Tân anh hùng và đổi mới ảnh 1

Hệ thống giao thông nông thôn xã Kỳ Tân đạt trên chuẩn nhờ sự chỉ đạo bài bản, quyết liệt của lãnh đạo và sức mạnh đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.Ảnh: Bá Tân

“Trong những trận đánh bảo vệ QL 1A, đảm bảo giao thông nối liền đường 12, đế quốc Mỹ đã 119 lần ném bom vào Kỳ Tân với hơn 7.240 quả bom các loại, song, người dân nơi đây vẫn anh dũng bám đường, xông pha bảo vệ làng mạc, yết hầu giao thông nối liền tiền tuyến lớn. Hòa bình lập lại, không cam chịu nghèo khó, người dân Kỳ Tân lại khăn gói học tập các mô hình sản xuất hay ở nhiều địa phương khác để ứng dụng những phương thức sản xuất hiệu qủa trên mảnh đất gian khó nhưng anh hùng”, ông Hoàng Xuân Toản - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Tân tự hào về truyền thống của quê hương.

Kỳ Tân còn được biết đến là mảnh đất có bề dày truyền thống về giáo dục. Trong một lần về thăm các cơ sở giáo dục tại đây, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình từng nhận xét: “Điều đáng trân trọng ở đây là một địa phương nghèo nhưng các thầy, cô giáo cùng với nhân dân đã cùng nhau xây dựng một điển hình tiên tiến về giáo dục toàn diện”. Và danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới không chỉ là niềm vinh dự của riêng thầy, trò Trường THCS Kỳ Tân mà còn là sự ghi nhận, biểu dương những nỗ lực vì tương lai của thế hệ trẻ Kỳ Tân.

Cán đích nông thôn mới trước 2 năm

Tiếp nối truyền thống anh hùng của quê hương, bước vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), người dân xã Kỳ Tân tiếp tục nỗ lực vượt khó, chung sức, đồng lòng hướng về mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cả vật chất lẫn tinh thần.

Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân - Lê Văn Phâng cho biết, bước vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, địa phương gặp không ít khó khăn. Là một xã thuần nông, với điểm xuất phát thấp, sau khi khảo sát, đánh giá, Kỳ Tân mới chỉ đạt 6 tiêu chí, trong khi đó, các tiêu chí còn lại đều cần nguồn lực lớn…

Kỳ Tân anh hùng và đổi mới ảnh 2

Trang trại nuôi bò của Nguyễn Ngọc Tấn (Kỳ Tân) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

“Cùng với việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng NTM, rà soát, so sánh các điều kiện hiện có, địa phương xác định lấy phát triển sản xuất, trong đó, tập trung vào phát triển kinh tế hộ gia đình để xây dựng nền tảng thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ, tiêu chí khác” - Chủ tịch UBND xã Lê Văn Phâng nhấn mạnh.

Mục tiêu đã được định sẵn, nhưng làm thế nào để cởi bỏ sức ì trong dân! Làm thế nào phát huy được vai trò chủ thể của người dân? “Lấy cán bộ, đảng viên, đặc biệt là hội viên hội cựu chiến binh làm nòng cốt, tiên phong xây dựng, phát triển sản xuất, tự nguyện hiến đất, tài sản… xây dựng các công trình phúc lợi”, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Tân - Nguyễn Đình Trung cho biết.

Với cách làm trên, trong 3 năm xây dựng NTM (2011-2013), người dân trên địa bàn đã huy động trên 115 tỷ đồng, trong đó, ngân sách T.Ư, tỉnh 11,2 tỷ đồng; huyện 4,5 tỷ đồng (tổng kinh phí ngân sách huyện, tỉnh, trung ương hỗ trợ cho Kỳ Tân chỉ chiếm 13,6%), xã 50,9 tỷ đồng, dân đóng góp 27,7 tỷ đồng (bằng ngày công, hiến đất, vật liệu tự khai thác, tiền mặt) để xây dựng mới 85 mô hình sản xuất, 4 HTX, 2 tổ hợp tác; nâng cấp, xây dựng gần 20 km đường giao thông nông thôn, gần 10 km kênh mương các loại; xây dựng, nâng cấp nhiều hạng mục trường học ở 3 cấp, trung tâm văn hóa xã, thôn…

Kỳ Tân anh hùng và đổi mới ảnh 3

Nhân dân thôn Xuân Dục xã Kỳ Tân (Kỳ Anh) hiến đất mở rộng đường giao thông

Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 9,6 triệu đồng lên gần 30 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ đạt dưới 4,3%. Đặc biệt, cuối năm 2013, Kỳ Tân là một trong những địa phương đầu tiên của Hà Tĩnh được công nhận hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM (trước 2 năm so kế hoạch).

“Sau 3 năm thực hiện chương trình, đời sống người dân đã được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, nghĩa tình làng xóm được bồi đắp, QPAN đảm bảo, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng ngày càng được nâng lên. Từ đó, nhân dân càng thêm phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền” - Chủ tịch UBND xã Lê Văn Phâng khẳng định.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast