Lo tìm nguồn gỗ nguyên liệu

Sau khi Thông tư số 37/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về việc tạm dừng việc kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn và gỗ xẻ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia có hiệu lực từ tháng 12/2014, hiện nay ngành chế biến gỗ Việt Nam đang tập trung lo nguồn gỗ nguyên liệu cho tương lai.

Lo tìm nguồn gỗ nguyên liệu ảnh 1

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), trong năm 2014 Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm đồ gỗ tới 106 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các mặt hàng đồ gỗ (mã HS 94) như: đồ gỗ ngoài trời, đồ nội thất… chiếm 60 - 70% tổng kim ngạch xuất khẩu; các mặt hàng gỗ (mã HS 44) như dăm gỗ, gỗ xẻ… chiếm khoảng 36% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong bối cảnh ngành gỗ Việt Nam hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế, việc Việt Nam duy trì xuất khẩu các mặt hàng gỗ nguyên liệu thuộc nhóm HS 44, đặc biệt là đối với sản phẩm gỗ tròn và gỗ xẻ có nguồn gốc từ Lào và Campuchia sẽ tiếp tục có những tác động không tốt đối với các sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU…

Mặt khác, việc tạm dừng hình thức tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng gỗ nguyên liệu từ Lào và Campuchia cũng có thể làm mất cơ hội tham gia thị trường đối với một số doanh nghiệp Việt Nam chuyên làm thương mại bởi nó có thể tạo cơ hội cho các doanh nghiệp từ các quốc gia khác tiếp cận và kiểm soát nguồn gỗ này.

“Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ cũng như các cơ quan quản lý cần sớm có những giải pháp điều chỉnh theo hướng giảm dần tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm thô, tăng tỷ trọng các sản phẩm đã được chế biến sâu với độ an toàn cao hơn về tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu đầu vào cho chế biến”- đại diện Vifores nhận định.

Ông Tô Xuân Phúc - đại diện Tổ chức Forest Trends - cho biết: Hiện nay, Chính phủ đang đàm phán với Liên minh Châu Âu (EU) để ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA). Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường EU một cách hợp pháp. Do vậy, Forest Trends và Vifores đã và đang phối hợp để nghiên cứu tính hợp pháp của gỗ cao su tại Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp tham gia thị trường gỗ có chiến lược và hành động trong tương lai.

Theo ông Phúc, kết quả nghiên cứu cho thấy Việt Nam hiện có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp gỗ cao su với sản lượng khai thác từ các vườn cao su thanh lý khoảng 2 triệu m³/năm. Ước tính đến năm 2020, lượng gỗ cao su có thể đạt đến 6 triệu m³/năm.

Ngành gỗ Việt Nam hiện nay nhập khẩu chủ yếu là gỗ nguyên liệu thuộc nhóm HS 44 với tổng kim ngạch nhập khẩu ước tính chiếm đến 97% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nguồn nhập từ Campuchia, Lào, Trung Quốc, Chile… (nguồn: Forest Trends).

Theo Báo Công thương

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast